Bé 8 tháng tuổi ăn nửa quả trứng hấp, chưa đầy nửa ngày sau đã nổi mẩn đỏ khắp người

(Tổ Quốc) - Trứng là thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất, trẻ nhỏ hầu như rất thích ăn, nhưng cho ăn sai cách có thể khiến bé bị dị ứng.

Cô bé Quyên Quyên đã được hơn 8 tháng tuổi. Một ngày, bà ngoại Quyên Quyên ở quê lên chơi có mang theo một túi trứng gà, bà nói gà nhà nuôi nên trứng rất tươi ngon, để dành cho cháu gái.

Mẹ Quyên Quyên có dặn bà ngoại rằng trứng rất dễ gây dị ứng, bà chỉ cho cháu ăn lòng đỏ trứng thôi. Nhưng khi mẹ bé đi làm, bà ngoại đã hấp cho cháu ăn nửa quả trứng có cả lòng trắng vào buổi sáng. Chưa đầy nửa ngày sau, vào khoảng buổi trưa, cả người Quyên Quyên bắt đầu nổi mẩn đỏ và bị tiêu chảy. Đưa đi bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nói bé gái bị dị ứng với trứng.

Về nhà, mẹ Quyên Quyên đã rất tức giận với bà ngoại. Nhưng bà ngoại cho rằng không phải do trứng, bà còn nói có đứa cháu họ ăn trứng từ 5 tháng tuổi có sao đâu. Trứng rất bổ dưỡng, cứ cho cháu ăn đi.

Bé 8 tháng tuổi ăn nửa quả trứng hấp, chưa đầy nửa ngày sau đã nổi mẩn đỏ khắp người - Ảnh 1.

Những nốt mẩn đỏ xuất hiện khắp người Quyên Quyên sau khi bé ăn trứng nửa ngày.

Trên thực tế, nhiều người thường cho trẻ bắt đầu ăn dặm làm quen với việc ăn lòng đỏ trứng. Trứng rất giàu protein, phospholipids, vitamin A và các chất dinh dưỡng khác. Trứng gần như là món ăn xuất hiện trong thực đơn ăn dặm của mọi đứa trẻ.

Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều quan niệm khác nhau về việc cho trẻ nhỏ ăn trứng. Có người cho rằng không nên cho trẻ ăn trứng trước 1 tuổi vì nó có thể gây dị ứng. Có quan niệm lại cho rằng có thể cho trẻ ăn lòng đỏ trứng, trên 1 tuổi thì mới cho ăn cả lòng trắng trứng.

Trứng là thực phẩm rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ nhưng cho trẻ làm quen với trứng quá sớm có thể khiến bé khó tiêu, thậm chí gây dị ứng.

Khi nào bé có thể ăn trứng?

Lòng đỏ trứng: Có thể bắt đầu cho bé ăn lòng đỏ trứng khi bé được 7-9 tháng tuổi. Để để phòng nguy cơ dị ứng với trứng, có thể cho bé ăn lần đầu khoảng 1/4 lòng đỏ trứng gà và quan sát xem bé có phản ứng gì không. Nếu không, có thể tăng dần số lượng lòng đỏ trứng qua các bữa ăn, lên 1/2 rồi cả lòng đỏ.

Nếu bé có một số biểu hiện như phát ban, nổi mề đay, nôn mửa, tiêu chảy, nên dừng ăn lòng đỏ trứng ngay vì bé đã bị dị ứng với trứng. Ngoài ra, cũng không nên cho bé ăn bất cứ món gì có thành phần là trứng khác. Các triệu chứng dị ứng ở mỗi trẻ là khác nhau và mức độ cũng khác nhau, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm vì có bé dị ứng rất nghiêm trọng.

Bé 8 tháng tuổi ăn nửa quả trứng hấp, chưa đầy nửa ngày sau đã nổi mẩn đỏ khắp người - Ảnh 2.

Lòng trắng trứng: Không nên cho bé dưới 1 tuổi ăn cả quả trứng vì ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, thành ruột rất mỏng, protein trong lòng trắng trứng là albumin, nó có phân tử có thể xâm nhập trực tiếp vào máu của bé qua thành ruột, dễ dàng gây ra một số bện dị ứng như nổi mề đay, viêm phế quản, khò khè, hen suyễn.

Ngoài ra, do hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên protein trong lòng trắng trứng sẽ gây ra gánh nặng cho đường tiêu hóa.

Cho trẻ ăn trứng đúng cách tránh nguy cơ dị ứng

Cho trẻ làm quen với các thực phẩm lành mạnh khác khi bắt đầu độ tuổi ăn dặm như củ, quả (bí đỏ, cà rốt, khoai lang...). Sau đó đợi đến khi bé khoảng 7 - 8 tháng tuổi trở lên mới cho trẻ ăn thử trứng, ăn lòng đỏ trước và thử từng chút một. Sau 1 tuổi mới nên cho bé ăn lòng trắng trứng.

Với trẻ có cơ địa dị ứng hoặc gia đình có tiền sử dị ứng, việc cho trẻ làm quen với trứng cũng nên bắt đầu sau 1 tuổi và nên làm quen ít một.

Bé 8 tháng tuổi ăn nửa quả trứng hấp, chưa đầy nửa ngày sau đã nổi mẩn đỏ khắp người - Ảnh 3.

Trẻ trên 1 tuổi có thể ăn cả quả trứng (Ảnh minh họa).

Trẻ bị ốm không nên ăn trứng?

Một số người quan niệm rằng khi trẻ bị ốm không nên cho ăn trứng. Đây là quan niệm không có cơ sở. Khi bé ốm, điều đặc biệt cần thiết là cung cấp protein cũng như các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Nếu trẻ thích ăn trứng và ăn được trứng, trứng vẫn là một lựa chọn tốt và dễ hấp thu cho bữa ăn của trẻ. Lưu ý khi chế biến trứng, đảm bảo trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Súp trứng, cháo trứng, trứng luộc... là những món ăn mẹ có thể nấu cho bé.

Lượng trứng cho trẻ ăn bao nhiêu là đủ?

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, tuy trứng là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều, vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm trẻ dễ bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá. Tuỳ theo tháng tuổi mà cho trẻ ăn số lượng khác nhau:

Trẻ 7 - 8 tháng tuổi: chỉ nên ăn ½ lòng trứng đỏ trứng gà/bữa, có thể ăn 2 - 3 lần/tuần.

Trẻ 8 - 12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, có thể ăn 3 - 4 bữa trứng 1 tuần.

Trẻ 1 - 2 tuổi: nên ăn 3 - 4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng.

Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu trẻ thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.

MM

Tin mới