(Tổ Quốc) - Trong ngày rằm tháng Giêng, gia đình có đeo 5 chiếc nhẫn vàng tròn, trơn lên 5 ngón tay của em bé.
Trẻ nhỏ chưa có nhận thức đầy đủ nên bé dễ gặp tai nạn với những đồ vật xung quanh. Nếu cha mẹ bất cẩn, chủ quan, nguy hiểm có thể ập đến với con bất cứ lúc nào.
Ngày 26 tháng 2 vừa qua là ngày rằm tháng giêng âm lịch, theo quan niệm của người Trung Quốc đó là ngày Tết Đoàn Viên. Có một em bé mới 1 tháng tuổi tên Khả Khả (tên đã được thay đổi) ở Mậu Danh, Quảng Đông (Trung Quốc) đã gặp tai nạn với chiếc nhẫn vàng mà bố mẹ bé đeo vào tay cho con. Tai nạn nghiêm trọng thậm chí còn suýt gây ảnh hưởng đến tính mạng của đứa trẻ.
Trong ngày rằm tháng Giêng, gia đình có đeo 5 chiếc nhẫn vàng tròn, trơn lên 5 ngón tay của em bé. Với ngụ ý mong mang lại điều may mắn cho đứa trẻ. Đây là một phong tục truyền thống ở địa phương.
Trong lúc chơi đùa với em bé, một người thân trong gia đình vô tình cầm tay đứa trẻ và làm rơi một chiếc nhẫn vào miệng em bé. Không may đứa trẻ lại nuốt vào gây hóc dị vật nghiêm trọng.
Gia đình bé vội vàng thực hiện các biện pháp sơ cứu như vỗ lưng, ấn ngực nhưng đều không có hiệu quả. Họ lập tức đưa con đến bệnh viện, kết quả chụp X-quang cho thấy chiếc nhẫn nằm ở phía trên thực quản.
Chiếc nhẫn vàng mắc trong ống tiêu hóa của em bé.
Em bé còn quá nhỏ mới 1 tháng tuổi nên việc lấy dị vật ra không hề đơn giản. Bệnh viện địa phương quyết định chuyển đứa trẻ lên bệnh viện tuyến trên. Tại đây em bé đã được đưa vào phòng mổ cấp cứu, chiếc nhẫn vàng được các bác sĩ gắp ra nhanh chóng bằng phương pháp nội soi thực quản dưới.
Sau khi chiếc nhẫn được gắp ra, các bác sĩ kiểm tra kỹ thực quản của Khả Khả. Vì em bé còn rất nhỏ, niêm mạc thực quản còn mỏng và yếu ớt nên không tránh khỏi bị tổn thương. Cũng may những tổn thương ấy không quá nghiêm trọng, không bị rách hoặc xuất huyết niêm mạc. Lúc đó gia đình Khả Khả mới thở phào nhẹ nhõm về sức khỏe của con.
Trẻ em nuốt phải dị vật có thể gây tử vong
Các bác sĩ chỉ ra rằng trẻ nhỏ chưa có nhận thức về nguy hiểm nhưng lại rất thích khám phá những thứ mới lạ xung quanh. Và đặc biệt trẻ thường dùng miệng để cắn, ngậm những thứ chúng thấy lạ lẫm. Do đó các tai nạn hóc dị vật rất dễ xảy ra, nhiều nhất ở lứa tuổi 1 - 5 tuổi. Nếu trẻ sơ sinh hóc dị vật thì mức độ trở nên đặc biệt nguy hiểm vì cơ thể bé còn yếu ớt, dễ dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng.
Đường kính thực quản của trẻ nhỏ rất bé, đặc biệt là trẻ sơ sinh chỉ từ 6 - 8mm, nguy cơ mắc dị vật rất cao. Niêm mạc thực quản mỏng và mềm, dễ bị hoại tử, xuất huyết khi tiếp xúc với dị vật. Quá trình xử lý không cẩn thận cũng dễ gây thủng ống tiêu hóa và dị vật có thể rơi vào khí quản gây ngạt thở, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong.
Phòng ngừa là điều tối quan trọng
- Các bác sĩ nhắc nhở để tránh trường hợp trẻ nuốt nhầm dị vật thì phòng ngừa là công tác quan trọng nhất. Cha mẹ cần tăng cường giám sát trẻ, không nên để những đồ vật nhỏ như đồng tiền xu, kẹp tóc, pin, ốc vít… trong tầm tay của con. Ngoài ra những vật sắc nhọn có thể khiến con bị thương cũng phải đặt càng xa con càng tốt. Cha mẹ không nên cho con đeo nhẫn, vòng, dây chuyền, tránh trường hợp trẻ cho vào miệng gây hóc dị vật.
- Khi trẻ ăn uống, cần luyện tập cho trẻ thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không nô đùa, chạy nhảy trong lúc ăn. Đối với trẻ nhỏ cơ hàm chưa phát triển, khả năng nhai kém thì không nên cho bé ăn các loại thức ăn dễ gây hóc như hạt đậu, lạc và một số loại thức ăn khó nhai khác.
- Cha mẹ phải quan sát kỹ các hiện tượng lạ có thể xảy ra ở con. Trẻ lớn hơn biết mô tả sự khó chịu, lạ thường ở chúng nhưng trẻ nhỏ hơn thì không thể làm được. Nếu thấy trẻ bị nôn ọe, tăng tiết nước bọt ở miệng, phun bong bóng… thì cha mẹ hãy nhanh chóng kiểm tra. Nếu con bị hóc dị vật, việc cha mẹ cần làm là phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Tú Cầu