(Tổ Quốc) - Việc sử dụng vô tội vạ các loại thuốc không rõ thành phần đã khiến cho em bé này bị nhiễm độc chì nặng.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Hồ Nam, Trung Quốc tiếp nhận một bé trai 6 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng bị co giật suốt 20 ngày. Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện hàm lượng chì trong máu của em bé vượt quá tiêu chuẩn, chẩn đoán bị nhiễm độc chì.
Việc một đứa trẻ 6 tháng tuổi, bú sữa mẹ hoàn toàn lại bị nhiễm độc chì khiến cho bác sĩ cảm thấy khó hiểu. Sau khi tìm hiểu từ phía gia đình, bác sĩ Trần biết được rằng, bé trai này bị chàm 2 bên nách và bẹn khi mới 15 ngày tuổi. Lúc này, bố mẹ em bé nghe hàng xóm mách có một bài thuốc dân gian là bột Hoàng Đan (hay Hoàng Đơn) trị được bệnh chàm. Thế là họ đã bôi thuốc này cho em bé suốt 4 tháng liền, khiến em bé bị nhiễm độc chì.
Bác sĩ Trần của bệnh viện Hồ Nam cho biết: "Thành phần chính của bột Hoàng Đan là chì tetroxide. Chất này có thể giải độc, giảm ngứa nếu bôi ngoài da. Tuy nhiên, chì là một nguyên tố độc hại, da trẻ sơ sinh lại quá mỏng manh, việc bôi trong thời gian dài như vậy dẫn đến nhiễm độc chì là điều khó tránh khỏi. Khi trẻ bị nhiễm độc chì, hàm lượng chì trong máu trên 100ug/L sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là hệ thần kinh, liên quan đến trí tuệ và hành vi của trẻ sau này".
Sau khi được điều trị tích cực, tình trạng của em bé đã cải thiện đáng kể. Bác sĩ Trần nhắc nhở bố mẹ có con nhỏ không nên tự tiện sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa rõ thành phần. Khi trẻ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời chẩn đoán và chữa bệnh chính xác để tránh làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ nghiêm trọng như thế nào?
Theo báo cáo của Unicef năm 2020, khoảng 1/3 trẻ em trên thế giới hiện nay có hàm lượng chì trong máu trên 5ug/L. Nếu cứ tăng 100ug/L chì trong máu của trẻ thì chỉ số IQ sẽ giảm đi 6,67 điểm. Hơn nữa, nhiễm độc chì sẽ làm tổn thương hệ thần kinh, da, hệ tiêu hóa, khoang miệng của trẻ.
Trên thực tế, chì có ở khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta như không khí, đất, nước, đồ chơi kém chất lượng.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng nếu tiếp xúc với chì sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng. Vì trẻ còn quá nhỏ nên quá trình chuyển hóa trong cơ thể vẫn chưa hoàn thiện, tỷ lệ hấp thụ chì gấp 5 lần người lớn nên dễ bị nhiễm độc chì.
Để tránh trẻ nhỏ tiếp xúc với chì, bố mẹ cần chú ý một số điều:
- Chú ý các loại sơn khi trang trí nhà, mua vật liệu trang trí thân thiện với thiên nhiên, không chứa chì.
- Rửa tay thường xuyên, hạn chế để trẻ cho tay vào miệng, không để trẻ có thói quen ngậm vật lạ.
- Không tiêu thụ những loại thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm độc chì cao.
- Không mua đồ chơi kém chất lượng cho trẻ.
- Tăng cường chế độ ăn uống cân bằng để trẻ có đủ hàm lượng canxi, kẽm, sắt… Những chất này có thể làm giảm bớt đi độc tính của chì.
- Tránh lạm dụng mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay... trong quá trình mang thai.
- Không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
- Vệ sinh đồ chơi cho trẻ thường xuyên.
- Không sinh sống ở những khu vực có nguy cơ nhiễm chì công nghiệp cao.
Nguồn: Sunnews, Sohu
PHAN HIỀN