(Tổ Quốc) - Nhìn những vết bầm tím trên người đứa trẻ, bác sĩ không khỏi bàng hoàng và tức giận khi biết được nguyên nhân là từ người bà.
Trong quá trình chăm sóc cháu, một số ông bà luôn tin vào kinh nghiệm dân gian của mình sẽ có hiệu quả trong việc điều trị bệnh. Thậm chí có người tin tưởng một cách mù quáng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho đứa trẻ, chẳng hạn như trong trường hợp sau đây.
Bệnh viện Trung Sơn, ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc mới tiếp nhận một ca cấp cứu là bé trai 1 tuổi, nhập viện trong tình trạng có nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Nhận ra đây không phải là những vết bầm tím thông thường do bệnh tật, bác sĩ đã tìm hiểu sự việc và phát hiện ra sự thật. Bác sĩ tức giận nói gia đình này thiếu hiểu biết, gây nguy hiểm đến tính mạng đứa trẻ.
Hóa ra, ban đầu đứa trẻ bị sốt, co giật, bà nội phát hiện và nghĩ rằng, cháu mình bị trúng gió nên đã dùng cách của người xưa truyền lại, đó là cạo gió để chữa trị. Dưới lực cạo của người lớn, làn da mỏng manh của đứa trẻ đỏ ứng rồi nhanh chóng bầm tím. Mặc dù đứa trẻ khóc lớn thảm thiết, nhưng người bà vẫn không dừng lại cho tới khi cha mẹ đứa trẻ ngăn cản và bế đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, người bà còn tỏ thái độ không tin tưởng, vẫn nghĩ cạo gió thêm vài lần là cháu sẽ khỏi. Sau khi bị bác sĩ quở trách vì thiếu hiểu biết, làm nguy hiểm đến tính mạng cháu của mình, người bà lớn tiếng nói: "Tôi chỉ muốn cứu cháu của mình".
Tuy nhiên, phương pháp của người bà không những không giúp cháu mình hạ sốt mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Da của đứa trẻ bị tổn thương trên diện rộng, tình trạng bệnh xấu đi rất nhiều. May mắn là sau khi được bác sĩ cấp cứu, sức khỏe của bé trai dần ổn định.
Bác sĩ cho biết, cạo gió là phương pháp được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trên thực tế, trong y học Trung Quốc cũng có kỹ thuật cạo gió, nhưng nó không có nghĩa là muốn cạo ở đâu, cạo cho ai cũng được. Phương pháp này cần phải xoa bóp các huyệt đạo, cường độ và lực ở tay cũng phải được điều chỉnh vừa phải mới phát huy được tác dụng của việc cạo gió.
Tuy nhiên, cạo gió là một kỹ thuật chưa được khoa học kiểm chứng, chỉ lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Việc người bà tự ý chữa bệnh theo ý muốn đã vô tình làm tổn thương tới làn da, làm nặng thêm tình trạng bệnh của đứa trẻ. Trường hợp nặng có thể làm hỏng da, khí huyết không thông, làm giãn mạch ngoại vi dễ dẫn tới nhiễm phong hàn, thậm chí là tử vong. Mặc dù người bà có ý tốt, nhưng cách làm sai lại vô tình hại cháu mình.
Khi trẻ bị ốm đau, cha mẹ không nên hành động bừa bãi dựa trên kinh nghiệm cá nhân hoặc từ người khác, nếu không làm đúng cách sẽ chỉ làm nặng thêm tình trạng bệnh của đứa trẻ.
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ cần làm gì?
Khi con ốm, tốt nhất cha mẹ nên hỏi ý kiến của những người có chuyên môn như y tá hoặc bác sĩ và nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp sau đây:
- Nếu trẻ trên 3 tháng tuổi, có thể cho uống một lượng thuốc hạ sốt acetaminophen (Tylenol) theo liều lượng được chỉ định. Trường hợp trẻ không khó chịu, quấy khóc vì sốt, bạn có thể không cần cho trẻ uống thuốc. Trong trường hợp sốt cao, cùng các triệu chứng khác khiến trẻ khó chịu, việc uống thuốc hạ sốt có thể khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Mặc đồ thoáng mát, rộng rãi cho trẻ, hoặc chỉ sử dụng tấm trải giường, chăn mỏng để giữ cho trẻ thoải mái và dễ chịu. Mặc áo quần quá nhiều có thể cản trở các phương pháp hạ nhiệt tự nhiên của cơ thể trẻ.
- Giữ nhiệt độ phòng luôn mát mẻ.
- Cho trẻ uống nhiều nước, sữa... để bổ sung lượng chất lỏng cần thiết cho cơ thể.
- Khi sốt quá cao, có thể tắm nước ấm vì khi nước bốc hơi sẽ làm giãn mạch máu, giúp làm mát cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần điều chỉnh nhiệt độ nước phải thấp hơn thân nhiệt của trẻ 3 độ C, thực hiện trong phòng kín gió, lau khô kỹ cơ thể trẻ, tránh tắm quá lâu.
Nguồn: Sohu, Healthline
PHAN HIỀN