(Tổ Quốc) - "Khi tôi bỏ công ty nội thất đi làm phim, vợ tôi xác định lo cho chồng nên mình bị ỷ lại. May mắn là gia đình tôi sống đơn giản nên không bị khó khăn", đạo diễn Nguyễn Nguyên Hoàng kể.
Trước khi làm đạo diễn bộ phim điện ảnh "Cuốc xe nửa đêm", Nguyễn Nguyên Hoàng từng làm trợ lý, thư ký, kế hoạch, sản xuất, phó đạo diễn cho rất nhiều dự án như: Vết dầu loang, Mộng phù hoa, Phim trường ma...
Anh cũng chính là Giám đốc sản xuất phim lịch sử cổ trang "Phượng Khấu" và đạo diễn "Bánh bèo hữu dụng". Hiện tại, Nguyễn Nguyên Hoàng đang chuẩn bị cho dự án mới mang tên "Cậu chủ", một bộ phim tình cảm tâm lý xã hội đen về giới thượng lưu.
Những tưởng đó là một hành trình được trải hoa hồng nhưng sự thật, phía sau đó là rất nhiều gian truân mà không phải ai cũng biết.
Đi làm phim, vợ xác định nuôi chồng!
Sau "Bánh bèo hữu dụng", thấy anh khá im hơi lặng tiếng?
Trong vòng hai năm vừa rồi, 2019 và 2020, tôi tập trung quá nhiều cho "Phượng Khấu" và "Bánh bèo hữu dụng" nên buộc lòng phải từ chối không ít dự án phim khác.
Khi các công việc thời điểm đó hoàn tất, thì đối mặt với khó khăn chung khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, coi như các cơ hội cũng ít hơn, nên công việc không được thuận tiện lắm. Nhưng "trong cái khó lại ló cái khôn".
Đạo diễn Nguyễn Nguyên Hoàng trên phim trường "Bánh bèo hữu dụng" .
Tôi quyết định mở công ty riêng, để tiếp tục những dự án đã ấp ủ trước kia, thay vì chờ đợi thời thế. Covid ít nhiều làm thay đổi cách tiếp cận thể loại giải trí của khán giả, nên thời gian đầu tôi bị loay hoay không biết nên làm cái gì trước, cái gì sau. Có hai đơn vị mời tôi làm phim điện ảnh và truyền hình nhưng vì cứ loay hoay như thế mà lỡ mất.
Nhiều khi lên Face book thấy các bạn đi diễn, đi quay tôi bị sốt ruột. Tất nhiên là ở nhà thì mình cũng đang chuẩn bị cho dự án của mình nhưng tôi thích ở hiện trường, thích không khí làm việc hơn.
Khi việc ít lại thì chắc chắn ảnh hưởng kinh tế. Từ khi tôi bỏ công ty nội thất đi làm phim, vợ tôi xác định "nuôi" chồng nên mình bị ỷ lại. May mắn là gia đình tôi sống đơn giản nên không quá khó khăn trong tình hình dịch Covid vừa rồi.
Vậy sắp tới, anh có dự án nào không?
Tôi chuẩn bị cast diễn viên làm phim "Cậu chủ". Đây là bộ phim tình cảm tâm lý xã hội đen về giới thượng lưu sẽ được chiếu trên app có trả phí.
Nói tới xã hội đen, mọi người thường nghĩ tới cuộc chiến của các băng nhóm giang hồ, nhưng với "Cậu chủ" là cuộc chiến của các ông chủ, các cậu chủ trong giới thượng lưu và những mâu thuẫn, xung đột ngay trong gia đình của họ.
Trừ Phượng Khấu thì từ trước đến nay, tôi toàn làm phim về người nghèo. Từ bộ phim điện ảnh đầu tay "Cuốc xe nửa đêm" đến "Bánh bèo hữu dụng" đều là những số phận không khá giả.
Cho nên lần này, tôi quyết định nghiên cứu về câu chuyện xoay quanh những người nhiều tiền hơn (cười) để làm mới sản phẩm cũng như một thử thách mới cho mình.
Làm phim về người giàu, kinh phí gây tốn kém nhất nằm ở bối cảnh biệt thự với siêu xe hào nhoáng, phục trang đắt tiền. Phim "Cậu chủ" hiện đang có chút may mắn khi nhận được phần tài trợ cho các khoản này cho nên kinh phí làm phim không quá lớn hơn so những phim tôi làm về người nghèo.
Riêng phần phục trang, hiện tôi đang làm việc với một đối tác chuyên đồ vest về vấn đề tài trợ. Những trang phục đặc thù thì có stylist riêng của đoàn lo.
Nguyễn Nguyên Hoàng là giám đốc sản xuất của Phượng Khấu.
Khó khăn chung của sản xuất phim bây giờ là bài toán kinh phí. Làm thế nào để anh thuyết phục được nhà đầu tư rót tiền cho dự án của mình?
Làm phim truyền hình, phim điện ảnh, web-drama hay phim chiếu app, khó khăn chung vẫn luôn nằm ở phần kêu gọi đầu tư, hay nói chính xác hơn là bài toán kinh phí. Phim chiếu app đòi hỏi chất lượng tiệm cận phim điện ảnh, đồng nghĩa với việc chi phí cao hơn hẳn phim truyền hình và web-drama.
Bên cạnh đó, với phim chiếu app, việc giải ngân nguồn vốn hoặc chi tiết về lợi nhuận sau khi hoàn thành phim sẽ là câu chuyện cần thẳng thắn và thảo luận mạch lạc từ đầu để có "cái bắt tay" thuận lợi giữa các đầu tư và nhà làm phim.
Lợi nhuận thu về từ phim chiếu app là quá trình kéo dài và phụ thuộc vào người xem cũng như lượng quảng cáo xuất hiện trên phim. Thậm chí, lợi nhuận có thể kéo dài vô thời hạn, phim còn chiếu là vẫn còn doanh thu, sự hoàn vốn cũng vậy, không thể rõ ràng như phim điện ảnh và truyền hình.
Đó là một bài toán khó đối với các nhà sản xuất trong việc thuyết phục, mời đầu tư. Thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tôi đã kêu gọi được nhiều đầu tư để thực hiện dự án phim "Cậu chủ". Điều đó chứng tỏ sự tin tưởng của các nhà đầu tư dành cho tôi.
Dự án "Cậu chủ" được đầu tư gấp 3 lần so với chi phí sản xuất một phim truyền hình, tương đương khoảng 4 tỉ đồng cho 10 tập phim. Phim sẽ sớm được casting rộng rãi diễn viên trong thời gian sắp tới.
Làm phim nhiều, bớt ngây ngô, bớt kẻ cả!
Anh từng là Giám đốc một công ty nội thất kiếm tiền nhiều không kể. Từ khi đi làm phim, vợ anh xác định "nuôi chồng". Lần này, anh lại mở công ty sản xuất phim, tiền đầu tư chắc hẳn cũng bạc tỉ. Anh có gặp khó khăn gì trong việc thuyết phục bà xã không?
Giống như mưa dầm thấm đất, có lẽ vợ tôi quen việc tôi đem tiền đi nhiều hơn là đem tiền về nên không suy nghĩ gì lâu cả. Tôi cũng không phải thuyết phục bởi từ khi theo nghề này, tôi đã có định hướng mở công ty sản xuất phim, vấn đề là thời điểm nào thôi.
Kiếm ra tiền thời điểm này càng khó hơn, với bất cứ ngành nào cũng vậy, đối với công việc làm phim hiện nay các chi phí cần phải cân nhắc, công ty tôi lại mới nữa cho nên vợ chồng tôi luôn thận trọng, tính toán kĩ hơn trước một tí, lời chưa dám nghĩ tới nhưng rủi ro, thua lỗ thì đã phải tính rồi.
Ở Việt Nam mình, mọi người thường huy động được 60, 70% chi phí là đã cho dự án chạy. Cách đó dễ làm nhưng cũng rất dễ gãy gánh giữa đường. Vợ chồng tôi xác định từ đầu là không làm như vậy. Dự án nào cầm đủ tiền trong tay mới bấm máy, hoặc thiếu ít thôi.
Từ xưa đến nay, vợ chồng tôi không trông chờ vào vận may trời cho, vì chắc không có số hưởng. Mọi thứ mình muốn làm đều phải tính toán kỹ lưỡng để mong xác suất thành công mình làm được cao.
Tới thời điểm này, anh đã đi một quãng đường khá dài với nghề này, hơn chục năm và làm không ít dự án. Từ vai trò thư ký, kế hoạch, sản xuất, phó đạo diễn tới đạo diễn của nhiều phim như: Vết dầu loang, Mộng phù hoa, Liên minh huyền thoại, Phim trường ma, Cuốc xe nửa đêm, Phượng Khấu, Bánh bèo hữu dụng… Sau chừng ấy thời gian, anh được gì?
Có lẽ cái tôi được là mình bớt ngây ngô, bớt kẻ cả.
Qua nhiều dự án, tôi nhận ra, khi cầm một kịch bản mới, nghiên cứu nó mà lòng mình biết lo lắng, mình không biết làm có ra được đúng ý không, có làm tới nơi không nghĩa là lúc đó mình mới biết làm phim.
Quan trọng hơn nữa, trong quá trình làm phim, nếu mình đồng ý "thỏa hiệp" với ê-kíp từ việc nhường người này một tí, cắt phần kia một chút, ép chất lượng hoặc tiết kiệm chi li thì chắc chắn lúc phim ra mắt khán giả, mình sẽ chấp nhận những "thỏa hiệp" khác với khán giả.
Nghĩa là hy vọng khán giả thông cảm cho phim của mình thiếu sót chỗ này, còn thủng chỗ kia, hoặc hãy thương cho phim mình rằng "phim như thế cũng được rồi".
Cho nên, khi mình xác định phim mình muốn làm phải như thế nào thì bằng mọi cách phải làm như thế, chứ không thỏa hiệp để mọi thứ đơn giản hơn, dễ dàng hơn, rồi chất lượng là kém hơn. Điều đó cực kỳ tồi tệ về sau này.
Với tôi nhìn cuộc sống, nhìn mọi việc với cái nhìn tích cực nhiều hơn, tôi không quá khó khăn và gắt gỏng khi đụng phải sự cố không mong muốn, tôi nhận ra cứ nhìn theo hướng tích cực của sự việc, mọi sự cố sẽ vượt qua dễ dàng hơn.
Trong các dự án anh làm, bỏ qua các ồn ào bên lề thì rõ ràng Phượng Khấu là một dự án hot được nhiều người biết tới. Trong khi phim và những người tham gia làm bộ phim này nổi rần rần thì rất ít người biết anh là Giám đốc sản xuất của phim. Điều này có làm anh chạnh lòng hay hụt hẫng không?
Dự án nào cũng thế, thông thường mọi người chỉ chú tâm tới phim, diễn viên và đạo diễn nên lúc đầu quả thật tôi cũng có hụt hẫng. Nhưng cảm giác đó cũng qua nhanh. Với những dự án đang chuẩn bị thực hiện, tôi hy vọng mọi người sẽ biết đến tôi nhiều hơn, để mình đỡ chạnh lòng. (cười)
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguyễn Hương