(Tổ Quốc) - Bà Xuân chẳng còn nhớ quê mình ở đâu, bởi mỗi khi nghĩ lại chỉ là những trận đòn roi và bị đánh đập làm gãy đôi chân của mình.
Bị đánh đập và gãy mất đôi chân từ năm 16 tuổi, bà Nguyễn Thị Xuân (1952) phải từ bỏ quê nhà, dựng lều sống tạm bợ ở vỉa hè Hà Nội nhiều năm nay. Tại một góc vỉa hè sau công viên Thống Nhất (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội), hình ảnh bà cụ ngồi lẻ loi bán nước dưới chiếc lều xập xệ đã trở nên quen mắt. Khách vãng lai, nếu như không hỏi chuyện, cũng thật khó tưởng tượng được chiếc lều xập xệ đó lại là "nhà" của một bà cụ 70 tuổi tàn phế.
"Ước gì tôi có đôi chân"
"Ước gì tôi có đôi chân", điều tưởng chừng vô cùng giản đơn ở người bình thường lại chính là ước mơ cả đời của một bà lão. Từ thanh xuân tới tuổi già, cuộc đời bà Xuân lặng lẽ bị chôn vùi với đôi chân gãy.
Bà Xuân chẳng còn nhớ quê mình ở đâu. Mỗi khi nhắc lại hai chữ "quê hương", bà lại tủi thân, mắt rưng rưng và nói: "Tôi không muốn nhớ tới cái nơi đó nữa. Ở đó có những người khiến đôi chân của tôi bị thành như thế này".
Nhìn đôi chân bà Xuân đang co lại trên chiếc ghế đá mới thấy được nỗi bất lực tận cùng của người phụ nữ này. Chân sưng nề, mỗi lần muốn ngồi xe lăn hay trở lại ghế đá, bà đều cần sự giúp đỡ của người qua đường.
Góc sinh hoạt của bà Xuân chỉ vỏn vẹn một góc phố bởi đôi chân tàn phế
Nhắc về gia đình, bà Xuân xúc động nhớ tới người bố đi bộ đội năm xưa mãi không về. Cũng vì vậy, mẹ của bà quyết định đi bước nữa và bỏ rơi bà tại một vùng quê. Theo như bà Xuân chia sẻ, tại nơi đó, bà đã bị người ta đánh đập đến mức tàn phế cả đôi chân: "Tôi bị ăn đòn, ăn đánh đủ kiểu".
Mang trên mình đôi chân không còn lành lặn, bà Xuân bỏ nhà ra đi, sống tự lập bằng nghề bán nước. "Tôi ra đây từ năm 16 tuổi, chỉ muốn nhờ ông đi qua, bà đi lại để uống giúp tôi cốc nước, kiếm một ít thu nhập, sinh sống qua ngày", bà Xuân nghẹn ngào nói.
Do không thể vận động nhiều, đôi tay của bà Xuân cũng bị sưng nề và gây nhiều khó khăn
Đang dở câu chuyện với bà, một vị khách bỗng đi tới chào hỏi và nhanh chóng ngồi xuống. Nhận lấy chiếc cốc từ bà Xuân, anh tự rót trà và húp một hơi thật nhanh. Lúc này, tôi mới nhận ra "quán nước" của bà Xuân không giống những quán nước vỉa hè khác.
Núp dưới tán cây lớn, nó ấm áp và thú vị đến lạ thường. Ấm áp ở chỗ người đến quán nước bà Xuân chủ yếu đều vì tấm lòng; và thú vị ở chỗ khách đến uống đều tự túc rót nước để giúp chủ quán đỡ vất vả.
"Tôi mong được giúp những người kém may mắn hơn"
Chỉ vào nồi cháo xương đang sôi sùng sục trên bếp than, bà Xuân thở dài: "Xương lợn hôm nay có người đem rồi nấu cho… Đến từng bữa ăn hàng ngày cũng phải nhờ người ta giúp.".
Với khoản tiền bán nước chẳng là bao, bà Xuân phải tằn tiện chi tiêu để dành tiền thuê người chăm lo cho mình. Bà Xuân cho biết, từ việc ăn uống, giặt giũ đến nguyên liệu bán nước… bà đều phải bỏ tiền để thuê làm. Gọi là thuê, nhưng có lẽ người ta đồng cảm với thân phận bà mà chỉ lấy chút đỉnh.
Dẫu vậy, cuộc sống của bà Xuân vẫn luôn là những chuỗi ngày khó khăn. Chiếc lều nhỏ nhếch nhác, tạm bợ đã dựng được mấy năm cũng đã dần trĩu xuống. Dù nắng hay mưa, vẫn chỉ chiếc lều là nơi duy nhất có thể che chắn và sinh hoạt. Ngày nắng thì đỡ, nhưng ngày mưa, bà Xuân phải hạ thấp bạt xuống để tránh nước bắn sâu vào bên trong.
Tuy chia sẻ về những vất vả, nhưng bà vẫn luôn thể hiện tinh thần lạc quan, tích cực. "Được cái trời Phật cho tôi một sức khỏe tốt. Tôi không biết ốm đau là gì, cũng chưa bao giờ bị F0". Thời điểm Hà Nội thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, bà Xuân vẫn lẻ loi tại góc phố quen thuộc. “Đã nhiều lần các chú công an đến hỏi thăm nhưng thấy hoàn cảnh tôi thế này, các chú thương, động viên và còn cho tôi tiền, khẩu trang để phòng chống dịch”, bà kể lại.
Ôm chú chó Cún vào lòng, bà Xuân không khỏi cưng nịnh và gọi "con" một cách thân thương. Nhìn Cún, bà Xuân tươi cười mà tâm sự: "Bé ngoan lắm, ai cũng mừng, cũng theo. Trước đẻ được 8 bé con, mà khó khăn quá, tôi không nuôi hết được nên cho "đi ở" rồi".
Biết được hoàn cảnh đặc biệt của bà cụ neo đơn, người dân xung quanh khu vực công viên Thống Nhất không khỏi xót xa. Là người biết đến số phận của bà từ lâu, chị L. (P. Lê Đại Hành) tâm sự: "Ở đây hầu như ai cũng biết tới bà Xuân hết. Bà ấy khổ thật sự đấy. Không nhà, không con còn bị tàn phế. May mọi người ở đây cũng thường xuyên giúp đỡ từ việc ăn uống, giặt giũ, có người còn tài trợ cho bà ấy chiếc xe lăn.".
Mặc dù cuộc sống vất vả, nhưng bà Xuân vẫn luôn có một mong ước to lớn. Bà mong có thể giúp đỡ được những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Bà tâm sự: "Nhận được tài trợ, hay có người giúp đỡ; tôi đều để dồn lại để trang trải cuộc sống. Tôi ăn không hết, tôi lại đem cho đi. Cuộc sống còn rất nhiều người khổ".
Trang Trần, Đặng Long