(Tổ Quốc) - Câu chuyện về chàng thợ bánh mang gương mặt chi chít sẹo hằng ngày tỉ mẩn làm ra những chiếc bánh thơm ngon khiến ai cũng thán phục.
“Bùm, một em bé lọt thỏm vào bếp lửa đang cháy rực.”
Lúc ấy, cậu bé 6 tháng tuổi Ngô Quý Hải đang tập đi trên chiếc xe đẩy. Vì một chút sơ ý trong khâu quan sát của người lớn, Hải đã lao vào bếp lửa đang đun nước sau nhà.
“Kể từ hôm ấy, cuộc đời mình như bước sang một trang khác mặc dù bố mẹ đã cố gắng chữa trị cho mình gần hai năm ở Sài Gòn" - Quý Hải (28 tuổi) đến từ Kon Tum trầm ngâm khi hồi tưởng về cuộc đời mình…
Nỗi đau lớn dần theo năm tháng
Tuổi thơ luôn là một phần ký ức đẹp đẽ của những đứa trẻ: Được đến trường, tung tăng cùng bè bạn. Nhưng với Quý Hải, anh không may mắn có được những niềm vui đó bởi những vết sẹo hằn in sâu trên mặt làm cho Hải tách biệt với những người xung quanh.
“Mình cũng được ba mẹ cho đến trường…Đó là những năm học mẫu giáo. Lúc đó, mình còn quá nhỏ để nhận thức được việc mình mang khiếm khuyết nên mọi chuyện diễn ra khá dễ dàng. Song, đến lúc vào lớp 1, mình ý thức được sự tủi thân khi các bạn cứ đến trêu mà không chơi với mình. Ngay cả người lớn cũng dòm ngó, kỳ thị. Mình trở nên đơn độc Đến một ngày, mình xin bố mẹ cho nghỉ học. Dường như, bố mẹ cũng biết mình buồn nên đồng ý ngay.”
Kể từ lúc ấy, cuộc sống của Hải "sẹo" chỉ quanh quẩn ở nhà cùng bố mẹ và anh trai. "Nỗi cô đơn" là người bạn thân nhất của anh.
Hải ngày còn nhỏ cùng với gia đình
“Nhưng, cuối cùng cũng có một bạn đến chơi với mình. Đó là Hoàng Xuyên, bạn cùng xóm của mình. Xuyên cũng bị khiếm khuyết khi không nghe và nói được. Xuyên đã đồng hành cùng mình cho đến tận hôm nay.”
Hải vui hẳn lên khi kể về Hoàng Xuyên, nhưng cũng trầm lặng hẳn khi nhắc về một kỷ niệm buồn đã trải qua cùng người bạn thân nhất của mình
“Năm 10 tuổi, mình và Hoàng Xuyên lần đầu được lên thành phố chơi. Chúng mình dừng lại trước một tiệm bánh rất đẹp. Sau đó cả hai quyết định sẽ dành tiền để lần sau mua một chiếc bánh kem.
Đến dịp sinh nhật Hoàng Xuyên, mình và bạn ấy có cơ hội lên lại thành phố. Cả hai chạy thật nhanh đến tiệm bánh. Nhưng vừa bước vào đã bị đuổi ra. Mặc dù mình cố giải thích nhưng họ không hiểu dù mình có đủ tiền. Còn bạn mình thì không nói được và chỉ đứng khóc.”
Hải trở về nhà, chẳng dám chia sẻ cùng ba mẹ vì “nếu mình nói ra ba mẹ sẽ rất buồn, vì chẳng làm được gì cho con”.
Và cuối cùng, chính kỉ niệm buồn đó đã làm động lực để Hải cất đi những nỗi đau lớn dần theo năm tháng để thay đổi cuộc đời và khẳng định giá trị của mình. Hải nhận ra mình có đam mê với nghề làm bánh và bắt đầu theo đuổi ước mơ mở tiệm bánh cho riêng mình.
Bước ngoặt thay đổi cuộc đời
Năm 2016, Quý Hải may mắn nhận được sự hỗ trợ từ một tổ chức từ thiện quốc tế để sang Đức điều trị biến dạng trên cơ thể. Cụ thể là tách phần da dưới cằm dính chặt với phần da ngực.
“Lúc nhận được thông tin về chuyến đi, mình cũng rất lo lắng vì chỉ có một mình mình đi mà không có gia đình bên cạnh. Nhưng nếu không đi thì cuộc sống của mình sẽ chẳng gì thay đổi. ”
Trải qua hơn 15 giờ bay, Hải cũng đến được bệnh viện. Sau 21 ngày hôn mê sau cơn phẫu thuật, Hải đã tỉnh dậy. Trong lần đầu tiên xa nhà này, Hải may mắn có được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ nhiệt tình từ các y bác sĩ, hội đồng hương người Việt. Anh còn lần đầu tiên đón sinh nhật cùng những người xa lạ ở một nơi xa lạ nhưng vô cùng ấm áp.
Trở về Việt Nam, Hải được cô Mỹ Nga - một nhà hảo tâm tạo điều kiện cho đi học ở trung tâm đào tạo nghề ở Hà Nội. Tại đây, Hải được học viết, kỹ năng nghề bếp. Và đặc biệt, Hải học được cách sống tự lập khi đi học xa nhà.
“Những ngày mới bắt học với mình khá khó khăn. Vì mình đã bỏ học ngay khi còn rất nhỏ. Về sau, mình tự học được một số chữ nên việc tiếp thu bài so với các bạn là rất chậm. Ngoài giờ chép bài trên lớp thì khi về nhà mình lại mượn vở của các bạn để chép. Có lúc mình tập viết tới 2 - 3h sáng.
Nhưng, ở trường nghề, lần đầu tiên trong đời mình được tiếp xúc với nhiều người và có nhiều bạn bè. Họ cùng chụp hình với mình khiến mình cảm thấy rất vui. Mỗi học viên ở đó đều có một hoàn cảnh khó khăn riêng và chúng mình coi nhau như anh em.”
Sau khi hoàn thành khóa học ở trung tâm dạy nghề, Hải lần đầu một mình vào Sài Gòn để lập nghiệp
“Mình còn nhớ lúc mình mới bước chân vào Sài Gòn là tháng 6 năm 2019. Khi vừa vào Sài Gòn mình đã đi tìm việc nhưng phải mất gần nửa tháng mình mới tìm được việc làm. Lúc đó, mình vui lắm. hôm đầu tiên đi làm mình đã dậy rất sớm.
Và nhận tháng lương đầu tiên mình đã mua quà cho những người thân yêu nhất của mình đó là quần áo cho ba mẹ, anh trai và đồ chơi cho em gái mình."
Nhưng, sau một thời gian làm việc tại Sài Gòn. Hải nhận ra mình không phù hợp với môi trường nơi đây nên quyết định trở về quê để thực hiện ước mơ ngày bé của mình. Đó là mở một tiệm bánh.
“Tiệm bánh là cả tuổi thơ, là thanh xuân cố gắng của mình…”
Tiệm bánh của Hải đã ra đời với tất cả niềm tin và hy vọng mà anh gửi vào. Hằng ngày anh đứng quán xuyên suốt, vui vẻ giao tiếp với khách hàng với đầy sự tự tin. Mở cửa hàng trở lại sau dịch Covid - 19 COVID-19, anh còn đảm nhiệm hết công việc thay cho nhân viên trước đây để cắt giảm bớt chi phí. Song, dù đôi mệt mỏi, Hải vẫn luôn quyết tâm và nỗ lực.
Hải đã có tiệm bánh cho riêng mình.
“Dù thỉnh thoảng, khách bước vào và nhanh chóng bỏ đi khi nhìn thấy mình. Nhưng mình không còn buồn vì những điều đấy. Bởi quá trình mình cố gắng và bước đi nó lớn hơn những điều như vậy.”
Nghĩ về những biến cố đã trải qua. Hải thấy bản thân còn rất may mắn. Bởi cạnh anh, luôn có gia đình động viên ủng hộ.
“Nhiều lúc vào bệnh viện, mình còn thấy có nhiều người bị bỏng nặng hơn cả mình. Do đó, mình sống và tồn tại đến ngày hôm nay là một điều mà mình cảm thấy hạnh phúc.”
Trong tương lai, Hải mong muốn mở rộng cửa hàng và có điều kiện kinh tế ổn định để có thể giúp đỡ những trường hợp gặp phải khó khăn như mình. Còn khi được hỏi về chuyện lập gia đình, anh chỉ cười và bảo:
“Khi nào mình lo tốt được cho mình, mình mới nghĩ đến chuyện ấy.”
Phương Quyên