(Tổ Quốc) - Khu chợ nằm tại phía Tây Ấn Độ này khiến mọi người kinh ngạc khi là nơi giao dịch buôn bán kim cương lớn nhất thế giới. Với khoảng 3.000 lượt giao dịch mỗi ngày nhưng hình thức mua bán lại đơn giản không khác gì các chợ trời thường gặp khác.
Mahidharpura (thành phố Surat thuộc phía tây Ấn Độ) được xem là thủ đô kim cương của toàn thế giới. Nơi đây khiến những người biết tới phải trầm trồ kinh ngạc vì buôn bán giao dịch kim cương như một khu chợ trời bình thường.
Tuy không sở hữu mỏ kim cương khổng lồ nhưng Mahidharpura lại nổi tiếng bởi những bàn tay chế tác kim cương thành thục. Tập hợp những viên kim cương, các người thợ lành nghề tại Mahidharpura sẽ chế tác kim cương thành phẩm và giao bán tới tất cả các nước phát triển khác.
Chính vì vậy, theo thống kê có tới hơn 90% kim cương thô trên thế giới sẽ được tập trung tại khu chợ Mahidharpura tại thành phố Surat này để được đánh bóng, mài giũa và chế tác.
Những viên kim cương khi tới tay người thợ sẽ bao gồm thêm một mảnh giấy nhỏ. Trong mảnh giấy này sẽ ghi chi tiết giá trị của viên kim cương, trọng lượng. Sau đó, sản phẩm sẽ được thợ lành nghề đánh bóng và chế tác bằng các công cụ đơn giản để làm nổi bật mặt kim cương. Khi được đánh bóng cẩn thận, sản phẩm hoàn thiện có thể phản chiếu ánh sáng như những lăng kính.
Lúc này, viên kim cương bán ra sẽ được đi kèm theo một bảng chứng nhận nằm bên dưới. Người phân phối của khu chợ sẽ nhận kim cương để giao dịch ra bên ngoài. Thông thường, mỗi người phân phối ở đây đều đã giao dịch số kim cương trị giá ít nhất 1 triệu USD (hơn 23 tỷ). Dù vậy, những giao dịch giữa người mua và người bán đều rất thô sơ như tại các khu chợ trời bình thường khác, không có cửa hàng lớn, bảo mật, camera hay bảo vệ dưới bất cứ hình thức nào.
Nếu ghé tới khu chợ này, nhiều người sẽ phải bất ngờ khi thấy xuất hiện hàng loạt những căn phòng chế tác kim cương nằm dọc dãy đường đi của khu chợ. Người chế tác sẽ kiểm tra hàng ngay trong ngôi nhà lụp xụp ven đường hoặc chỉ trên một chiếc chiếu trải ở mặt đất.
Dẫu vậy, khu chợ hàng ngày vẫn tiếp đón tới hơn 3.000 lượt giao dịch lớn nhỏ khác nhau. Những người tới đây đều mang theo những viên kim cương thô có giá trị hàng chục ngàn đô mà chỉ cất trong túi quần.
Những người thợ tại khu chợ Mahidharpura cũng có tuổi đời rất trẻ vì độ tuổi bắt đầu làm việc hợp pháp tại Ấn Độ là 15. Tuy nhiên, cũng không thiếu những người thợ lành nghề cao tuổi được bắt gặp đang làm việc tại khu chợ này.
Nghề chế tác kim cương bắt đầu nở rộ tại thành phố Surat từ những năm 70 của thế kỷ 20. Hệ thống làm việc ở đây hoạt động dựa trên niềm tin và không hề có giấy tờ chính thức.
Theo Timesofindia
NuNu