(Tổ Quốc) - Những dấu mốc phát triển ngôn ngữ của cậu bé khiến nhiều người bất ngờ.
Bé 8 tháng tuổi biết nói, 22 tháng tuổi đọc thơ theo ngữ cảnh
Vì biết nói từ lúc 8 tháng tuổi nên khả năng diễn đạt của bé Phạm Việt Long (tên thân mật là Vic) vô cùng linh hoạt.
Hiện tại, Vic đã là cậu bé 15 tuổi và được mẹ, chị Lưu Thị Minh Hường, thạc sĩ giáo dục- ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục sớm CERD kể lại câu chuyện trên.
Nhiều ông bố, bà mẹ tỏ ra bất ngờ trước những dấu mốc phát triển ngôn ngữ của Vic như một Thánh Gióng nhưng với chị Hường, đó là hành trình kết nối ngôn ngữ của mẹ và con ngay từ khi mang bầu.
Chị nhớ lại: "Từ khi bé ở trong bụng mẹ, mình thường xuyên nói chuyện, tâm sự với con về mọi điều đang xảy ra. Đồng thời, mình cũng hay âu yếm, ôm ấp, tạo cảm giác an toàn tích cực cho con. Bé gắn kết và tin tưởng mình. Khi cảm nhận thế giới bên ngoài đủ an toàn, trẻ sẽ sẵn sàng tự tin khám phá thế giới xung quanh. Mình cũng cho bé thường xuyên được trải nghiệm nhiều thứ khác nhau và mô tả lại. Chính vì thế, bé có sự liên hệ giữa những điều đó với ngôn ngữ".
Cũng nhờ vậy, ngay từ hơn 3 tháng tuổi, Vic đã thể hiện khả năng hiểu ngôn ngữ. Vì là người chuyên môn mầm non nên bà mẹ này hiểu về sự phát triển của trẻ theo độ tuổi. Chị Hường thường xuyên quan sát và ghi chép sự phát triển của con trong nhật ký nuôi dạy con.
Với bản thân chị, khi nhìn lại thì mình thấy việc con biết nói sớm không phải là một điều gì quá thần kỳ, nó là một hành trình mẹ cung cấp môi trường ngôn ngữ tích cực và con tích lũy từng ít một cho đến khi đủ lượng thì sẽ đổi về chất.
Từ nhỏ, Vic đã có nhiều trải nghiệm thú vị.
Trong nhật kí của mình, chị viết:
"Ngày 12/1/2008- Vic được 4 tháng 8 ngày: Mỗi ngày Vic học thêm được vài từ mới. Con đã nhớ thêm được từ: cá, mèo, chó. Việc học từ mới với con dễ dàng hơn cả việc dạy một số người lớn học ngoại ngữ.
Con cũng rất hay bắt chước động tác của người lớn. Hôm nay, bà ngoại cho con chơi đồ chơi có còi để thổi. Bà cho còi vào mồm và thổi ra tiếng tu tu. Bà thấy con hứng thú liền đặt chiếc còi vào miệng con thế là con cũng thổi. Cả nhà đều nghe rõ là con thổi vì tuy nhỏ nhưng chiếc còi cũng tạo ra tiếng tu tu. Ở độ tuổi 4 tháng, nếu cho thứ gì vào miệng trẻ thì trẻ sẽ ngậm hoặc mút như đang bú, vậy mà con thì lại biết thổi ra thành tiếng.
Ngày 25/1/2008- Vic được 4 tháng 21 ngày: Con đã có thể tự làm theo những mệnh lệnh đơn giản của mẹ. Mẹ đưa cho con một tờ bìa nhỏ và bảo con: "ú oà đi Vic". Thế là con giơ nó lên che và kéo ra khỏi mặt theo tiếng ú oà của mẹ.
Mùng 4 Tết- Vic được 5 tháng 6 ngày: Trong những ngày Tết này con được đi nhiều và gặp gỡ nhiều người. Con đã biết giơ tay vẫy chào mọi người khi mẹ bảo dù động tác còn ngượng nghịu và không phải lúc nào con cũng làm theo đề nghị. Các bài tập cho đôi tay mà mẹ và con vẫn chơi đã phát huy tác dụng. Con vẫn thường cố gắng làm theo mẹ khi mẹ chơi trò: "open shut them"- con biết mở, nắm tay và vẫy tay. Khả năng làm động tác vẫy chào này là của trẻ 8 tháng nhưng mẹ đã dạy được con làm khi con mới được 5 tháng mấy ngày. Như vậy là cũng khá đấy chứ!
Lúc 5 tháng rưỡi, Vic đã biết tự chơi ú oà. Buổi sáng con ngủ dậy trước anh Ted, con không khóc mà nằm tự chơi và ô a gọi anh.
8 tháng tuổi, con biết nói những từ đầu tiên. Con biết gọi "mẹ" đúng lúc, đúng ngữ cảnh chứ không phải là bập bẹ phát âm. Bé bắt chước được một số âm khác mà bé nghe hoặc nói lại âm người lớn nói.
Khoảng 1 tuổi, con đã nói được cả câu.
Một điều nữa mà mình cũng hay làm đó là đọc thơ, đọc sách, kể chuyện cho con nghe. Từ 18 tháng tuổi, mỗi ngày mẹ dẫn Vic đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ quanh khu nhà. Đó là khu dân cư ven đô, nơi có triền đê với bãi cỏ dài, nhiều cây cối, con vật và nhiều cảnh sắc khác. Với mỗi một thứ mẹ nhìn thấy, mẹ đều chỉ cho bé thấy rồi gọi tên nó lên. Để con thực sự để ý đến vật đó, mẹ thậm chí còn đọc một bài thơ hoặc đồng dao về thứ đó để bạn ấy nghe.
Những gì mẹ áp dụng với bạn ấy giờ đã tỏ rõ tác dụng. Khi 22 tháng, đi trên đường Vic nhìn thấy chùm bưởi với những trái tròn căng lủng lẳng ở nhà hàng xóm. Con đọc luôn câu thơ của Trần Đăng Khoa: "Hàng bưởi đu đưa, bế lũ con đầu tròn trọc lốc". Khi chơi bột nặn playdough, bạn ấy dùng chiếc ép tỏi ép cho bột mì dài ra thành các sợi thả xuống dưới. Chàng ta lại xuất khẩu thành thơ: "Rồng phun nước bạc, là chiếc máy bơm". Lúc này mẹ hiểu, con có khả năng kết nối các kinh nghiệm và liên tưởng tốt. Sự kết nối này được phát triển dựa vào việc mẹ vẫn luôn kết nối các bài thơ với các trải nghiệm nhìn, sờ, nghe, ngửi nếm trước đây cho con".
Trẻ được dạy ngôn ngữ từ sớm có sự phát triển IQ, EQ và SQ vượt bậc
Nhiều năm nghiên cứu và phát triển giáo dục sớm, chị Hường khẳng định, trẻ được dạy ngôn ngữ từ sớm sẽ có khả năng nhận biết và hiểu các kiến thức, kỹ năng dễ dàng hơn.
Các nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra, chất lượng và số lượng từ vựng chúng ta nói ra hằng ngày với trẻ sẽ tỉ lệ thuận với chỉ số IQ của trẻ. Những trẻ cha mẹ nói chuyện nhiều và thường xuyên với con chỉ số IQ sẽ tăng hơn.
Những trẻ có ngôn ngữ phát triển từ sớm cũng sẽ dễ dàng tổng hợp quy luật đối với ngôn ngữ và sáng tạo những cách dùng từ mới, những cách kết hợp mới của câu từ tạo nên những tác phẩm mới. Điều này cũng góp phần giúp chỉ số sáng tạo của trẻ được tăng cường.
Thời điểm 26 tháng tuổi, bé Vic đã biết chơi chữ khi đọc 1 loạt các câu:
Vic đi ra ngoài Vic nhìn thấy cô Tây
Vic đi ra ngoài Vic nhìn thấy chú Tây
Vic đi ra ngoài Vic nhìn thấy bà Tây
Vic đi ra ngoài Vic nhìn thấy ông Tây
Vic đi ra ngoài Vic nhìn thấy Hồ Tây
Hoặc khi bé nhìn thấy bất kỳ hình ảnh nào gợi nên một câu thơ nào đó, Vic sẽ đọc câu thơ mà bạn ấy đã thuộc từ trước lên.
Nếu hỗ trợ bé phát triển theo hướng này, cảm xúc dạt dào của trẻ, chắc chắn sẽ giúp con sáng tạo ra nhiều áng văn thơ thú vị.
Khi trẻ chưa biết nói và diễn đạt được bản thân mình, trẻ sẽ thường hay bực bội và cáu gắt vì mọi người không hiểu ý trẻ. Nếu có khả năng diễn đạt bản thân mình bằng cách này hay cách kia, trẻ sẽ giảm thiểu sự cáu giận đó, vì những yêu cầu, mong muốn của trẻ được người lớn đáp ứng đúng. Trẻ cũng sẽ hợp tác, vui vẻ và gắn kết tốt hơn với người chăm sóc, do đó tăng cường chỉ số cảm xúc và giao tiếp xã hội.
Minh Nguyệt