(Tổ Quốc) - Mọi người có biết, câu bập bẹ đầu tiên của Leon là gì không? Cực bất ngờ đấy.
Mới đây trên trang Instagram của các con, Hồ Ngọc Hà tiếp tục chiêu đãi fan một chiếc clip cực đáng yêu. Trong clip này, một người thân của Hồ Ngọc Hà đang bế bé Leon đứng trước gương và chọc cười cho bé. Leon tỏ ra rất thích thú, cười sằng sặc và bất ngờ bập bẹ nói từ nghe giống như: "Mô rồi" (có nghĩa là "Đâu rồi").
Có lẽ cũng quá ngỡ ngàng nên Hồ Ngọc Hà phải đăng clip lên và hỏi lại mọi người cho chắc: "Ủa có phải đoạn cuối là Leon nói: "Mô rồi" phải không ạ? Chứ xung quanh Leon là bà ngoại, mẹ, dì, cô Hà toàn là người miền Trung không thôi".
Dưới bài đăng, rất nhiều người cũng chia sẻ họ cũng nghe thấy Leon nói: "Mô rồi" và dành lời khen cho sự đáng yêu của cậu nhóc. Song, lại có nhiều cư dân mạng cho rằng có lẽ đây chỉ là một sự trùng hợp khi Leon phát âm mà thôi.
Leon bập bẹ nói tiếng quê mẹ "Mô rồi"
Bên cạnh đó, một phụ huynh góp ý với Hồ Ngọc Hà: "Để xác định có đúng là từ MÔ RỒI thật sự in vào tâm trí Leon hay không? Mẹ Hà cứ cho bé nhìn vào khuôn miệng mình khi nói, dạy bé và coi như đây là TỪ ĐẦU ĐỜI của bé đi.
Con sẽ nhanh chóng lặp lại được. Con trai mà biết nói trước khi biết đi thì chắc chắn là nhà ngoại giao số 1 rồi nha Leon. Mà nói 1 lúc 2 từ nữa chứ! Con lập kỳ tích rồi nha con!".
Ngoài ra, nhiều mẹ có con nhỏ cũng muốn con sớm biết nói nên đã sốt sắng để lại bình luận hỏi mọi người về cách giúp trẻ nói sớm.
Theo nghiên cứu, trước khi tròn 1 tuổi, nếu bé có thể nói được những từ có nghĩa như: “Mẹ”, bà”,… kèm theo biểu hiện nhìn về hướng mẹ để biểu đạt những mong muốn của mình thì đó chính là dấu hiệu của một em bé có IQ cao về ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, việc trẻ biết nói nhanh hay chậm còn liên quan mật thiết đến cách bố mẹ trò chuyện với chúng hàng ngày. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần thường xuyên có sự tương tác với con để bé sớm biết nói.
Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ
- Phản hồi với tiếng khóc của bé: Trong năm đầu đời, các bé sẽ học giao tiếp thông qua tín hiệu khóc. Khi mẹ phản ứng với tiếng khóc của bé, bé sẽ học được cách lắng nghe (nhiều bé chăm chú nhìn vào cử động miệng của mẹ đến quên cả khóc).
- Tiếp chuyện với bé: Bé bắt đầu biết “hóng chuyện” từ rất sớm. Mới đầu chúng sẽ “o,e” và nhìn vào khuôn mặt mẹ chờ đợi. Nếu bạn “ê, a” đáp lại, bé sẽ tiếp tục “o,e” thích thú. Chỉ với cách tiếp chuyện đơn giản này, mẹ và bé sẽ có cơ hội giao tiếp với nhau nhiều hơn. Đặc biệt bé sẽ chăm chú để nhại lại.
- Coi bé như người bạn: Mẹ nên giao tiếp với bé một cách tự nhiên và thoải mái. Có thể nói chuyện tâm tình với bé như một người bạn. Bé càng được sống trong môi trường giàu ngôn ngữ sẽ càng nhanh biết nói một cách tự nhiên.
- Mô tả và hướng dẫn bé thực hiện: Khi bé chạm tay vào vật nào đó, bạn có thể mô tả sự vật để bé hiểu và hứng thú. Chẳng hạn khi bé chạm tay vào mũi của mẹ, thử nói với bé: "Đây là mũi của mẹ",…
- Nói với bé hành động của mẹ: Trước khi bế bé, bạn nên giang hai tay và nói: “Để mẹ bế con nào”. Trong lúc thay tã cho bé, mẹ nên nói: “Đây là tã khô. Mẹ sẽ bỏ tã ướt và thay tã khô cho con”... Cách này sẽ khiến bé hiểu được hành động nào sẽ xảy đến khi quan sát cử chỉ của mẹ, chẳng hạn khi mẹ giang rộng tay là sẽ bế bé, khi mẹ đặt bé xuống giường và chuẩn bị tã khô là sẽ chuẩn bị thay tã cho bé…
- Hát và kể chuyện cho bé: Đây được coi là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở bé.
- Đọc sách cho bé: Nên chọn những quyển sách có tranh minh họa rõ nét, nội dung đơn giản và tươi vui. Các bé cần sách có ngôn từ vần điệu (như thơ), dễ hiểu và đa dạng.
Quỳnh Trang