“Bố ơi, gia đình mình có giàu không”, 2 câu trả lời này khiến 2 đứa trẻ có cuộc đời hoàn toàn trái ngược nhau

(Tổ Quốc) - Giáo dục về tiền bạc cho trẻ là điều quan trọng không kém IQ hay EQ nhưng ít được bố mẹ chú ý tới.

Có bao giờ bạn được con mình hỏi những câu như: "Mẹ ơi, nhà chúng ta có giàu không", "Một tháng mẹ kiếm được bao nhiêu tiền vậy". Lúc đó, câu trả lời của bạn là gì? Liệu bạn sẽ nói thật về gia đình mình hay né tránh câu hỏi của con cái?

Cách đây vài hôm, tôi tình cờ được nghe kể 2 câu chuyện liên quan tới sự thắc mắc của con cái về tiền bạc. 2 câu chuyện này tuy cùng chung một câu hỏi nhưng câu trả lời lại trái ngược nhau. 

“Bố ơi, gia đình mình có giàu không”, 2 câu trả lời này khiến đứa trẻ có 2 cuộc đời hoàn toàn trái ngược nhau - Ảnh 1.

Giáo dục tiền bạc rất quan trọng với con cái. (Ảnh minh họa)

Theo đó, có một đứa trẻ hỏi bố mình: "Gia đình mình có giàu không bố?"

Người bố trả lời: "Bố có nhiều tiền nhưng con thì không có. Tiền của bố kiếm được là do chăm chỉ làm việc. Con cũng có thể kiếm được rất nhiều tiền sau này bằng sức lao động của mình".

Cùng câu hỏi tương tự nhưng một người bố khác đã trả lời như thế này: "Gia đình mình có rất nhiều tiền. Tất cả số tiền này sẽ là của con trong tương lai".

Tôi đã hỏi một người bạn của mình về tương lai của 2 đứa trẻ trong câu chuyện trên sẽ như thế nào? Ai trong số chúng sẽ là người giàu hơn?

Bạn của tôi trả lời một cách không do dự: "Tất nhiên, đứa trẻ đầu tiên sẽ giàu hơn. Cậu bé sẽ làm việc chăm chỉ để kiếm tiền vì bố của cậu bé sẽ không cho đồng nào cả. Muốn giàu tất nhiên phải nỗ lực hết mình. Còn cậu bé thứ 2 cảm thấy gia đình mình đã giàu rồi, vì thế cậu bé sẽ tiêu xài xa hoa, cuối cùng tiền bạc rồi cũng tiêu hết".

Tôi cười và đồng ý với những gì bạn mình nói. Bố mẹ dù giàu có đến đâu nếu con cái không biết cách quản lý tiền bạc, tài sản rồi cũng sẽ tiêu tan dần. 

Trong câu chuyện trên, chúng ta có thể phân tích như thế này. Đứa trẻ đầu tiên sau khi nghe những lời nói từ bố mình sẽ nghĩ rằng, ông ấy rất giàu nhưng đó là tiền của ông ấy chứ không phải của mình. Tiền bố có được là nhờ vào làm việc chăm chỉ. Nếu muốn giàu có như bố, mình cần phải nỗ lực làm việc thông qua lao động. Những lời nói của người bố sẽ khiến đứa con không có tính ỷ lại, càng có thêm động lực để cố gắng hơn nữa.

Đứa trẻ thứ 2 sau khi nghe bố mình nói sẽ suy nghĩ rằng, gia đình mình giàu có rồi, mình chẳng cần phải làm việc chăm chỉ. Tiền của bố sau này cũng là của mình. Khi đứa trẻ có suy nghĩ này, trong lòng chúng sẽ dần hình thành ý định muốn chiếm đoạt của cải, không biết quý trọng công sức của bố mẹ. Những gì người bố để lại cho con mình hoàn toàn là của cải vật chất, không có điểm tựa tinh thần. Tiền bạc dù nhiều cách mấy nếu không biết quản lý, sớm muộn cũng sẽ tiêu sạch.

Rõ ràng, câu trả lời của người bố thứ 1 có thể giúp trẻ hình thành cách nhìn đúng đắn về sự giàu có, khiến trẻ trở thành người sống tự lập. Trong khi người bố thứ 2 có thể khiến con mình trở thành một "kẻ ăn bám", kém cỏi.

Là cha mẹ, chúng ta phải học cách buông bỏ, để con cái hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng. Bố mẹ cần dạy con cái cách trở thành người giàu có chứ không phải đơn thuần cho chúng tiền bạc.

Độ tuổi nào nên dạy con cái về tiền bạc?

Việc hiểu biết đúng đắn về tiền bạc cũng quan trọng không kém IQ và EQ, trẻ em cần được bố mẹ trau dồi ngay từ nhỏ.

3 tuổi: Trẻ có thể nhận biết được mệnh giá các loại tiền thông qua màu sắc.

4 tuổi: Trẻ học cách sử dụng tiền để mua những đồ dùng đơn giản như đồ chơi, đồ ăn vặt…

5 tuổi: Bố mẹ có thể sử dụng tiền như một phần thưởng sau khi trẻ làm việc nhà.

“Bố ơi, gia đình mình có giàu không”, 2 câu trả lời này khiến đứa trẻ có 2 cuộc đời hoàn toàn trái ngược nhau - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

6 tuổi: Trẻ cần học cách tiết kiệm tiền để mua những thứ bản thân chúng thích. Bố mẹ nên trau dồi ý thức về "tiền của mình" cho trẻ.

7 tuổi: Trẻ có thể nhìn vào giá sản phẩm và so sánh với số tiền của mình, xem thử bản thân có khả năng mua hay không.

8 tuổi: Trẻ có thể kiếm được tiền bằng cách bán thứ gì đó cho người khác và được trả công thông qua sức lao động.

9 tuổi: Trẻ có thể lập kế hoạch kiếm tiền cho riêng mình, mặc cả với người bán và học cách mua bán.

10 tuổi: Trẻ biết tiết kiệm tiền nhiều hơn để mua những món đồ đắt tiền khi cần thiết.

11 tuổi: Trẻ học cách đánh giá các sản phẩm thông qua quảng cáo, so sánh giá cả và chất lượng sản phẩm, đồng thời có khái niệm rõ ràng về việc giảm giá, ưu đãi…

12 tuổi: Trẻ biết quý trọng tiền bạc và hiểu được sự khó khăn khi kiếm tiền.

Sau 12 tuổi, trẻ hoàn toàn có thể tham gia vào các hoạt động mua bán, quản lý tài chính cá nhân như người lớn.

Bố mẹ cần giúp con mình hiểu đúng về tiền bạc như thế nào?

Bạn có biết ông vua dầu mỏ John D. Rockefeller không? Thuở nhỏ, ông nội của Rockefeller sẽ cho 10 xu tiền tiêu vặt mỗi tuần. Vào cuối tuần, ông sẽ kiểm tra xem số tiền này có tăng không. Điều này buộc Rockefeller phải đi bán báo và dần hình thành khái niệm làm việc kiếm tiền.

Trong khi đó, "thần chứng khoán" Warren Buffett đã bắt đầu tiết kiệm tiền từ năm 6 tuổi và dành tiền để mua những cổ phiếu đầu tiên.

“Bố ơi, gia đình mình có giàu không”, 2 câu trả lời này khiến đứa trẻ có 2 cuộc đời hoàn toàn trái ngược nhau - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Để con mình có những hiểu biết đúng đắn về tiền bạc, bố mẹ cần giáo dục con cái như sau:

- Cho tiền tiêu vặt ở mức vừa phải.

- Rèn luyện tính siêng năng và tránh lãng phí.

- Nâng cao trách nhiệm mỗi khi mua sắm thứ gì đó.

- Biết cách tiết kiệm tiền, lập kế hoạch chi tiêu.

Sau khi hiểu được tiền kiếm được phải nhờ vào sức lao động, trẻ sẽ biết quý trọng tiền hơn, có thói quen tiết kiệm, hạn chế việc lãng phí. Một đứa trẻ không biết coi trọng tiền bạc, tiêu xài hoang phí chứng tỏ chúng không được bố mẹ dạy dỗ đúng đắn về tài chính.

PHAN HIỀN

Tin mới