(Tổ Quốc) - Người dùng facebook chia sẻ: "Người văn minh phải kiểm soát được hành vi, không vì những dục vọng thấp hèn đó mà đánh mất hình ảnh. Húp ở nhà cũng có thể chấp nhận được nhưng tốt nhất là không nên...". PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đáp trả cực gắt.
Bê cả tô phở lên húp nước là hành vi của kẻ thấp kém, phàm phu tục tử lại gây hại sức khỏe?
Mới đây, mạng xã hội Facebook đang xôn xao thông tin nhận định "Bê cả tô phở lên húp nước thì là hành vi của kẻ thấp kém, phàm phu tục tử". Chủ tài khoản C. đăng tải trong nhóm nội dung như sau:
"Bê cả tô phở lên húp nước thì là hành vi của kẻ thấp kém, phàm phu tục tử.
Người văn minh phải kiểm soát được hành vi, không vì những dục vọng thấp hèn đó mà đánh mất hình ảnh. Húp ở nhà cũng có thể chấp nhận được nhưng tốt nhất là không nên. Húp ở quán ăn hay nơi công cộng thì không bao giờ nên chấp nhận.
Mình tiếp xúc nhiều bạn trẻ, không sống cùng bố mẹ nên chẳng được dạy những thứ cơ bản của một người văn minh. Và còn tệ hơn là bố mẹ cũng chẳng có cái văn minh đó luôn…
Giờ sao? Giờ sao?".
Chỉ sau chia sẻ vài giờ đồng hồ, bài đăng đã nhận được lượng tương tác cực tốt với 1.200 lượt bày tỏ cảm xúc, 1.400 lượt bình luận cùng nhiều chia sẻ. Có thể nói, hành vi bê cả tô phở lên húp nước đang cực kỳ viral trong lúc này.
Bàn về vấn đề văn minh, người viết nhận định hành vi này là của kẻ thấp kém, phàm phu tục tử. Riêng về khía cạnh sức khỏe, hành động ăn phở hết sạch cả nước lẫn cái có nguy cơ nạp nhiều muối vào cơ thể. Thông tin trên Drug & Diet vs Disease - Dietdee năm 2018 dẫn theo một nghiên cứu của trường Đại học Bắc Arizona cho một số món ăn Châu Á, trong đó có món Phở Việt Nam. Lượng sodium trong món phở cao hơn hẳn so với các món ăn khác trong khu vực như Curry xanh của Thái hoặc Labmoo. Một bát phở trung bình chứa 900-1,600mg sodium (muối), tương đương với 1/2 đến 2/3 lượng sodium khuyến cáo sử dụng. Thông tin được cho là hữu ích, một người dùng bình luận: "Từ nay mình ăn phở sẽ ăn cái chứ không húp nước nữa. Cái gì quá cũng không tốt, ăn nhiều muối quá cũng không tốt, sống vì sức khoẻ quá cũng không tốt vì như vậy là đối xử tệ bạc với sở thích của mình và đôi khi làm người bên cạnh cảm thấy khó chịu...".
Thông tin này khiến hành động bê cả tô phở lên húp nước càng đáng bị lên án vừa thiếu văn minh vừa không tốt cho sức khỏe. Thế nhưng chúng ta cùng xem chuyên gia sẽ nói gì nhé!
Ăn phở cả nước lẫn cái vừa tiết kiệm vừa dinh dưỡng, không gây ảnh hưởng sức khỏe như nhiều người nghĩ!
Phản bác lại vấn đề bài đặt ra, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, hành động ăn phở cả cái lẫn nước chẳng có gì là kém văn minh hay nạp nhiều muối cho cơ thể, gây hại sức khỏe...
Đầu tiên là vấn đề văn minh. Việc ăn cả tô phở trọn vẹn cả nước lẫn cái là hành vi của người tiết kiệm, tránh lãng phí. Trong khi đó ở Việt Nam, rất nhiều cô nàng tỏ vẻ sang chảnh, ăn hời hợt vài miếng phở xong để lại toàn bộ. Không chỉ là nước mà còn nhiều cái, bát phở bị bỏ đi vô cùng lãng phí.
"Tôi đi ra nước ngoài, làm việc nhiều với nhiều người trên thế giới, nhất là người Nhật Bản. Người ta ăn uống bao giờ cũng trọn vẹn hết món. Phở thì tất nhiên ăn hết, chỉ trừ chút cặn ở đáy bát thì bỏ đi nghe còn hợp lý, chẳng hiểu sao chúng ta cứ phải ăn thanh cảnh rồi bỏ phí một cách không cần thiết như vậy. Ăn bát phở cả nước lẫn cái cũng chẳng có gì mà bị kêu là hành vi của người thấp hèn. Người Nhật vẫn ăn uống như vậy và con người nơi đó rất văn minh. Còn hành động bê cả bát cũng thế, đó là lựa chọn của riêng mỗi người, tiếp xì xụp khi ăn không nói lên bạn thấp hèn như nhận định đưa ra", chuyên gia nói.
Thứ hai là vấn đề sức khỏe. Ông Thịnh khẳng định: "Không có chuyện ăn phở hết cả nước lẫn cái là khiến cơ thể nạp muối đủ trong ngày hay gây hại sức khỏe như nhiều người đang tin tưởng. Bản thân nước dùng để nấu phở được người bán hàng cho muối vừa vặn, thậm chí nhiều quán còn cho hơi nhạt. Sau đó trên bàn ăn sẽ có tương ớt, nước mắm, dấm hành tỏi... để cho người ăn có thể tự điều chỉnh cho món phở thơm ngon, đậm đà hơn. Đây là tùy theo sở thích của mỗi người. Có thể bát phở bị mặn hơn do cho nhiều nước mắm, tương ớt theo sở thích của một số người nhưng một bát phở được nấu ra bình thường (trừ người nấu vụng) luôn có thể ăn hết cả nước lẫn cái an toàn, không gây ra lượng muối cao như nhiều người nghĩ", chuyên gia khẳng định.
Điều này cũng tương tự với việc ăn rau luộc, có người không cần chấm, có người cần có bát nước mắm bên cạnh. 2 kiểu người này cùng xuất hiện trên mâm cơm. Nói chung, ăn thêm muối hay không là do nhu cầu của bạn.
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, nước phở không nên đổ đi vì đây là phần nước tinh túy nhất, được hầm từ xương, rất thơm ngon, bổ dưỡng. Nếu không dùng đến thì bạn đã vứt bỏ đi một lượng nước giàu dưỡng chất cho cơ thể chứ không phải bỏ một đống muối ra khỏi cơ thể như nhiều người đang nghĩ. Còn nếu không muốn bê cả bát lên húp thì bạn có thể dùng thìa ăn cơ mà, phải vậy không?
TH