(Tổ Quốc) - Sau khi nghe con trai giải thích, người bố đã lập tức xin lỗi con.
Bước vào độ tuổi từ 3-6, trẻ thường có xu hướng tò mò và mong muốn khám phá thế giới bên ngoài. Việc này sẽ đem lại cho các bé những kiến thức chưa từng có, giúp các con hiểu hơn về cuộc sống xung quanh.
Thế nhưng, trong một số trường hợp, không phải cha mẹ nào cũng thoải mái trước sự tò mò của con trẻ. Thậm chí một số người lớn còn xử lý không đúng khiến trẻ sợ hãi và không còn muốn khám phá hay tự tìm hiểu kiến thức nào nữa. Đây chính là một trong những lý do làm con giảm hứng thú học tập hay sự tò mò về cuộc sống bên ngoài.
Anh Xiao có con trai tên là Liang, cậu bé đang ở độ tuổi nghịch ngợm và hiếu động, tò mò về mọi thứ. Cả ngày, cậu bé hỏi bố mẹ tất cả những gì bé đã nhìn thấy, mặc dù cũng cố gắng giải thích cho con nhưng đôi khi vì mệt mỏi mà anh Xiao tỏ rõ sự khó chịu với những câu hỏi có vẻ như ''vô nghĩa'' từ con trai mình.
Một ngày, đúng vào dịp sinh nhật của Liang, người hàng xóm đã tặng cậu bé một chiếc ô tô đồ chơi. Trong lúc mọi người không để ý, Liang đã phá nát chiếc ô tô này. Ngay sau khi phát hiện, anh Xiao tức tối, nổi trận lôi đình quát mắng cậu bé bằng những từ ngữ thậm tệ trước mọi quan khách: ''Tại sao mày không biết giữ đồ, đó là quà sinh nhật mà dám phá hỏng như thế à, có muốn ăn đòn không''.
Liang nước mắt tuôn trào, khóc nấc lên vì sự tức giận của bố. Trước sự can ngăn của mọi người, anh toan đánh thì cậu bé bất ngờ giải thích: ''Con chỉ tò mò không biết bên trong ô tô có những gì, hôm trước thấy ô tô của bố bị hỏng bố đã rất buồn mà, con chỉ muốn xem có thể giúp gì cho bố không. Nhưng ô tô nhiều bộ phận quá và con nghĩ mình không giúp được, con xin lỗi bố''.
Sau câu nói của Liang, mọi người có mặt ở đó đều xúc động. Anh Xiao lập tức xin lỗi con vì đã trách con mà chưa tìm hiểu rõ sự việc. Tuy nhiên, anh cũng giải thích đây là đồ mới mua và con không nên làm thế vì người tặng đồ cho con sẽ cảm thấy rất buồn. Và chắc chắn hành động của cậu bé là chưa đúng nhưng việc anh to tiếng với con trước mặt khách cũng là sai.
Thế nhưng từ sau lần đó, anh Xiao cảm nhận rõ con trai không còn thích tò mò về mọi thứ nữa, cậu bé ngại tìm hiểu và không quá quan tâm như ngày trước. Anh cảm thấy lo lắng và vô cùng hối hận liệu có phải lần đó đã khiến con buồn và không còn muốn khám phá mọi thứ nữa hay không.
Trên thực tế, rất nhiều bố mẹ có thái độ cư xử như vậy khi con vô tình làm hỏng đồ. Hoặc khi các bé muốn tự rót nước, tự mặc quần áo, tự xúc cơm... đều bị bố mẹ từ chối vì cho rằng con còn quá nhỏ để làm việc. Tuy nhiên, chính những điều này khiến sự tò mò và khám phá của trẻ giảm đi rõ rệt.
Bố mẹ nên làm gì để kích thích khả năng tìm tòi của trẻ mà không làm tổn thương bé?
1. Cần kiên nhẫn với con
Khi con làm hỏng một đồ vật hay lỡ tay làm rơi món đồ nào đó, đừng mắng chửi mà hãy cho trẻ cơ hội được giải thích. Tốt nhất, hãy nhẹ nhàng tìm hiểu lý do và hỏi xem vì sao con lại làm như vậy. Nếu bạn cứ tiếp tục tỏ ra khó chịu với bé thì sau đó con sẽ mất đi tính tò mò và khám phá về thế giới xung quanh.
2. Cho trẻ khám phá trong khuôn khổ
Cha mẹ không muốn con mình bị thương hoặc gây rắc rối không cần thiết trong khi khám phá, hãy đặt ra các quy tắc cho con. Ví dụ, với một số đồ dùng con không được phép nghịch như ổ điện, dao, kéo, gói hút ẩm... Để thoả mãn tính tò mò của con, cha mẹ có thể cung cấp sách, công cụ tìm kiếm, đồ chơi có thể tháo rời...
3. Đưa con đến các lớp học kỹ năng
Đây là nơi con có thể được thoả sức sáng tạo và khám phá trong khuôn khổ. Con có thể thoải mái học mà không lo làm đổ vỡ, hư hỏng đồ đạc. Bên cạnh đó, con sẽ học thêm được các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống.
Nguồn: Parents
San San