(Tổ Quốc) - Trong những căn chòi lụp xụp là người già bệnh tật, là trẻ nhỏ sáng sớm phải qua bên kia biên giới bán vé số và ngổn ngang nỗi lo không được xã hội thừa nhận. Tết này, liệu có đổi thay nào để hi vọng về tương lai cho họ?
5 tháng trước, chúng tôi đã giới thiệu cho độc giả về vùng đất miền Tây hào sảng, nghĩa tình, nơi trù phú cá tôm, sản vật. Lần trở lại này, cũng là một miền Tây với những con người chân chất, hiền hoà nhưng ẩn sâu bên trong còn là thực tế ngổn ngang với cơm áo gạo tiền, ước mơ đổi đời, với tương lai còn dang dở….
Vĩnh Hưng (Long An) là huyện nghèo giáp biên giới nước bạn Campuchia. Nói đến mảnh đất nằm trong vùng Đồng Tháp Mười này, người ta thường nhớ những trận lụt khi mùa nước nổi kéo về.
Những năm gần đây khi hạn mặn ngày một thay thế, con nước từ đầu nguồn sông Mê Kông đổ xuống dần ít ỏi cũng là lúc mà nhiều gia đình gốc Việt từ vùng Biển Hồ Campuchia kéo về đất mẹ mưu sinh.
Không giấy tờ nhân thân, không hộ khẩu, không nhà cửa… họ biến Vĩnh Hưng thành "làng Việt Kiều" từ lúc nào không hay.
Những Việt kiều… đi bán vé số
Trên chuyến xe đò dằn xóc tột độ khởi hành từ Chợ Lớn (quận 5, TP.HCM), gần 4 tiếng sau tôi mới đến được xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng.
Chập choạng tối, cuốc bộ hụt hơi vẫn không tìm được một chỗ nghỉ ổn thoả. Thấy tội nghiệp, một người bán đồ ăn vỉa hè mới chỉ dẫn hãy ở tạm nhà nghỉ duy nhất tại đây, vì khách sạn trung tâm cách vị trí tôi đang đứng gần chục cây số. Nhưng nói trước là nhà nghỉ này cửa… không có khoá.
Trong rủi có may, nơi tôi chọn dừng chân cách "làng Việt kiều Vĩnh Hưng" không xa.
Bỏ vội hành lý vào phòng và bước đi với niềm tin người miền Tây chân chất hiền lương, tôi men theo chiếc cầu nhỏ để tìm quán ăn duy nhất bán buổi tối tại Tuyên Bình.
Tiếng những đứa trẻ đùa giỡn, chơi trò đuổi bắt phía trước thu hút sự chú ý của người viết.
1,2,3… tổng cộng 7 đứa trẻ đen nhẻm, gương mặt gầy gò tay ôm mớ vé số vừa lấy từ đại lý.
"Con tên Nguyễn Văn Hoàng, 11 tuổi. Ba mẹ con từ Biển Hồ Campuchia về mấy năm nay rồi. Sáng nào con cũng dậy sớm qua biên giới bán vé số, tới 5-6 giờ tối thì về tới. Có bữa bên kia bán ế quá con bắt xe qua bến xe Hậu Nghĩa, bến xe Kiến Tường luôn. Hôm nay con bán hết 100 tờ rồi…"– cậu bé mặc áo thun sọc đỏ ngây thơ tiếp chuyện khi khách lạ hỏi thăm.
Cạnh bên Hoàng là đứa em tên Nguyễn Văn Bình (10 tuổi). Hai anh em dáng người nhỏ thó, mới tí tuổi đầu đã làm lao động chính cho cả nhà, khi công việc làm mướn của cha mẹ chúng bấp bênh theo mùa vụ, theo con nước và khi chủ dư dả người.
Nét ngây thơ, đáng yêu của trẻ vùng biên.
Trong số những đứa trẻ ấy, duy nhất một mình em Ninh Thanh Tuấn (11 tuổi) không phải là con "Việt kiều".
Em nói khi mình sinh ra không bao lâu thì cha mẹ chia tay. Mẹ em lấy chồng mới ở Bến Tre, cũng đi bán vé số. Còn ba đi Bình Dương làm hồ.
Sống với ông bà ở quê nghèo, Tuấn sớm hoà nhập với các bạn từ Biển hồ trở về. Cũng khốn khó và không được đi học như nhau, có chăng với cậu bé sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, may mắn với em là được có giấy khai sinh, có hộ tịch đàng hoàng.
Bệnh tật, không giấy tờ tuỳ thân và tương lai mờ mịt
Men theo sự chỉ dẫn, hỗ trợ của bộ đội biên phòng Tuyên Bình, tôi tìm đến mảnh đất dọc mé sông ở xã.
Đó chính là 1 trong 2 xóm Việt kiều lớn nhất tại Vĩnh Hưng.
Các căn chòi lá tạm bợ, cắm cọc dưới con nước lớn ròng và kê bằng những tấm ván cũ là chỗ sinh sống của 25 hộ dân với 119 nhân khẩu.
Những căn chòi lụp xụp tại xóm Việt kiều.
Dừng trước căn chòi của vợ chồng chị Ngô Thị Quê (40 tuổi) và anh Võ Văn Dương (39 tuổi), anh Nguyễn Minh Lợi, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Tuyên Bình cất tiếng hỏi: "Sao không thấy mấy đứa con gái của hai vợ chồng?".
Anh Dương mỉm cười đáp thật thà, rằng hai con gái 13 còn đi bán vé số ở bên kia biên giới chưa về.
Lên bờ rồi, họ vẫn không thoát được sông nước và cuộc sống bấp bênh.
Về Việt Nam từ Biển hồ được 3-4 năm nay, anh Dương sống bằng nghề vác thức ăn chăn nuôi với thù lao 60 ngàn đồng/ngày, trong khi chị Quê sức khỏe yếu chỉ ở nhà nội trợ. Cực chẳng đã nên phải để con bắt xe trở lại Campuchia bán mỗi ngày 50 tờ vé số.
"Điều kiện khó khăn quá chừng, dừng ở 3 đứa được rồi. Còn lo học hành, sinh sống nữa"- anh Lợi khuyên và nhắc hai vợ chồng anh Dương phải cố gắng cho các con đi học.
Ở chòi bên cạnh, chú Võ Văn Hoàng và cô Ngô Thị Mảnh đang lo cho bầy cháu nheo nhóc. 33 năm gặp và sinh sống với nhau từ thuở đánh cá ở biển hồ cho đến khi về Việt Nam, "tài sản" quý giá nhất họ có với nhau là 8 đứa con. Nhưng đứa nào cũng nghèo.
"Tụi tôi về Vĩnh Hưng 8-9 năm nay rồi. Tôi với vợ ai cũng hơn 50 tuổi. Nói ước lệ chứ không nói năm chính xác được, vì ở bên kia lâu quá lại không có giấy tờ gì lận lưng nên không nhớ"– chú Hoàng nói.
Mùa nước, cả gia đình chú Hoàng sống bằng nghề chặt lục bình với lương 100 ngàn đồng/ngày. Nhưng khi mùa khô đến, họ bắt đầu nghĩ chuyện chạy ăn từng bữa. Nhất là khi vợ chồng già bị đau thần kinh tọa.
Bệnh hoạn hành hạ, sống dựa vào con cháu là lẽ tự nhiên với họ.
Sinh ra từ Biển hồ, những đứa trẻ tội nghiệp gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ tuỳ thân.
Hỏi về ước mơ, không chỉ chú Hoàng, cô Mảnh hay anh Dương, chị Quê, tất cả gia đình xóm Việt kiều đều mong sẽ sớm làm được giấy tờ tuỳ thân và có một mái nhà vững chãi.
Bởi từ khi chia tay sự bấp bênh của con nước Biển hồ, họ chưa bao giờ cảm thấy yên tâm về chốn che mưa che nắng.
Có nhà tường đón Tết
Nắng chiều đổ dài xuống Tuyên Bình. Tôi nhờ các anh bộ đội biên phòng chở sang xã Vĩnh Bình lân cận. Xa xa đã thấy hiện ra những dãy nhà cao lớn, sáng sủa. Đó là những khu nhà tái định cư đầu tiên cho kiều bào Campuchia từ biển hồ về huyện biên giới Vĩnh Hưng.
Những dãy nhà tái định cư cho "Việt kiều" Biển hồ đang hiện lên.
Bước ra chào khách, cô Nguyển Thị Bền (57 tuổi) mỉm cười:"Về đây gần 20 năm rồi, nay tôi mới được vào nhà tường. Nhà nước chỉ xây nhà gạch và tráng nền xi măng, nhưng gia đình mượn thêm ít tiền để tô và lót gạch cho đẹp thêm".
Nhớ lại quãng thời gian chịu đựng thời tiết thất thường, cô Bền lắc đầu. Mưa thì dột, nắng thì nóng, tối muỗi bay tiếng vù vù như máy kéo sợi.
Bây giờ vẫn là ai kêu gì làm đó, vẫn cuộc sống làm mướn nhưng ít nhất có mái nhà chắc chắn cái đã. Nhất là khi chồng cô Bền vừa mất. Có nhà gạch, bàn thờ bác trai đỡ phần hiu quạnh.
"Trước đây ở dưới sông, mưa lớn mà ngập là dỡ chòi lên lộ ở luôn. Giờ nghe nhà nước cho vô nhà tường cũng ráng mượn bà con, hàng xóm mỗi người một chút tô phết thêm. Có chỗ ấm cúng vầy mình với chồng cũng phấn chấn"– chị Ngô Thị Quyền vui vẻ trong lúc nấu bữa cơm chiều cho cả nhà.
Nụ cười đã tươi rói trên những gương mặt suốt đời lam lũ.
Nhìn xa xa, hàng loạt những căn nhà tái định cư đang gấp rút được xây dựng. Những đứa trẻ tại xã biên giới vui vẻ nô đùa dưới gió mát và ruộng lúa bạt ngàn trải dài.
Bên cạnh, cha mẹ chúng đang mong mỏi sau khi có chốn an cư thì cuộc đời và tương lai cũng thay đổi.
Xuân năm nay, nhiều gia đình Việt kiều đã có nhà mới đón Tết.
Hoàng Lê