(Tổ Quốc) - Lao và Covid-19 đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay và đều cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi ngày.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn quốc. Do đó, cả nước đang tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc quan tâm phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cũng không thể lơ là. Trong đó, Lao chính là một bệnh truyền nhiễm giết người, nguy hiểm nhất thế giới.
Lao là căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG - WHO Report 2021- Global Tuberculosis Control), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống Lao trong thời gian qua, bệnh Lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh Lao ở mức cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu. Đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo Tổ chức Y tế thế giới WHO 2020).
Theo thông tin mới được công bố, mỗi ngày có hơn 4.100 người đã phải tử vong vì bệnh Lao và gần 28.000 người mắc căn bệnh mà có thể phòng ngừa và chữa trị này.
Thực tế còn cho thấy, bệnh Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Nhiều thống kê cho biết, các gia đình phải đối mặt với những chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh Lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Đặc biệt, 70% người mắc Lao nằm ở trong độ tuổi lao động.
Lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Do đó, đầu tư cho chấm dứt bệnh Lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Hướng tới mục tiêu chung này của cả nước, bên cạnh cán bộ y tế, người dân có vai trò then chốt và quyết định trong sự nghiệp chống Lao. "Chính chúng ta phải cứu bản thân và bảo vệ người thân của mình, không bây giờ thì khi nào?"
Chung tay đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm thế kỷ
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG - WHO Report 2021- Global Tuberculosis Control), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống Lao trong thời gian qua, bệnh Lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh Lao trên toàn cầu.
Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 10 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020.
Ở nước ta, con số phát hiện bệnh nhân lao mới đã giảm rõ rệt bắt đầu từ cuối tháng 4 năm ngoái, khi Việt Nam bước vào làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, giảm một nửa so với giai đoạn đầu năm.
Một thống kê cuối năm 2021 cho hay, số bệnh nhân lao mới phát hiện giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chúng ta tổ chức ngày thế giới phòng, chống Lao vào 23/04 hàng năm để nâng cao nhận thức của cộng đồng về hệ quả của bệnh Lao với sức khỏe và kinh tế xã hội.
Thông điệp ngày thế giới chống Lao năm 2022: "Invest to End TB. Save Lives" tạm dịch "Tập trung chấm dứt bệnh Lao, Cứu sống nhân loại" đã đưa ra nhu cầu cấp bách về đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh Lao và đạt được các cam kết chấm dứt bệnh Lao theo cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, công tác phát hiện và điều trị Lao tại các tỉnh/TP đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã phối hợp với nhiều Dự án, Tổ chức… triển khai các hoạt động thực hiện chủ trương của Chương trình chống Lao Quốc gia và định hướng của Ủy ban nhân dân Thành phố hà Nội. Tập trung đầu tư nhiều hơn sẽ cứu sống hàng triệu người nữa, đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch, hướng đến mục tiêu thanh toán bệnh Lao vào năm 2030.
Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến nhằm chấm dứt bệnh Lao. Chúng ta hợp lực để tiến tới thành công trong việc cứu sống bệnh nhân và chấm dứt khổ đau do bệnh Lao gây ra. Tầm nhìn của chúng ta là TẤT CẢ bệnh nhân Lao đều được hưởng chăm sóc y tế cần thiết. WHO sẽ luôn sát cánh cùng các quốc gia, đối tác, xã hội và cá nhân với quyết tâm hoàn toàn chấm dứt bệnh Lao trong tương lai.
Đồng hồ đã điểm. Chúng ta không thể mất thêm một giây nào nữa. Chưa khi nào chúng ta có cơ hội tốt hơn để chiến thắng bệnh Lao như bây giờ.
PV