(Tổ Quốc) - Mắc chứng gù vẹo, cột sống bẩm sinh nhưng cô gái nhỏ bé Nông Thị Thiết vẫn đang nỗ lực từng ngày vượt qua nghịch cảnh để chứng minh bản thân với cuộc đời “tàn nhưng không phế”.
Sinh ra mắc phải căn bệnh gù vẹo cột sống bẩm sinh, phải đối mặt với một cơ thể dị biệt, cô gái nhỏ bé Nông Thị Thiết vẫn đang nỗ lực từng ngày vượt qua nghịch cảnh để chứng minh bản thân với cuộc đời “tàn nhưng không phế”.
Nắng vàng khiến những con đường quanh co giữa núi rừng đại ngàn Hà Quảng, phía bắc Cao Bằng như đẹp hơn. Mái nhà của Nông Thị Thiết được dựng bởi bốn bức tường gạch ba vanh và được che chắn bởi những miếng tôn đã xỉn màu vì khói bếp.
Thiết sinh ra đã mắc chứng gù vẹo, cột sống bẩm sinh, hồi nhỏ cũng đã được chẩn đoán, nhưng do hoàn cảnh kinh tế cũng như nhận thức của bố mẹ mà từ bỏ qua thời điểm vàng chữa trị.Giờ đây, khi Thiết đã nhận đủ những ảnh hưởng từ căn bệnh, muốn chữa trị thì cô bị từ chối với lý do “chẳng có ai uốn nổi một cái cây đã trưởng thành”.
Nông Thị Thiết – cựu sinh viên Đại học Luật Hà Nội
Những lời miệt thị cay nghiệt
Ngay từ khi có nhận thức, Thiết đã biết cơ thể mình khác với các bạn. Bị vẹo cột sống ở mức độ rất nặng, hơn một trăm độ đã từng trở thành rào cản của Thiết với các bạn đồng trang lứa, với xã hội. Không chỉ phải chật vật với nỗi đau thể xác, cô còn phải đối mặt với những nỗi đau của sự kỳ thị, khinh miệt đến từ phía mọi người, bạn bè.
“Con vịt xấu xí” là biệt danh mà bạn bè dùng để gọi chị trong suốt quãng thời gian tiểu học và trung học.“Có một anh trai nói với bạn bè của anh ấy rằng: Con Thiết nó bị vậy mà nó còn rủ em tao đi chơi mày ạ. Ý của anh ấy là: mình bị như vậy thì mình không được đi chơi, mình phải ở nhà” - cô buồn tủi kể lại.
Dù có mạnh mẽ đến đâu, Thiết cũng không tránh khỏi những lúc tủi thân, chạnh lòng. Đáng buồn hơn khi có nhiều người không biết vô tình hay cố ý từng động chạm đến bố mẹ của Thiết. Có nhiều người nói rằng: “Bố mẹ như thế nào mới sinh ra một người con như thế”, “Đẻ con như vậy thì sau nó làm được gì”. Thiết đã phải tự thu mình để bỏ qua những lời lẽ cay nghiệt của mọi người. Đối với gia đình Thiết, đây có lẽ là nỗi khổ tâm, bất lực nhất của người làm cha làm mẹ.
Thiết từng khóc rất nhiều, đã nhiều lần than trách số phận. Đã từng từ chối chụp ảnh kỷ yếu thời trung học phổ thông vì lo rằng chính bản thân mình sẽ làm xấu đi bức hình của các bạn. Nhưng cô quyết định sẽ lựa chọn bỏ qua ánh mắt của người khác, trở thành một con người đầy tự tin và lan tỏa năng lượng đến với mọi người.
Trong suốt 12 năm học, Thiết luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và trở thành cử nhân của đại học Luật Hà Nội. Cô luôn chăm chỉ, nỗ lực giành học bổng, đi làm thêm để có thể trang trải cho cuộc sống của sinh viên tại thủ đô.
Trong quá trình học tập tại đại học, Thiết luôn chủ động hòa mình vào với mọi người. “Ngay từ đầu nói chuyện với chị Thiết, em không hề có cảm giác nói chuyện với một người thiệt thòi hơn mình. Mà là nói chuyện với một người giỏi hơn mình rất nhiều”- Nguyễn Thị Hiền - sinh viên Đại học Luật, bạn của Thiết thổ lộ.
Không có suy nghĩ mặc cảm, Thiết vẫn dành thời gian để có thể đi chơi với bạn bè, tham gia các chương trình cộng đồng để giúp đỡ thêm nhiều những người khác khó khăn hơn mình. Đối với chị, yêu thương bản thân và suy nghĩ tích cực chính là cách để không bỏ lỡ những điều đẹp đẽ trên cuộc đời này. Thiết luôn từ chối so sánh bản thân với người khác.
Hành trình tiến đến ước mơ
Gặp rất nhiều những bất lợi trong quá trình học tập xa gia đình, song Thiết được nhận xét là một người sống tích cực, lạc quan và tràn đầy tự tin tại đại học. Thiết cũng nhiệt tình tham gia những hoạt động thiện nguyện trong trường. “Muốn người khác không coi mình là một người khuyết tật, trước tiên mình phải luôn tự coi bản thân là một người bình thường”. Đó là động lực để Nông Thị Thiết tiếp tục bước đi khi có ý định ngừng cố gắng.
Thiết lựa chọn ngành luật để thực hiện ước mơ. Tuy nhiên phải mất khoảng một năm để cô sinh viên “dị biệt” ấy thoát khỏi sự hoang mang về ngành học, sự bỡ ngỡ của sinh viên năm nhất. Đến đầu năm hai, sau khi quay trở lại trường học, Thiết đã vạch được hướng đi đúng đắn cho bản thân, và quyết tâm gắn bó với nghề Luật.
Nông Thị Thiết (thứ nhất từ trái sang)- người luôn tích cực trong các hoạt động thiện nguyện
Hạnh phúc hiện tại
Sau khi tốt nghiệp đại học và chính thức trở thành cử nhân của Đại học luật Hà Nội, cô đang làm việc và trau dồi kỹ năng tại tổ chức hành nghề luật sư.
“Mình cảm thấy thích thú khi được nghiên cứu về các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề mà khách hàng đang vướng mắc. Mình đặc biệt thích gặm nhấm từng câu chữ để có thể viết ra những nội dung tư vấn sắc bén, thuyết phục và lôi cuốn khách hàng.
Nghề luật đem lại cho mình nhiều giá trị không chỉ về kiến thức mà còn cả tiền bạc và các mối quan hệ. Chính vì thế, đôi khi cảm thấy chán nản với công việc hiện tại, mình vẫn chưa từng có ý định bỏ nghề hay chuyển sang làm nghề trái ngành”, cô nói.
Dự định sắp tới của Thiết vẫn là tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ năng hành nghề Luật. Đạt được nhiều thành tựu trong công việc và sớm xây được nhà cho bản thân là ước mơ của cô. Thiết đang tham gia các dự án và hoạt động tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ người khuyết tật.
Đã trải qua một vài mối tình ngắn ngủi, Thiết vẫn cảm thấy tự ti trong tình yêu. Cô không tự tin để yêu ai lâu dài và cũng không dám nghĩ đến chuyện sẽ kết hôn. Bởi cô gái ấy có suy nghĩ rằng: Hôn nhân không phải là mối quan hệ của hai người mà còn là mối quan hệ với bố mẹ, họ hàng đôi bên.
Chính điều đó khiến Thiết không dám có mối quan hệ yêu đương lâu dài với ai. Trong tương lai gần, mong muốn duy nhất của cô là có thể thành công trong sự nghiệp.
Một con người từng tự ti trở thành một người năng động, đầy tự tin và có ích cho xã hội, cô đã phải cố gắng rất nhiều, cố gắng hơn những người bình thường. Thân hình “dị tật” không thể khỏa lấp đi được ý chí quyết tâm và sự chăm chỉ rèn luyện của cô.
Trà My - Nhật Vũ