(Tổ Quốc) - Nghe con kể, chị Kiki biết ngay con đã gặp bọn buôn người. Nhưng vì sao chúng lại thả Tiểu Vũ đi thì chị không hiểu.
Những năm gần đây, các băng đảng bắt cóc trẻ em ngày càng hoạt động liều lĩnh hơn, với nhiều chiêu trò tinh vi. Thậm chí, nhiều vụ bắt cóc diễn ra ngay nơi đông người, trước mặt cha mẹ. Chính vì vậy, việc một đứa trẻ bị bắt cóc, rồi lại bất ngờ được thả ra, trở về an toàn trong vòng tay người nhà là điều hiếm có.
Một câu chuyện xảy ra tại Trung Quốc thời gian trước đã thu hút sự chú ý của dư luận. Chị Kiki có con trai tên Tiểu Vũ (5 tuổi), đang học mẫu giáo. Vào ngày cuối tuần, chị Kiki đưa con đi chơi một sở thú nổi tiếng. Vì là ngày nghỉ nên sở thú rất đông người. Trong lúc chạy đi mua đồ ăn vặt ở tiệm tạp hóa gần bên, chị Kiki không may bị lạc mất con.
Đến lúc quay lại, chị tá hỏa vì con trai đã không còn đứng cạnh. Trong lúc đang cuống cuồng sợ hãi, chị Kiki nghe thấy loa phát thanh của sở thú, thông báo có 1 đứa trẻ đi lạc, ai là cha mẹ mau đến nhận con. Nghe đặc điểm miêu tả giống hệt Tiểu Vũ, chị vội vàng chạy tới và đón được con.
Kiểm tra khắp người, thấy con vẫn nguyên vẹn, chị Kiki mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, chị hỏi con đi đâu thì cậu bé kể lại: Lúc cậu bé đang đi mua đồ ăn vặt với mẹ thì có 1 chú đứng từ xa, tay cầm đồ chơi vẫy gọi. Thấy mẹ đang mải trò chuyện với chủ cửa hàng tạp hóa nên Tiểu Vũ đã lon ton chạy ra. Vừa đến gần ông chú kia, cậu bé lập tức bị một kẻ khác chạy lại, ôm lên ô tô.
Tuy nhiên, chưa đầy vài phút, kẻ này lại đặt cậu bé xuống và thả đi. Nghe con kể, chị Kiki biết ngay con đã gặp bọn buôn người. Nhưng vì sao chúng lại thả Tiểu Vũ đi thì chị không hiểu.
Lúc này, một nhân viên sở thú cho rằng, có thể do trên người cậu bé có đặc điểm dễ nhận dạng nên bọn bắt cóc đã quyết định thả ra. Chị Kiki sau đó nhớ ra, khuôn mặt con có 1 vết bớt nhỏ. Có lẽ vì điều này mà cậu bé đã may mắn thoát mạng.
Thực chất, suy nghĩ này là có cơ sở. Bởi báo chí Trung Quốc từng phỏng vấn một kẻ buôn người khi băng nhóm tên này bị cảnh sát tóm gọn. Tên này cho hay, có 3 kiểu trẻ mà những kẻ bắt cóc sẽ không đụng tới. Một là những đứa trẻ có vẻ ngoài đặc biệt, chẳng hạn trên người có vết bớt, vết sẹo. Bởi những đặc điểm này sẽ không biến mất và khiến đứa trẻ dễ bị nhận dạng.
Thứ hai là những đứa trẻ trông lôi thôi, luộm thuộm. Bọn buôn người sau khi bắt được một đứa trẻ sẽ bán cho những gia đình hiếm muộn. Những đứa trẻ có vẻ ngoài không sáng sủa, ưa nhìn thường khó được chọn mua.
Thứ ba là những đứa trẻ có tính cảnh giác cao. Đây là những đứa trẻ dễ khiến cho bọn buôn người bị phát giác bởi trẻ dễ hô hoán, la hét khi cảm giác nguy hiểm. Một phần bởi trẻ đã được bố mẹ dặn dò những kỹ năng an toàn, phòng tránh bắt cóc. Có thể thấy, điều chắc chắn nhất giúp bố mẹ bảo vệ con khỏi nguy hiểm, đó là dạy con những kiến thức cần thiết.
Bố mẹ cần dạy gì để con không rơi vào tay kẻ bắt cóc?
Thực tế, những trường hợp trẻ bị bắt cóc đa số đều có chung một đặc điểm là trẻ tách riêng khỏi người thân để chơi. Chính vì vậy, kỹ năng đầu tiên mà phụ huynh nên dạy con là không đi ra ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ đồng thời giúp trẻ ghi nhớ địa chỉ nhà và số điện thoại của người thân.
Trẻ cũng cần được bày cách nhận biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: Thầy cô giáo, chú công an, bác bảo vệ cơ quan… để khi gặp tình huống nguy hiểm có thể trông cậy, nhờ vả.
Ngoài ra, cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, đi theo hoặc nhận đồ vật của người lạ mặt. Nếu có ai đó trẻ không quen nhưng lân la tiếp cận, hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho cha mẹ.
Dạy trẻ hét, gào khóc thật to để gây sự chú ý và tìm kiếm sự cầu cứu khi bị người lạ kéo đi. Những cụm từ mà trẻ nên hét lên là: "Bắt cóc", "cứu cháu với"... Đồng thời, trẻ hãy cắn, đá, cào, cấu vào kẻ đó rồi vùng mạnh và bỏ chạy.
Thỉnh thoảng bố mẹ cần phải xây dựng các tình huống giả định tốt – xấu, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để hình thành cho trẻ những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc.
Thanh Hương