(Tổ Quốc) - Trong thời gian mang thai, tâm lý của mẹ cũng sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
Khi mang thai, mẹ bầu sẽ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi của cơ thể từ sức khoẻ cho đến tâm lý, tính cách. Thực đơn ăn uống, chế độ tập luyện của người mẹ sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới thai nhi. Nhiều người thường trêu ''lúc bầu mà hay cáu gắt thì con sinh ra mặt mũi, tính tình cũng y chang'', tưởng chỉ đùa vui nhưng lại có cơ sở khoa học.
Rất nhiều mẹ bầu đối mặt với những căng thẳng trong thai kỳ do lo lắng cho sự phát triển của con, do mệt mỏi, ốm nghén, đau nhức cơ thể và những vấn đề xung quanh cuộc sống hàng ngày. Mức độ căng thẳng cao kéo dài trong một thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, như huyết áp cao và bệnh tim.
Khi mang thai, căng thẳng quá mức có thể làm tăng nguy cơ sinh non (sinh trước 37 tuần mang thai) hoặc em bé nhẹ cân, trẻ sinh ra quá sớm hoặc quá nhỏ có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe.
Dưới đây là những tác hại cho con nếu mẹ thường xuyên có cảm giác tiêu cực:
- Trẻ kém thông minh nếu bà bầu hay cáu gắt: Nếu mẹ bầu thường xuyên cáu gắt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ và khả năng tập trung.
- Gia tăng nguy cơ mắc chứng tăng động: Nếu trong thai kỳ, mẹ bầu bị căng thẳng, cơ thể liên tiếp sản sinh ra cortisol và dolpamine, hai loại hoóc-môn gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm cho mẹ trở nên bồn chồn, kích động.
- Trẻ dễ mắc chứng rối loạn hành vi: Nhiều thống kê đã khẳng định mẹ bầu gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý trong tam cá nguyệt cuối cùng thường có nguy cơ sinh con bị rối loạn hành vi cao gấp 2 lần so với bình thường.
- Hình thành nên tính cách tự ti, lãnh đạm của trẻ: Nhiều năm nghiên cứu từ các chuyên gia đã rút ra kết luận tâm trạng của mẹ bầu trong 9 tháng mang thai có ảnh hưởng rất lớn đối với tính cách của trẻ sau khi sinh.
- Thiếu oxy máu: Mẹ mang thai bị stress dễ làm thiếu oxy máu của thai nhi, ảnh hưởng tới các thành tố hóa học của máu và dinh dưỡng thai nhi có thể gây ra các dị tật ở thai nhi.
- Chậm nói: Nghiên cứu trên những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, các nhà khoa học thấy có một mối liên quan với mẹ khi mang thai. Ước tính có khoảng 15% trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là do mẹ bị rối loạn tâm trạng trong thai kỳ.
Người ta cho rằng, sự trầm cảm, lo âu của mẹ làm giảm các hoạt động như ăn uống, nghỉ ngơi. Điều này gây thiếu hụt các chất cần thiết cho phát triển thần kinh của thai nhi khiến bé chậm nói.
Vì những lý do trên mà các mẹ bầu hãy cố gắng giữ cho mình tinh thần thật thoải mái, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ để đảm bảo tốt nhất cho sức khoẻ của cả mẹ bầu và em bé nhé!
San San