(Tổ Quốc) - Theo nhiều bệnh viện tư nhân tại TP.HCM, việc cho phép thu phí điều trị COVID-19 theo nhu cầu sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước cũng như có thể chia sẻ một phần gánh nặng với những bệnh nhân khó khăn.
Mới đây, UBND TP.HCM gửi văn bản đến Bộ Tài chính và Bộ Y tế đề nghị xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng.
Trước đó, Bộ Y tế cũng như ngành y tế TP.HCM đã huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia vào cuộc chiến chống dịch.
Hàng chục bệnh viện tư đã góp công sức, nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai hoạt động điều trị, góp phần giảm tải gánh nặng cho các cơ sở y tế công lập.
Thu phí điều trị người có điều kiện để san sẻ cho người khó khăn
Ngày 30/8 trao đổi với chúng tôi xoay quanh nội dung văn bản trên của UBND TP.HCM, TS.BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, bệnh viện hoàn toàn ủng hộ đề xuất của TP.HCM là cho các cơ sở y tế tư nhân thu phí dịch vụ khám, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, TP.HCM có 63 bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn với tổng quy mô là 5.494 giường bệnh.
Số bệnh viện đã thực hiện việc chuyển đổi công năng sang điều trị COVID-19 là 10 bệnh viện với tổng số giường điều trị COVID-19 là 966 giường, tương ứng với tỷ lệ chuyển đổi giường điều trị là 17,6%.
Thực tế cho thấy việc chuyển đổi giường điều trị này chưa đáp ứng mức kỳ vọng tối thiểu của Bộ Y tế là 40% đối với các cơ sở y tế tư nhân.
Riêng Bệnh viện Gia An 115 đã chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 quy mô 250 giường, trong đó có 34 giường hồi sức cấp cứu.
Đây cũng là bệnh viện tư nhân có số giường điều trị COVID-19 cao nhất tại TPHCM.
TS.BS Trương Vĩnh Long cho rằng vốn đầu tư và phương thức vận hành của các bệnh viện tư nhân hoàn toàn từ nguồn vốn tư nhân.
Mặt khác, phần lớn các bệnh viện tư nhân chưa sẵn sàng về hạ tầng cơ sở để chuyển đổi thành bệnh viện tách đôi đảm bảo an toàn vận hành trong khám chữa bệnh, điều trị COVID-19.
Trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được hoạt động.
Nếu chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh thì giá dịch vụ của cơ sở y tế tư nhân thường cao hơn cơ sở y tế công vì dựa trên chi phí đầu tư và vận hành mà không có sự bao cấp hay hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
"Hiện có rất nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 có điều kiện chi trả, sẵn sàng chi trả để được điều trị theo yêu cầu.
Từ đó tiết kiệm được ngân sách Nhà nước phục vụ cho các nội dung khác trong phòng chống dịch COVID-19" - TS.BS Trương Vĩnh Long nói.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, song hành cùng trách nhiệm xã hội, Bệnh viện hướng đến không chỉ thu dung những bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng chi trả chi phí điều trị COVID-19 mà còn tiếp tục thu nhận và điều trị cho những bệnh nhân gặp khó khăn về điều kiện kinh tế.
Nơi này cũng đã thành lập và duy trì hoạt động của Quỹ thiện nguyện chung tay chia sẻ một phần gánh nặng tài chính cùng với những trường hợp mắc bệnh gặp khó khăn.
"Hệ thống y tế tư nhân mong muốn nỗ lực tập trung vào công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tầng 2.
Bệnh nhân nguy kịch nên được tập trung về điều trị tại các Trung tâm Hồi sức chuyên biệt, để dành nguồn lực phục vụ cho nhiều bệnh nhân COVID-19 hơn, giúp giảm tỷ lệ chuyển nặng dẫn đến tử vong" - lãnh đạo Bệnh viện chia sẻ.
Tiền không có, phải vận động nhà hảo tâm cứu bệnh nhân
Theo ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh, TP.HCM), việc không được thu phí khiến cơ sở y tế tư nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể khi tham gia điều trị COVID-19, chi phí hoạt động của Bệnh viện bị đội lên rất lớn, bao gồm chi phí thuốc men, vật tư y tế, trả lương cho y bác sĩ.
Trong khi đó lãi vay ngân hàng không giảm còn ngân sách Nhà nước hay quỹ bảo hiểm xã hội không rót tiền về để san sẻ gánh nặng.
Hiện Bệnh viện đang điều trị cho khoảng 160 bệnh nhân COVID-19, phải lo đầy đủ cả về điều trị lẫn ăn uống, chăm sóc.
Một bệnh nhân COVID-19 tại đây mỗi ngày tốn khoảng 6-10 triệu đồng, nếu là bệnh nhân nằm phòng hồi sức tích cực (ICU) thì số tiền sẽ lên đến 25-40 triệu đồng/ngày. Có nhiều trường hợp bệnh nhân phải nằm dài ngày.
Không được thu phí bệnh nhân có nhu cầu, trong khi nhiều trường hợp lại có hoàn cảnh khó khăn.
Do đó Bệnh viện tìm cách phải vận động nhà hảo tâm, bệnh nhân có điều kiện đóng góp lo lại cho bệnh nhân nghèo.
"Chúng tôi công khai kêu gọi ủng hộ trên facebook của Bệnh viện. Một số bệnh nhân nghèo thì miễn phí hoàn toàn. Huy động đuộc đồng nào hay đồng đó. 1 tháng qua bệnh viện lỗ hơn 10 tỉ đồng - ông Thanh chia sẻ.
Ngoài vấn đề điều trị, nhà đầu tư của Bệnh viện cũng đang lên danh sách công nhân đang làm việc ở một số công trình, khu đô thị gặp khó khăn mùa dịch để hỗ trợ thực phẩm thiết yếu.
Với Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức, lãnh đạo nơi này cho biết ngay từ khi chuyển đổi công năng, Bệnh viện đã xác định không vì lợi nhuận.
Tuy nhiên đến nay nhiều chi phí điều trị phát sinh, thuốc men, vật tư y tế gặp khó khăn trong việc tìm nhà cung ứng.
Bệnh viện cũng phải đầu tư thêm bồn oxy lỏng, mua mới nhiều máy thở chức năng cao, máy thở HFNC, máy lọc thận...
Do đó nếu phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 lâu dài, các khoản chi phí do Bệnh viện tự gánh là con số "khổng lồ".
Trở lại với công văn trên của UBND TP.HCM, ngoài việc đề xuất cho y tế tư nhân thu phí, trong trường hợp ngân sách nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi trả cụ thể cho các bệnh viện tư.
Hoàng Lê