(Tổ Quốc) - Chị Huệ vừa là điểm tựa cho người mẹ 93 tuổi, gần đất xa trời, vừa mò mẫm để nuôi con mang căn bệnh quái ác.
"H. ơi! Vào ăn cơm với mẹ nào!".
Chị Huệ (Hưng Yên) bê mâm cơm còn bốc khói, vừa mò mẫm dò đường vừa gọi tên đứa bé. Bỏ lại quả bóng ngoài sân, bé H tiến vào trong căn nhà hẹp thấp, ánh sáng lờ mờ. H khẽ nắm lấy vạt áo của chị, hai mẹ con chậm rãi ngồi xuống. Cụ Hiến (mẹ ruột chị Huệ) ngồi bên cạnh từ trước, cũng đang run run tay xới từng muỗng cơm vào bát nhỏ.
Tại bàn cơm đơn sơ, chị Huệ tiếp tục cẩn thận, mò mẫm xé từng miếng thịt sao cho thật nhỏ vào bát. Xé xong, chị lại chậm rãi đi vào trong rửa tay. Và bên ngoài, cụ Hiến dù tay chân đã yếu và hay run, vẫn tận tụy bón từng thìa cho đứa cháu trai nhỏ.
Niềm hy vọng, sự an ủi tuổi già của chị Huệ là bé H., nhưng 19 tháng, cậu bé đổ bệnh...
Hạnh phúc không trọn vẹn
Chúng tôi ngồi đó lặng lẽ quan sát những cử chỉ mà ba thế hệ dành cho nhau và lắng nghe những tâm sự về cuộc đời của chị. "Cả gia đình đều kỳ vọng vào đứa bé này rất nhiều. Nên khi thấy bé bị bệnh như thế này, tôi thật sự rất buồn. Thôi, cũng phải tự động viên bản thân mình, vượt qua khó khăn để còn lo chu toàn cho con", chị Huệ bày tỏ.
Được sinh ra trong một gia đình 8 người con, chị Huệ lại là người con út kém may mắn nhất vì chứng mù bẩm sinh từ lúc mới chào đời. Đã nhiều lần, cụ Hiến cố gắng tìm cách chữa trị cho người con gái đáng thương, song chị vẫn chưa một lần nhìn thấy được ánh sáng.
Khi 7 người con đầu đến tuổi an cư lập nghiệp, có gia đình riêng, thì chị Huệ vẫn sống lay lắt bên cạnh người mẹ già khắc khổ. Bất lực với căn bệnh mù lòa suốt đời, chị Huệ chỉ có thể thỉnh thoảng đi làm công việc tẩm quất người mù và dựa vào số tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước để trang trải cuộc sống.
Dẫu khó khăn, vất vả, người phụ nữ ấy vẫn hy vọng có một đứa con để nuôi nấng; kỳ vọng có thể nương tựa khi về già. Cơ duyên năm xưa đến với chị, giúp chị có một người con. Song chẳng được bao lâu, người con yểu mệnh này bỏ chị mà đi.
Sau nhiều năm gác bỏ được cảm xúc, chị tiếp tục nuôi ước mơ được làm mẹ. Năm 2018, chị quen được người chồng hiện tại qua một chương trình ghép đôi và nên duyên. Cũng là một người khiếm thị, anh cùng chị Huệ vun vén hạnh phúc, cố gắng vươn lên.
Bé H. sinh ra chính là kết quả minh chứng cho cuộc hôn nhân đã từng hạnh phúc này. Bé sinh ra được khỏe mạnh chính là một niềm vui khôn xiết và tràn đầy hy vọng của cả gia đình. Tuy nhiên, niềm hy vọng dập tắt khi bé được 19 tháng tuổi. Mò mẫm, quơ tay tìm đường; đây là những dấu hiệu ở người con trai nhỏ tuổi khiến cả gia đình phải bàng hoàng, lo lắng.
Tháng 9/2019, ngày đưa con đi khám ở Hà Nội, hai mẹ con được các cô chú anh em giúp đỡ tận tình. Thế nhưng gia đình lại càng bàng hoàng hơn khi nhận kết quả chẩn đoán từ bác sĩ khoa Nhi (bệnh viện K), bé bị ung thư võng mạc. Một căn bệnh mà đến cả bác sĩ chữa trị cho bé cũng không thể đưa ra một lời khẳng định rằng có thể chữa khỏi dứt điểm. Đã phải chạy đi nhiều bệnh viện để tìm nơi điều trị thích hợp, chứng kiến con bị căn bệnh nguy hiểm, chị muốn khóc nhưng nước mắt đã cạn.
Sau gần 3 năm điều trị, hiện tại, một bên mắt của bé H. đã đạt được kết quả tốt hơn. Tuy vậy, mắt bên trái của bé vẫn đang trong tình trạng yếu và chưa thể nhìn rõ. Mỗi tháng, bé đều phải đi khám và chữa trị định kỳ tại Hà Nội. Mỗi lần như vậy, mọi chi phí phát sinh đều rất tốn kém.
Trong bữa cơm trưa đạm bạc, chị vừa sờ tay lên khuôn mặt, vừa đút cơm cho bé mà thương con kể lại. Còn nhỏ vậy, nhưng bé đã phải chịu bị truyền hóa chất qua năm tháng, phải điều trị bằng cách tiêm vào mắt, người làm mẹ là chị Huệ thật không khỏi xót xa: "Biết con sưng, đau; mà tôi thắt lòng".
Đau đớn trong chữa trị, khó khăn trong khi nhìn là vậy, nhưng trong tâm hồn bé H. vẫn luôn toát lên vẻ ngây thơ và sự nghị lực chiến thắng bệnh tật một cách mạnh mẽ. "Bình thường bé chơi ngoan lắm. Ai biết nó bệnh cũng thấy thương" chị Thảo Vân (dì bé H.) kể lại. Đôi mắt chưa được chữa khỏi, đây là trở ngại lớn nhất khiến bé H. đến nay vẫn chưa được tham gia học tập như bao bạn bè cùng trang lứa. Đây cũng chính là điều mong mỏi nhất ở gia đình chị Huệ, khi cả gia đình đều chưa một ai được học hành tử tế.
Cụ Hiến tâm sự: "Ngày xưa nhà tôi nghèo, tôi không được đi học, nên cũng không biết chữ. Đến đứa con gái út là Huệ đây vì mù bẩm sinh, nên cũng chẳng được học hành gì. Nên cầu cho thằng bé sớm khỏi bệnh, để còn được đi học, cho bằng bạn bằng bè".
Ba thế hệ tựa vào nhau
Trải qua bao sóng gió, giờ đây, cả gia đình nghèo khó chỉ còn lại ba người là chị Huệ, cụ Hiến và bé H. Bởi, đã từ lâu, chồng chị Huệ đã không còn sẵn sàng dũng cảm vượt qua hoàn cảnh.
Hàng ngày, cụ Hiến và chị Huệ thay nhau lo cơm nước, giặt giũ. Dẫu mù lòa, nhưng sau bao năm cố gắng, chị cũng đã phải quen bao việc để chăm sóc con nhỏ và mẹ già. Ở tuổi già sức yếu, cụ Hiến cũng mang trên mình nhiều bệnh tật và còn bị lãng tai nặng. Dường như chỉ còn đôi mắt tuổi 93 còn sáng và nhìn rõ, chính là một niềm may mắn ít ỏi để người mẹ già này có thể bao bọc người gái mệnh khổ đến cuối đời.
Thấy hoàn cảnh khó khăn suốt bao nhiêu năm của gia đình chị Huệ, hàng xóm xung quanh cũng thường xuyên nhiệt tình giúp đỡ. Nhiều người mua giúp những đồ vật thiết yếu hay đi chợ giúp. Cũng có người vẫn luôn ghé thăm chơi, tâm sự, gửi lời động viên để cuộc sống gia đình chị thêm tích cực và luôn vui. Và những người con của cụ Hiến vẫn luôn làm chỗ dựa cả tinh thần và vật chất cho người em út số khổ, mặc dù không thể ngày ngày tận tay chăm sóc.
Nhìn gia đình chị Huệ nương tựa lẫn nhau dưới mái nhà ọp ẹp, có thể thấy cuộc sống của họ vô cùng vất vả. Theo cụ Hiến kể, khi mùa mưa đến, căn nhà bị dột nước mưa nhiều đến mức không thể ở trong nhà được. Mỗi lần như thế, ba bà cháu lại dắt nhau ra ngoài sân ngồi, dưới mái tôn được nhà nước tài trợ xây mấy năm nay.
Mùa hè, căn nhà hẹp thấp lại hưởng trọn những cơn nóng gay gắt, khi nắng đều xuyên thẳng vào trong căn nhà mỗi ngày. Với cuộc sống đầy thử thách, chông gai; hành trình nỗ lực phía trước sẽ còn rất dài. Thoáng nhìn ánh mắt của cụ, có thể nhận thấy trong đó hiện lên bao nỗi buồn, nỗi lo toan; vì cụ sợ "sau này tôi mất, chúng nó phải làm thế nào".
Qua bao năm tháng khó khăn, cả cụ Hiến và chị Huệ vẫn luôn nuôi hy vọng, tích cực nỗ lực hàng ngày, sống lạc quan vì "khổ quen rồi".
Đang dở câu chuyện với tôi, bé H. dụi mắt sau giấc ngủ trưa chạy lại nắm tay mẹ năn nỉ: "Mẹ ơi! Mẹ cho con ra ngoài chơi nhé". Chị Huệ gật đầu, bàn tay chị sờ lên má bé mà dặn dò cẩn thận.
H. vui vẻ chạy ra sân, tay cầm quả bóng, hướng về phía cửa, nơi ánh sáng và bạn bè đang chờ…
Trang Trần - Tử Văn