(Tổ Quốc) - Các quốc gia thực hiện nghiêm ngặt cách ly xã hội sẽ có cơ hội bứt phá kinh tế sau đại dịch.
Các nhà nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang đã phân tích dữ liệu kinh tế từ đại dịch cúm năm 1918 ở Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh - buộc các nền kinh tế phải hoạt động chậm lại hoặc tạm dừng - cuối cùng có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Nghiên cứu đã được trình bày trong một bài báo phát hành ở dạng sơ bộ, nghiên cứu về các dữ liệu kinh tế khi nền kinh tế Mỹ ngừng hoạt động, để ngăn chặn sự lây lan mạnh mẽ của coronavirus. Các tác giả bao gồm Sergio Correia của Ủy ban Dự trữ Liên bang, Stephan Luck của Fed New York và Emil Verner của Viện Công nghệ Massachusetts.
Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi nền kinh tế sớm mở cửa trở lại. Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng động thái như vậy làm cho virus tăng mạnh, cuối cùng thiệt hại kinh tế sẽ trầm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng hiện tại.
Tờ báo cho biết, bệnh cúm Tây Ban Nha - từng giết chết từ 550.000 đến 675.000 người Mỹ, tương đương 0,66% dân số - đã gây ra sự sụt giảm mạnh và dai dẳng trong hoạt động kinh tế. Một tiểu bang của Hoa Kỳ ở mức độ phơi nhiễm trung bình đã giảm 18% sản lượng các ngành sản xuất vào năm 1918. Những tác động đó kéo dài trong nhiều năm, khiến các nền kinh tế bị suy thoái, đặc biệt là ở các khu vực có mức độ lây nhiễm cao hơn.
Nhưng các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus như cách ly xã hội - được các nhà nghiên cứu xác định là các can thiệp "phi dược phẩm" lại không có tác động tiêu cực giống như vậy. Theo nhóm nghiên cứu, các quốc gia thực hiện nghiêm ngặt cách ly xã hội sẽ có cơ hội bứt phá kinh tế sau đại dịch.
"Các thành phố kiên quyết thực hiện các can thiệp y tế phi dược phẩm nhanh chóng và mạnh mẽ hơn trong dịch bệnh, đã không gặp phải tình trạng suy thoái tồi tệ hơn", các nhà nghiên cứu viết. Ngược lại, các dữ liệu về hoạt động sản xuất và tài sản ngân hàng cho thấy: ở những khu vực có cách ly xã hội nghiêm túc hơn, nền kinh tế hoạt động tốt hơn sau đại dịch.
Bài viết đã thu hút sự phân biệt rõ ràng giữa Covid-19 với cúm Tây Ban Nha. Cúm Tây Ban Nha dường như có tỷ lệ tử vong cao hơn. Nhưng có điểm tương đồng giữa hai đại dịch này. Các tác giả trích dẫn các khu vực như Đài Loan và Singapore, những nơi thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát ban đầu, đã hạn chế sự lây lan trên diện rộng của virus và giảm nhẹ được các gián đoạn kinh tế, tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất do đại dịch gây ra.
Hoàng An
Bloomberg