(Tổ Quốc) - Sau Tết, giá ô sin vọt tăng "phi mã" khiến bao gia đình rơi vào cảnh lao đao. Nhiều gia đình trung lưu đành phải "cắn răng" nịnh nọt, trả lương hời để níu chân, số khác thì ngậm ngùi tạm... nghỉ việc văn phòng vì không "gánh" nổi kinh tế!
Sau Tết, giá ô sin tăng cao "phi mã" đã đẩy nhiều gia đình đến bờ vực lao đao. Đặc biệt là đối với những người ở tầng lớp trung lưu bình dân, dân văn phòng, thu nhập không cao. Cuộc sống công việc bận bịu khiến họ dù không quá dư dả nhưng vẫn phải gồng mình bỏ ra số tiền không nhỏ (đôi khi bằng cả tháng lương của vợ hoặc chồng) để thuê ô sin chăm con, nay đến thời "bão giá", ô sin thực sự là gánh nặng mà họ đang phải gồng.
Còng lưng đi làm để... "nuôi" ô sin
Là bà mẹ bỉm sữa với 2 đứa con lóc nhóc cách nhau năm một, tôi tưởng như mình sẽ không thể sống nổi nếu thiếu người giúp việc. Bởi kinh nghiệm nhiều năm cho thấy rằng, cứ hễ ô sin nghỉ làm là nhà tôi lại rơi vào tình cảnh "loạn lạc": Hai đứa con nghịch ngợm không có người coi sóc, nhà cửa không ai dọn dẹp, cơm nước không ai nấu nướng, còn vợ chồng thì cãi cọ om sòm vì phân chia việc nhà.
Thế nhưng sau Tết, giá giúp việc bỗng dưng tăng vọt, từ 6 triệu đồng/tháng nay bà "dở chứng" đòi tăng thì làm, giữ nguyên thì... nghỉ vì tuổi già. Giá bà mong muốn là 8 triệu đồng/tháng vì còn đóng bảo hiểm, lo cho tuổi "gần đất xa trời".
Cũng cần phải nói thêm, các chị em có "nuôi ô sin" chắc cũng hiểu, 6 hay 8 triệu chỉ là tiền lương cứng, thực tế số tiền chị em phải chi cho ô sin bao gồm ăn uống, quần áo mới, tiền xe về quê, tiền Tết vân vân mây mây, con số thực tế sẽ cao hơn nhiều. Như nhà tôi, sẽ rơi vào khoảng 8-9 triệu với giá cũ và lên tới 10-11 triệu với giá mới.
Nói thật, như vậy lương tôi chỉ đủ trả tiền thuê giúp việc mà thôi.
Phải mất rất nhiều thời gian, công sức tôi mới tìm được một giúp việc ưng ý sau hơn chục lần lựa chọn, sàng lọc tới lui, nên cho nghỉ thì không đành mà "gồng" cố thì thật sự đuối sức. Hơn nữa, cả tôi và chồng đều chẳng ai dám... nghỉ việc ở nhà trông con.
Sau 2 ngày cố vắt óc suy nghĩ, tôi đành "thỏa hiệp" với bà giúp việc nhà mình và đau đầu bài toán về cán cân kinh tế.
Tôi và chồng - 2 vợ chồng ngoại tỉnh vẫn còn thuê nhà, nhưng không thể nhờ bố mẹ lên chăm con giúp vì các cụ cũng ở xa, sức khỏe yếu, đau ốm liên miên, vì vậy đã vài năm nay, giúp việc như "cứu tinh" của gia đình.
Mỗi tháng 2 vợ chồng làm công ty tư nhân vẻn vẹn 20-25 triệu đồng nếu có tăng ca, thêm thưởng. Nhưng lương giúp việc đã "ngốn" tới 7 triệu đồng/tháng chưa kể tiền ăn ở, sinh hoạt, thưởng thêm rồi thưởng Tết, mua sắm quần áo, thuốc bổ cho bà. Vị chi 1 tháng cũng ngốn tới chục triệu đồng.
Tiền sữa bỉm, tiền tiêm phòng của con, tiền thuê nhà (3,5 triệu đồng/tháng) và tiền ăn của cả nhà... cộng vào đã khiến tôi ung thủ, không còn muốn nhẩm tính.
Cực chẳng đã, gia đình tôi thêm phần lao đao, "co kéo" đáng kể trong chi tiêu, tiền quần áo, đồ mỹ phẩm của tôi cũng phải cắt giảm.
Chưa kể, tôi còn tranh thủ làm thêm giờ, trực thêm đêm đến mệt nhoài để có thể "bù đắp" vào chỗ thiếu hụt do giúp việc bỗng nhiên đòi "tăng lương" sau Tết.
Chẳng nói gì tôi, nhà đối diện nhà tôi cũng vậy, chẳng biết có phải "bài" của các bà giúp việc hay không mà chị Ngân (sống cùng tầng tôi) cũng khốn khổ chi tiêu cá nhân chỉ để... trả lương hời hơn cho giúp việc.
Chẳng là, bà ô sin nhà chị Ngân rất "có giá", biết bà khỏe mạnh lại được việc, nhiều gia đình khác đã nhòm ngó, thậm thụt trả giá cao hơn để bà ta sang làm cho nhà mình.
Chị Ngân được bà hàng xóm nói cho tin này, nên rất lo lắng. Tết nhất vừa xong, bà ta mà nghỉ việc thì chị chẳng biết phải xoay xở ra sao. Hơn nữa, ra Tết giá thuê ô sin rất đắt và cũng chẳng biết đến bao giờ mới tìm được một người biết việc như bà này.
Thế là chị Ngân phải tìm mọi cách để "dỗ" bà ô sin. Nào là hứa hẹn sau Tết sẽ tăng lương, sẽ thưởng Tết nhiều rồi sẽ cho thêm tiền, bố trí thời gian đưa bà đi... lễ!
Chị còn chiều bà ta đến mức muốn nấu món gì cũng hỏi xem ô sin có thích ăn không, muốn đi đâu mua sắm quần áo gần khu nhà mình ở cũng phải rủ ô sin đi cùng.
Trong khi đó, vợ chồng chị Ngân cũng chỉ là nhân viên nhà nước bình thường. Để "chiều" đủ những "yêu sách" của ô sin, chị đành... bán thêm hàng online. Bởi lương nhà nước 2 vợ chồng cùng chút thưởng thêm cũng đâu đó 20 triệu/tháng hoặc chênh không đáng kể. Dù không phải thuê nhà như tôi, nhưng số tiền ấy chi trả cho sinh hoạt, tiền giúp việc, ăn uống của một em bé 3 tuổi, chẳng phải là xông xênh!
Tối nào cũng thấy chị sấp ngửa gói hàng, đóng hàng rồi chốt đơn, cộng sổ - công việc mà với một người làm nghiên cứu văn hóa như chị có lẽ chẳng bao giờ tôi nghĩ tới.
Thậm chí đợt dịch này, chị Ngân phải bán thêm cả rau củ, hành tỏi... từ quê gửi lên, kiếm từng đồng lẻ để gom góp bù vào tiền lương đã tăng cho giúp việc.
Vất vả, tằn tiện hơn là vậy, ấy thế mà nào có được nhàn tâm, lúc nào chị Ngân cũng nơm nớp nỗi lo mình làm ô sin phật ý, rồi bà ta đòi về quê, hoặc nghỉ việc, đi làm cho nhà khác, thì nhà mình... nguy to!
Thắt lưng buộc bụng để có ô sin bằng được, ngậm ngùi tạm nghỉ việc để trông con
Ô sin nghỉ việc, khó khăn đổ lên đầu gia chủ, nhất là người phụ nữ. Chị Hằng (đồng nghiệp của tôi) thở dài: "Chán lắm em ạ, ra Tết nhà chị mới cuống cuồng tìm giúp việc vì đến thời điểm phải đi làm.
Nhưng tham khảo khắp nơi, giá giúp việc bây giờ cao quá. 2 vợ chồng đều thu nhập tầm trung, chi một khoản 7 triệu/tháng chưa kể ăn uống cho người ta trông con cho đi làm thì phải "thắt lưng buộc bụng" nhiều lắm. Rồi còn quà biếu, lễ Tết, tháng lương thứ 13, rồi thích nghi nếp sống, nếp sinh hoạt nữa, nói chung là mệt mỏi!".
Cuối cùng, suy đi tính lại, chị Hằng bèn tìm giải pháp thuê người giúp việc trông em bé từ 8h sáng đến 6h chiều với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng để 2 vợ chồng đi làm. Sau giờ hành chính, dù sấp ngửa về với con, nhưng 2 vợ chồng cũng đỡ đi được một khoản.
Còn Chi (26 tuổi, nhân viên văn phòng, Hoàng Mai, Hà Nội) thì ngậm ngùi: "Ô sin Tết không lên nữa, em chấp nhận phải xin nghỉ phép ở nhà, thậm chí trừ thi đua để trông con vì không còn cách nào khác rồi tìm cách dần dần.
Nhưng đăng tìm mãi mà không được, người nào cũng bĩu môi chê thấp, người đồng ý thì đến làm lại lười, rạch ròi việc quá khiến em phát chán. Suy đi tính lại em chấp nhận nghỉ việc để trông con một thời gian đã chị ạ".
Vừa ở nhà, vừa chăm con, Chi tranh thủ lúc con chơi để làm bánh, nấu ăn và làm đồ handmade kiếm thêm thu nhập. Dù vất vả và nhớ môi trường công sở thật đấy, nhưng so với số tiền 6-7 triệu phải gồng gánh mỗi tháng, trong khi dịch phức tạp, lương vợ chồng đều giảm, thực sự quá sức với người mẹ trẻ này.
Vậy mới thấy, chẳng riêng gia đình tôi, có rất nhiều gia đình khác cũng thường xuyên phải đau đầu với ô sin.
Người thì phàn nàn ô sin chậm chạp, nấu ăn không ngon lại rạch ròi chê bôi tiền ít, chỉ làm bằng này công việc cố định mà thôi. Người được ô sin nhanh nhẹn thì nay đòi hỏi thế này, mai đòi hỏi thế khác, hạch sách hơn cả chủ nhà.
Câu chuyện về khan hiếm ô sin, giá ô sin tăng cao dường như trở thành nỗi lo lắng của nhiều gia đình vào mỗi dịp năm mới. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi lẽ, các chủ gia đình cũng quá chủ quan trong thỏa thuận làm việc. Hầu hết chỉ hợp đồng miệng nên dẫn đến các ô sin không chấp hành theo thỏa thuận ban đầu, được đà là "nâng giá", thậm chí lừa đảo khiến các gia đình đành ngậm đắng nuốt cay, tìm cách xoay xở!
Minh Khôi