(Tổ Quốc) - Sau nhiều lần đi khám tại bệnh viện địa phương, bác sĩ kê đơn điều trị viêm mũi nhưng tình trạng của bệnh nhi không cải thiện.
Tiểu Ngọc (6 tuổi) là một cô bé sống tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Tiểu Ngọc bắt đầu có dấu hiệu khó thở, xuất huyết mũi. Sau nhiều lần đi khám tại bệnh viện địa phương, bác sĩ kê đơn điều trị viêm mũi nhưng tình trạng của bệnh nhi không cải thiện. Sau đó, cha mẹ quyết định đưa Tiểu Ngọc đến bệnh viện chuyên khoa khám và phát hiện một kết quả khiến nhiều người giật mình.
Bác sĩ Tần Hiểu Văn, chủ nhiệm khoa tai mũi họng, bệnh viện The Affiliated Hospital of Northwest University, cho biết: "Kết quả khám cho thấy khoang mũi của cô bé xuất hiện một dị vật màu trắng và rất cứng. Khi hỏi thăm người nhà về tiền sử bệnh án của bệnh nhi, được biết khoảng 3 năm trước, khi cô bé được hơn 2 tuổi, có một lần cô bé bị ngã từ trên ghế xuống. Thời điểm đó, người cô chăm sóc cô bé thông báo rằng có một chiếc răng đã gãy nhưng không tìm thấy. Khi nghe kể về sự việc 3 năm trước, bác sĩ quyết định chụp CT khoang mũi và phát hiện dị vật chính là chiếc răng thất lạc từ 3 năm trước".
Ngay lập tức, bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhổ chiếc răng đã bám chặt xung quanh niêm mạc mũi của bệnh nhi. Sau khi nhổ chiếc răng "thất lạc" trong khoang mũi, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt.
Bác sĩ Tần Hiểu Văn giải thích: "Chiếc răng đã làm rách khoang mũi của bệnh nhi và lộ ra chân răng 0,5 mm. Chiếc răng làm tắc nghẽn khoang mũi nên khiến bệnh nhi khó thở, gây ra tình trạng xuất huyết niêm mạc mũi nếu vô tình chạm tay vào mũi. Tôi có lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là, khi con bị ngã và gãy răng, nếu bạn không tìm được chiếc răng bị gãy thì nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra nhằm loại trừ trường hợp không may có thể xảy ra".
Dị vật trong mũi nguy hiểm như thế nào?
Hầu hết trường hợp dị vật trong mũi không quá nghiêm trọng và thường xảy ra ở trẻ đang tập đi hay ở độ tuổi từ 1–8. Trẻ nhỏ bắt đầu có khả năng cầm, nắm và nhặt đồ vật từ 9 tháng tuổi nên tình trạng có dị vật trong mũi ít thấy ở trẻ nhỏ hơn độ tuổi này.
Một vật thể lạ bị mắc kẹt trong mũi có khi không gây ra triệu chứng khác thường lúc đầu nhưng vẫn cần được phát hiện và loại bỏ càng sớm càng tốt. Nếu không, dị vật có thể gây nhiễm trùng tại chỗ và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Hơn thế nữa, dị vật trong mũi có khi đi xuống miệng và trẻ sẽ nuốt vào dạ dày hoặc nguy hiểm hơn dị vật có thể rớt vào phổi và gây tắc nghẽn đường hô hấp.
Những dị vật thường mắc kẹt trong mũi là gì?
Mảnh đồ chơi nhỏ.
Cục gôm (tẩy) nhỏ.
Khăn giấy.
Đất sét (đất nặn).
Thức ăn.
Đá cuội.
Bụi bẩn.
Bông tai nam châm.
Pin cúc áo.
Những dấu hiệu và triệu chứng dị vật trong mũi
Chảy nước mũi
Khi có dị vật mắc kẹt trong đường mũi sẽ kích thích niêm mạc mũi tiết chất nhầy, gây chảy nước mũi. Khi đó, nước mũi có thể trong, có màu xám hay có máu. Nếu ngửi thấy mùi hôi từ nước mũi chảy ra thì đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.
Đôi khi, dị vật còn làm trầy xước niêm mạc trong mũi, dẫn đến chảy máu mũi. Thế nhưng, phần lớn trường hợp máu chảy ngược vào trong và bị nuốt xuống họng. Mùi máu thường dễ gây buồn nôn và có thể khiến trẻ nôn ra máu.
Khó thở
Trẻ có thể cảm thấy khó thở khi có dị vật trong mũi. Điều này xảy ra khi vật lạ có kích thước đủ lớn gây tắc nghẽn đường thở, khiến không khí khó di chuyển vào và ra.
Bạn cũng có khi nghe thấy âm thanh như huýt sáo khi trẻ thở bằng mũi. Dị vật làm chặn bớt khoang mũi có khả năng tạo ra âm thanh như vậy.
Theo Kankanews
TÚ UYÊN