(Tổ Quốc) - Nếu có một người đàn ông thấu hiểu và sẵn lòng làm điểm tựa giúp mình cơ hội phát triển thêm, phụ nữ đương nhiên sẽ rung động. Thế nhưng cuộc sống đâu phải người đàn ông nào cũng sẵn lòng trao điều ấy.
Vào thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, phụ nữ vẫn thường được bố mẹ sắp xếp cho chuyện hôn nhân. Họ chỉ cần nghe theo, toàn bộ đã có gia đình và bà mối lo liệu. Thế nhưng nhiều cuộc hôn nhân đến từ sự sắp đặt không mang lại kết quả tốt đẹp. Tuy vậy, do ảnh hưởng của xã hội mà không mấy ai dám lên tiếng phản kháng.
Cô gái quyết cả đời không kết hôn
Trần Hoành Triết là một người tài năng bậc nhất thời Trung Hoa Dân Quốc. Bà sở hữu nhiều cái “đầu tiên” như là “lứa nữ sinh đầu tiên của Trung Quốc du học tại Hoa Kỳ”, “Nữ giáo sư đầu tiên của Trung Quốc”…
Bà sinh năm 1890 trong một gia đình khoa bảng ở Giang Tô. Cha bà là một người giỏi thơ ca, viết thư pháp. Mẹ bà là thiên kim tiểu thư mê hội họa. Có cha mẹ như thế nên ngay từ nhỏ, Trần Hoành Triết đã được tiếp xúc với học thuật, văn chương.
Thời gian ấy, con gái vẫn phải bó chân để có bàn chân gót sen nhỏ bé. Trần Hoành Triết cũng không ngoại lệ. Thế nhưng khi bắt đầu bị bó chân năm 7 tuổi, bà đã phản đối quyết liệt và không muốn bó chân. Bà muốn được di chuyển bằng đôi chân này, không cần bó buộc gì hết. Sự quyết liệt của bà cũng khiến cha mẹ chịu thua, đành chiều theo con gái.
Ngay từ khi nhỏ, Trần Hoành Triết đã có ý kiến, quan điểm riêng của mình trong mọi vấn đề. Năm 13 tuổi, bà rời gia đình đến Thượng Hải học. Khi biết tin trường Đại học Thanh Hoa chuẩn bị gửi sinh viên sang Hoa Kỳ du học, bà nỗ lực để so tài và cuối cùng trở thành một trong những nữ sinh viên đầu tiên được du học tại Mỹ.
Năm 1907, khi đang du học, Trần Hoành Triết bất ngờ nhận điện báo của cha, yêu cầu bà ngừng việc học về nước. Nếu bà không về thì cha sẽ cắt luôn việc gửi tiền, để xem bà sống bên đó được bao lâu.
Trần Hoành Triết vội vã về nhà và phát hiện cha mình đã “nhắm” cho một mối hôn sự. Vào thời gian ấy, nhà có con gái 17 tuổi mà chưa kết hôn như thế này đúng là một thảm họa.
Bởi thế, cha bà cẩn thận lựa chọn ra một chàng thanh niên cũng xuất sắc từ tính cách đến học thức mong muốn kết hợp cho con. Lúc đó, đối phương cũng là sinh viên, học thức đầy đủ.
Vậy nhưng chứng kiến cảnh bản thân bị ép vào hôn nhân sắp đặt, Trần Hoành Triết kiên quyết từ chối. Bà tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, suy nghĩ phóng khoáng, không muốn nhất là việc bị bó buộc hôn nhân. Cho dù đối phương nhìn qua rất phù hợp với bà thì bà cũng chẳng muốn cưới khi không hề yêu đương. Bà nổi giận, từ chối chuyện hôn nhân ngay tại chỗ.
Như để cha mẹ dập tắt ý định mai mối, Trần Hoành Triết còn thề rằng mình sẽ ở vậy cả đời, không bao giờ cưới xin gì cả.
Lời “thề độc” này đã khiến cha bà càng thêm tức giận. Tức thì tức nhưng ông thương con gái sợ con ở vậy thật nên mấy ngày chỉ dám bóng gió xa gần. Nói hoài mà Hoành Triết chẳng đổi ý.
Người cha này sau đó tuyên bố sẽ không chu cấp tiền bạc nữa, đuổi con gái ra khỏi nhà. Nghe xong những lời đó, Trần tiểu thư tối sầm mặt mũi rồi ngất xỉu ngay tại chỗ khiến cả gia đình nháo nhào hết lên.
Cuối cùng, cha Trần cũng phải chiều ý con gái. Ông tuyên bố sẽ không nhắc đến chuyện cưới xin nữa và nếu muốn, Trần Hoành Triết có thể ở nhà đến lúc nào cũng được.
Quyết phá vỡ lời thề vì lời cầu hôn đặc biệt
Bà đã ở nhà suốt 7 năm trời cho đến năm 1914, khi trường Đại học Thanh Hoa tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho nữ sinh, bà mới bắt đầu đi học lại. Trong năm đó, bà lần nữa đoạt được học bổng, sang Mỹ du học tại trường Đại học Vassar.
Trong thời gian học tập, bà đã xuất bản rất nhiều tác phẩm của mình, khiến nhiều cuộc thảo luận văn chương nổ ra.
Sau khi tốt nghiệp, bà học Thạc sĩ tại Đại học Chicago. Trần Hoành Triết không có nhan sắc xinh đẹp nhưng tài năng, sự bác học của bà cũng thu hút nhiều du học sinh Trung Quốc. Trong số đó có 2 cái tên rất nổi bật là Hồ Thích và Nhâm Hồng Tuyến. Cả ba người từ bỡ ngỡ mà trở nên thân quen, sau này còn là một bộ ba thân thiết nổi tiếng.
Nhâm Hồng Tuyến là tổng biên tập một tờ báo. Năm 1915, Trần Hoành Triết viết bài rồi gửi đến. Đọc tác phẩm của bà, họ Nhâm xúc động mạnh. Chỉ cần như thế ông cũng biết tác giả này xuất sắc và sâu sắc ra sao.
Hồ Thích - một nhà văn, nhà giáo dục cũng theo đuổi Trần Hoành Triết. Tuy vậy, về sau ông lại nghe theo lời gia đình, chấp nhận hôn nhân sắp đặt.
Về phần Nhâm Hồng Tuyến, từ những tác phẩm của bà, ông cảm thấy thấu hiểu, đồng cảm, sinh lòng cảm phục. Sau khi họ gặp nhau, sự uyên bác của người phụ nữ ấy khiến ông say đắm. Ông theo đuổi nhiệt tình và cầu hôn Trần Hoành Triết đến mấy lần liền nhưng bà đều từ chối.
Khi đó, Trần Hoành Triết lo sợ mình sẽ giống như nhiều người phụ nữ truyền thống khác sau khi kết hôn sẽ phải từ bỏ toàn bộ những đam mê sự nghiệp.
Nhâm Hồng Tuyến dần dần thấu hiểu những lo lắng ấy. Ông muốn bản thân mình sẽ là người chắp cánh cho tài năng của Trần Hoành Triết, sẽ chẳng ngáng đường, cản chân.
Năm 1919, ông lần nữa cầu hôn và tuyên bố luôn tư tưởng rằng mình không bao giờ dùng hôn nhân mà kìm hãm Trần Hoành Triết. Ông sẽ luôn ủng hộ cho sự nghiệp của bà.
“Chẳng dễ dàng gì để em thỏa hiệp với xã hội chung. Anh hi vọng sẽ là một bức bình phong chắn giữa em và xã hội để tôn thờ và nuôi dưỡng một người phụ nữ thiên tài như em”, ông nói.
Lúc đó, Trần Hoành Triết đã 30 tuổi. Những lời chân thành ấy đã chạm đến trái tim bà. Bà thật sự cần một người yêu thương, một người hỗ trợ. Vì Nhâm Hồng Tuyến, bà quyết định vi phạm lời thề năm 17 tuổi và đồng ý lời cầu hôn.
Năm 1920, cặp đôi cùng quay về Trung Quốc và trở thành giáo sư tại Đại học Bắc Kinh. Trần Hoành Triết chính là nữ giáo sư đầu tiên của Trung Quốc.
Cặp đôi cũng quyết định tổ chức hôn lễ. Ngay sau đó, Trần Hoành Triết mang thai. Bà ở nhà nghỉ ngơi dưỡng thai nhưng vẫn tranh thủ biên soạn cuốn “Lịch sử phương Tây” đầu tiên tại Trung Quốc.
Sau khi sinh con xong xuôi, Trần Hoành Triết tiếp tục công việc nghiên cứu, biên soạn sách, sáng tác và dạy học. Đúng như lời hứa khi cầu hôn, Nhâm Hồng Tuyến hết lòng với vợ. Khác với những ông chồng khác cằn nhằn chuyện vợ tập trung quá nhiều cho công việc, ông dù bận rộn vẫn cố gắng giúp đỡ bà để bà hoàn thành những mục tiêu cho sự nghiệp của mình.
Phạm lời thề năm 17 tuổi nhưng Trần Hoành Triết đã gặp được người đàn ông hoàn hảo nhất và viết nên cuộc hôn nhân đáng ngưỡng mộ.
Năm 1961, Nhâm Hồng Tuyến đột ngột qua đời vì xuất huyết não. Đây là một đòn giáng mạnh vào Hoành Triết. Bà đã viết một số bài điếu văn giã biệt chồng khiến nhiều người xúc động.
Đến năm 1976, Trần Hoành Triết cũng từ giã cõi đời vì căn bệnh viêm phổi. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà cũng chẳng có gì hối tiếc vì đã có một người chồng thật sự tuyệt vời và cuộc đời viên mãn.
Nguồn: 163.com, Sohu
Ca Ca