(Tổ Quốc) - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, trong năm 2019 có thêm 6 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư, 2 dự án bị thu hồi.
Đến nay toàn tỉnh có 383 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, tổng diện tích đất cấp là 6.386 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư gần 59.620 tỷ đồng, hiện 188 dự án đã đi vào hoạt động. Việc thu hút dự án du lịch trong thời gian qua gặp hạn chế bởi nhiều dự án nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, do vậy phải chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ…
Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết cũng tiếp tục kiến nghị với đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu tại buổi làm việc ở địa phương vào cuối tháng 9/2019.
Theo đó Bình Thuận kiến nghị trước mắt xem xét, có ý kiến chấp thuận cho triển khai 4 dự án, gồm: Dự án Khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né (1.020 ha), dự án đầu tư Khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài (261 ha), dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao biển Hòa Thắng (195 ha), dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí thể thao biển Thư Minh Nguyễn (127 ha).
Với những dự án này, nếu được giải quyết, đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận… Bởi "điểm nghẽn" của các dự án tiềm năng trên địa bàn Bình Thuận nói chung và các du lịch trọng điểm nói riêng luôn được chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp, nay Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo giải quyết.
Ngoài ra, tỉnh còn kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhằm kết nối, khai thác hiệu quả Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Đồng thời kiến nghị Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư Sân bay Phan Thiết, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư làm 3 tuyến đường ven biển trọng điểm, cấp bách là ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà; đường ĐT 719 Kê Gà - Tân Thiện và đường ĐT 711...
Được biết, ngoài một hệ thống giao thông quy mô lớn như tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác nhiều năm qua, nay đang được đề xuất đầu tư mở rộng lên 10 làn xe thì tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2020. Sân bay Phan Thiết dự kiến khởi công xây dựng trong thời gian tới.
Đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 543 ha. Trong đó, trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng. Biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Giao thông đường thủy đã có tuyến tàu "5 sao" khai thác du lịch luân chuyển giữa TPHCM - Phan Thiết. Đặc biệt là Cảng vận tải chuyên dụng Vĩnh Tân được đầu tư xây dựng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế Bình Thuận. Quan trọng hơn là sân bay Phan Thiết bắt đầu được triển khai xây dựng, dự kiến đưa hoạt động vào 2022 và sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Đây dự kiến sẽ là cú hích tăng trưởng mạnh cho thị trường du lịch Bình Thuận.
Tại kỳ họp bất thường (lần 3) của HĐND tỉnh khóa X mới đây, các đại biểu đã chính thức biểu quyết, thống nhất 5 nghị quyết quan trọng. Trong đó, có 2 nghị quyết gồm: Cho ý kiến báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện; Nghị quyết về việc cho ý kiến báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án làm mới đường trục ven biển ĐT719 B đoạn Phan Thiết - Kê Gà.
Việc đầu tư và mở rộng gần 40m các tuyến đường này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là phát triển du lịch để đưa Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch thể thao biển. Đồng thời, làm nhiệm vụ tuyến tránh cho quốc lộ 1A khi xảy ra ách tắc giao thông, củng cố an ninh quốc phòng và từng bước đầu tư hoàn chỉnh đường trục ven biển quốc gia.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, hiện nay địa phương ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao trong 3 lĩnh vực: du lịch, công nghiệp "xanh, sạch" và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. Đặc biệt, Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút khoảng 14 triệu lượt khách, tăng hơn 8 triệu lượt so với hiện tại.
Trong 2 năm qua, trên địa bàn Bình Thuận có thêm 264 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng, khoảng 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 32.866 tỷ đồng. Trong đó cũng có nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ như VINGroup, Novaland, FLC… đã chọn Bình Thuận là điểm đến để đầu tư.
Danh mục dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2019-2020 có 50 dự án thuộc 3 lĩnh vực nêu trên với các thông số rất chi tiết. Trong đó, nhiều nhất vẫn là lĩnh vực đầy niềm năng là các dự án BĐS, du lịch và nghỉ dưỡng.
Cụ thể, Bình Thuận kêu gọi đầu tư Khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi (mức đầu tư 500 triệu USD), Khu vui chơi giải trí tổng hợp trên đường Võ Nguyên Giáp (mức đầu tư 357 triệu USD) và Khu dân cư đô thị, thương mại dịch vụ Thiện Nghiệp - Phú Long (mức đầu tư 1,2 tỷ USD); Khu du lịch Đồi Cát Bay rộng 104ha (mức đầu tư hơn 1 tỷ USD); Khu du lịch sinh thái tại thị xã La Gi (hơn 1 tỷ USD)...
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ở mảnh đất còn hoang sơ trong đầu tư, còn nhiều trở ngại trong đi lại như chưa hình thành sân bay, đường cao tốc nên khao khát muốn lớn lên, bứt phá khai thác đúng tầm tiềm năng có được khiến Bình Thuận nuôi giấc mơ tìm và kêu gọi "sếu đầu đàn" trong phát triển 3 "trụ cột" kinh tế. Và một số nhà đầu tư lớn đã tìm đến.
Có thể nêu "trụ cột" du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư đã xuất hiện Tập đoàn Mc Kinsey & Company, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland, đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản với vốn hóa ngay khi lên sàn chứng khoán là 29.500 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD), trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vingroup cũng đã có mặt tại Bình Thuận qua khởi động 2 dự án du lịch tại TP. Phan Thiết.
Hay như dự án Dự án Hamubay Phan Thiết có vốn đầu tư gần 1 tỷ USD được thiết kế với quy mô mang tầm quốc tế là tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng ngay tại trung tâm thành phố Phan Thiết, với tổng diện tích gần 130 ha, do tập đoàn Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư. Summerland của Hưng Lộc Phát tọa lạc ngay trung tâm Mũi Né cũng đang được triển khai xây dựng hạ tầng nội khu...
Một dự án quy mô khá lớn khác là Thanh Long Bay tọa lạc tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận do Tập đoàn Nam Group phát triển. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 22/09, UBND Bình Thuận đã trao Nam Group quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, xét về phương diện mức giá đầu tư thì hiện tại, một số khu vực ven biển Bình Thuận rõ ràng đang có tiềm năng rất lớn, như một viên ngọc thô chưa được mài giũa. Bởi thời điểm này, các thị trường phát triển BĐS nghỉ dưỡng tương đồng về vị trí như Đà Nẵng, Nha Trang… có mức giá cao hơn gấp 10 lần.
Cụ thể, như Đà Nẵng đất ven biển thì đã có mức giá lên đến 300 triệu đồng/m2, nhưng cũng rất hiếm nguồn cung. Hay Nha Trang đến 450 triệu/m2, trong khi thị trường Phan Thiết đang ở mức có thể nói là chỉ 30-40 triệu đồng/m2 đất nền ven biển.
Nhận định về thị trường bất động sản biển hiện tại, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho biết: "Cũng là đất mặt tiền biển, nếu như tại một số trục đường ở Đà Nẵng, Nha Trang có giá dao động ở khoảng 400 - 600 triệu đồng/m2, thì ở Phan Thiết bất động sản ven biển chỉ bằng 1/5 đến 1/3 mức giá chung của các khu vực trên".
Các chuyên gia BĐS cũng thừa nhận rằng bài toán về cơ sở hạ tầng và BĐS luôn luôn đồng hành, hỗ trợ qua lại và gắn kết mật thiết với nhau. Bởi nếu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kết nối tốt thì giá BĐS sẽ gia tăng, từ đó các nhà đầu tư sẽ an tâm rót tiền, triển khai mạnh dự án, sẽ thu hút nhà đầu tư, du khách.
Nam Phong