(Tổ Quốc) - Đây là chất có trong rất nhiều đồ đạc của các gia đình nhưng bố mẹ không biết hoặc chủ quan khi sử dụng, dẫn đến gây hại cho sức khỏe trẻ nhỏ - đối tượng có sức đề kháng còn non nớt.
Bé trai người Trung Quốc tên Lôi Lôi (tên gọi ở nhà), 5 tuổi một dạo thường xuyên bị ho, mẹ bé cho uống đủ loại thuốc vẫn không đỡ. Lo lắng quá nên mẹ đã đưa đến bệnh viện khám và làm xét nghiệm. Kết quả, bé bị ngộ độc formaldehyde khiến người mẹ rơi nước mắt hối hận vì biết nguyên nhân chính là do mình.
Chuyện là sau khi hoàn thành việc sửa sang căn nhà mới, mẹ của Lôi Lôi muốn tiết kiệm tiền thuê nhà nên đã chuyển thẳng đến ở nhà mới khi vừa sơn sửa được vài ngày. Formaldehyde tồn tại trong các vật liệu xây dựng mới rất dễ gây kích ứng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ sức đề kháng kém có thể bị ngộ độc formaldehyde.
Theo các bác sĩ, việc sống trong môi trường có hàm lượng formaldehyde vượt chuẩn có thể khiến trẻ bị ho thường xuyên, khó chịu mắt, kích ứng da. Lâu dài không được xử lý, trẻ còn có nguy cơ bị ung thư máu. Sau khi nghe bác sĩ phân tích, mẹ của Lôi Lôi đã rất sợ hãi, nhưng may mắn thay cô đã phát hiện sớm cho con.
Cách loại bỏ formaldehyde khỏi môi trường sống, tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ nhỏ
Formaldehyde là một hợp chất dễ bay hơi, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người với nồng độ cao. Nó thường có trong các sản phẩm như: gỗ ép (ván ép), bọt cách nhiệt, sơn tường và giấy dán tường, một số loại vải tổng hợp... Khi độ ẩm và nhiệt độ trong nhà cao càng làm nó thoát ra ngoài nhiều hơn.
Để giảm nồng độ formaldehyde trong nhà, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ nói riêng và các thành viên trong gia đình nói chung, bố mẹ nên lưu ý những điều sau:
1. Thường xuyên mở cửa sổ
Mở cửa để làm thông thoáng nhà cửa hoặc có thể sử dụng quạt hút mùi, máy lọc không khí để làm loãng nồng độ formaldehyde trong nhà. Khi sử dụng nước tẩy rửa, sơn nhà, nhà mới lát sàn gỗ, sơn móng tay.... càng cần phải làm thông thoáng nhà hơn.
2. Để đồ nội thất ở nơi thông thoáng
Đối với các sản phẩm đồ gỗ công nghiệp, gỗ sơn, gỗ ép, gỗ lát sàn nhà, nội thất mới... nên phơi thoáng hoặc để ở vị trí thoáng mát trước khi đưa vào sử dụng. Những gia đình mới lắp đặt đồ nội thất, lát sàn... nên đợi một khoảng thời gian mới chuyển vào ở để formaldehyde bay hơi bớt.
3. Không hút thuốc trong nhà
Không chỉ chứa các chất gây ung thư, có hại cho sức khỏe trẻ nhỏ mà khói thuốc lá còn chứa formaldehyde. Vì thế, gia đình nào có người hút thuốc lá nên tránh hút thuốc trong nhà, gần nhà để tránh trẻ bị nhiễm độc formaldehyde.
4. Không bao giờ cho trẻ mặc quần áo mới chưa được giặt giũ
Trong thuốc nhuộm và các quy trình sản xuất quần áo đều có formaldehyde, mức độ phục thuộc vào từng loại vải. Ngoài ra trong quá trình bảo quản quần áo mới sản xuất chất này cũng chứa rất nhiều. Do đó, bố mẹ lưu ý luôn cần giặt sạch quần áo mới rồi mới cho trẻ mặc.
Ngọc Phạm