(Tổ Quốc) - Covid-19 đã mang theo bao nhiêu thông tin tiêu cực đến mỗi ngày. Nhưng tin tức tốt lành, cái nhìn lạc quan và yêu thương, tinh thần đùm bọc cùng lúc vẫn lan tỏa mạnh mẽ. Động lực để chúng ta tin sẽ chiến thắng trong trận chiến với “giặc Covid” lần này.
Thời Covid-19 này người ta không hỏi nhau: Dạo này có gì mới không, dạo này có vui không, lương bao nhiêu, thêm mấy chiếc sổ đỏ, mới mua xe gì, khi nào lấy chồng, bao giờ đẻ em bé... nữa. Giờ chỉ có 1 câu hỏi lặp đi lặp lại: “Dạo này vẫn ổn chứ?”. Nếu bên kia nói 1 chữ “Ổn”, thế là có thể thở phào rồi.
Có quá nhiều khó khăn và những mất mát đã tới vì Covid-19, hơn hết ai giờ cũng mong 2 chữ “bình thường” vào lúc này. Thứ quan trọng nhất người ta xác định lại không phải là tài khoản bao nhiêu con số… mà là một cuộc sống giản dị có oxy để thở, có những nhu cầu thiết yếu được đáp ứng và 1 trái tim được đập không lo âu, bình an, đó đã là hạnh phúc.
Có người vẫn như thói quen ngồi theo dõi số đếm ca bệnh rồi buông tiếng thở dài đánh sượt hoặc lúc khác lại than việc ở yên trong nhà khiến người ta phát điên, than những phiền toái của dịch bệnh gây ra...
Nhưng những người tích cực thì đã bớt đọc tin tức bi quan, họ tìm xem xung quanh ai cần gì giúp được gì là giúp, không ngại việc nhỏ hay việc lớn bởi họ biết “thà thắp lên 1 ngọn đuốc còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng đêm”.
Họ chẳng phải là mạnh thường quân, cũng có khi là dân nghèo, nhưng đứng ra để “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Sài Gòn - Hà Nội và đâu đâu cũng thế, thương được ai là thương, giúp được ai là giúp, cái tôi gác lại, chữ chúng ta đặt lên hàng đầu.
Dù bao nhiêu chuyện đau lòng, bao nhiêu thông tin tiêu cực vẫn đến mỗi ngày, nhưng tin tức tốt lành, cái nhìn lạc quan và yêu thương, tinh thần đùm bọc nhau vẫn được người ta chia sẻ như động lực, như niềm tin rằng chúng ta nhất định sẽ thắng trong trận chiến với “giặc Covid” lần này.
Nếu không có niềm tin, biết đâu bầu không khí này trở nên chật chội hơn, biết đâu lòng mình cũng chật hẹp và những cơn khó thở lý tính sẽ bỗng dưng xuất hiện giữa những con số không mấy lạc quan, có những ngày lên đến hơn 10.000 ca mắc Covid mới.
Đau thương, mất mát giờ ở rất gần. Nhưng sự chiến đấu kiên cường luôn là cần thiết. Nếu lỡ có trở thành F0 bạn cũng phải chiến đấu đến cùng giữ lấy hơi thở của chính mình và cộng đồng. Nếu hôm nay, bạn còn ổn hoặc cảm thấy mình ổn hãy nhìn sang xung quanh xem ai đó thế nào, rồi ghé 1 tay xuống - bằng - cách - này - hay - cách - khác để chúng ta nâng đỡ với nhau thật dịu dàng.
Sài Gòn ốm, Bình Dương đau, Hà Nội và nhiều tỉnh khác cũng cùng lúc trở bệnh, thì đây đồng lòng cả nước hướng về vùng đỏ, vùng cam để cùng chữa lành. Đội ngũ y bác sĩ, quân đội, công an, lực lượng tình nguyện viên… nơi tuyến đầu đang cố gắng “hồi sức” cho Sài Gòn. Cả nước “chi viện” cho Sài Gòn như 1 trận chiến lớn với tinh thần quyết tâm cao như thể đây là cuộc chiến cuối cùng.
Ngày 21/8, gần 300 quân nhân của Học viện Quân y Hà Nội đến TP. HCM chống dịch. Không giống các đợt tăng cường trước vào công tác tại bệnh viện dã chiến, các bác sĩ lần này có nhiệm vụ đến tận phường, tổ dân phố, từng gia đình phát hiện, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 và điều trị cả những bệnh nền khác, chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại khu phố và làm bất cứ nhiệm vụ gì người dân yêu cầu. Người Sài Gòn nghẹn ngào: “Chúng tôi cảm thấy mình không cô đơn”.
Ngày 23/8, TP.HCM siết chặt giãn cách như là trận đánh cuối cùng để có thể sớm đưa được cuộc sống về trạng thái bình thường mới.
Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 6/9.
Toàn bộ tàu chở khách tuyến Bắc Nam dừng hoạt động.
Bình Dương quyết định “đóng băng” 11 xã, phường của hai đơn vị hành chính.
Nhóm kỹ sư, bác sĩ sáng tạo giải pháp lấy mẫu Covid-19 tại nhà…
Những tin tức nhanh đều cho thấy cả nước đang dồn sức cho 1 trận đánh như thể là cuối cùng để “Việt Nam ơi, mau khỏe nhé!”.
Đồng lòng cả nước và nhân dân cùng quyết tâm cao độ chuẩn bị cho 1 “trận chiến” với hy vọng kiểm soát dịch bệnh thành công.
Để trẻ con được đến trường, người già được ra công viên tập thể dục.
Thanh niên, trung niên được đi làm. Để những người yêu nhau được hẹn hò và yêu đương.
Để hàng quán quen được mở lại, để hân hoan mà nói lời chào với phở sáng, cafe quán quen, góc trà đá chiến hữu, với bánh tráng trộn và thiên đường ăn vặt gần nhà thờ Đức Bà...
Tinh thần yêu nước, 2 chữ đồng bào lúc này được nêu cao hơn bao giờ hết. Người dân Sài Gòn xúc động với sự chi viện từ các vùng miền. Công an, quân đội, y bác sĩ.... đã sẵn sàng hợp lực cùng dân dập dịch. Sài Gòn hay bất cứ nơi nào khác họ biết rằng mình không hề cô đơn, sức mạnh 1 lần nữa lại trỗi dậy.
Những câu chuyện nhỏ xúc động như những ngọn lửa nhỏ thắp lên niềm tin chiến thắng.
Bà mẹ đơn thân Sài Gòn nấu cơm phục vụ cả đội bảo vệ, lao công tòa nhà đợt tòa nhà phong tỏa khi thấy họ chỉ ăn mì gói qua ngày.
Cậu thanh niên biết khó khăn của người mẹ khiếm thị nên đã đi phát từng suất cơm tận hang cùng ngõ hẻm cho nhiều người khuyết tật.
Cô sinh viên nhớ nhung người yêu là bác sĩ tuyến đầu liền chuyển thành bức thư động viên hẹn ngày gặp không xa.
Bố tài xế container phải ngủ ngoài xe vì nhà bị phong tỏa, cậu bé chưa vào lớp 1 nhớ bố liền lén lút nắn nót viết “Con yêu bố” nhờ mẹ chụp gửi bố mong bố sớm được về nhà.
Anh công an tranh thủ về thăm nhà chỉ dám đứng xa xa, con gái vòng tay tạo hình trái tim để chào bố. Có những khoảnh khắc gặp mặt xa cách mà ấm áp, xúc động đến thế.
Những cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi xung phong làm thanh niên tình nguyện chống dịch dù biết mình có thể trở thành F0 vẫn khẳng định “đó không phải là điều quan trọng nhất”.
Anh lính biên phòng chẳng chút ngần ngại sẵn sàng bế 1 bà cụ chuyển từ F1 sang F0 đến bệnh viện điều trị khi thấy cụ yếu, mệt nhiều và không muốn đi. Câu nói “Má đừng ngại, cứ ôm lấy con” quá đỗi ấm áp không chỉ riêng với bà cụ mà với biết bao người.
Anh bán rau ở Đồng Nai dù chẳng dư dả gì, nhưng vẫn không lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời, vẫn bán rau kiểu vừa bán vừa cho để người nghèo có cái ăn.
Chàng F0 sau khi cai thở máy, sức khỏe đã có phần hồi phục tình nguyện giúp đỡ những F0 nặng khác từ việc vệ sinh, ăn uống, giúp họ gội đầu ngay trên giường bệnh cho cả khoa anh đang điều trị Covid.
Khi biết Sài Gòn đang bệnh, những chuyến xe chở đầy rau củ từ Gia Lai, Lâm Đồng được tiếp tế. Người Quảng Bình, Đà Nẵng gom góp hàng tấn cá nục gửi vào thành phố. Lời nhắn cực kỳ dễ thương "Ăn cá ba sa, Sài Gòn mau hết dịch nha" của người miền Tây…
Tất cả đã tiếp thêm động lực chiến đấu cho Sài Gòn trong những ngày giãn cách.
Các em nhỏ, nhỏ xíu tưởng chẳng giúp được gì, nhưng qua cầu nối của chiến dịch “Việt Nam ơi, mau khỏe nhé” đã vẽ tranh, viết thư, làm thiệp, quay clip bằng cả tấm lòng động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Các chiến sĩ bộ đội len vào từng ngõ ngách vác từng bao lương thực, thực phẩm đến phát cho mỗi nhà khiến không ai có cảm giác bị bỏ lại.
Dường như tất cả chúng ta không ai thờ ơ đứng ngoài cuộc, giúp đỡ nhau, động viên nhau, hoặc tự bản thân mình sống tích cực, ai ở đâu ở yên đó… đều là những cách góp phần cho khối đoàn kết trong nhân dân, nhà nước và nhân dân trở nên bền chắc hơn bao giờ hết, cùng quyết tâm đẩy lùi “giặc Covid”.
"Việt Nam ơi mau khỏe nhé" - là 1 chiến dịch gửi lời yêu thương, động viên đến lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Chúng ta đang trong 1 thời kỳ lịch sử khi "chiến đấu" với dịch COVID-19 để "đòi" lại 1 nhịp sống... bình thường. Đặc biệt ở thời kỳ lực lượng tuyến đầu đang phải nỗ lực bằng tất cả sự can đảm và sức lực để cho dân được “ai ở đâu ở yên đấy”. Để dần chữa lành những vết thương bằng những đòn quyết định của chính sách, của ngọn lửa cháy lên bằng tình đoàn kết, sự tương thân tương trợ, đánh thức niềm tin và dẹp đi sự sợ hãi.
Rồi Sài Gòn, Hà Nội đường phố sẽ lại đông vui, nhộn nhịp như cuộc sống trước đây nó vốn xảy ra. Rồi “kẹt xe” sẽ quay trở lại, chắc ai cũng nhớ những tháng năm đã ngồi yên trong nhà và thèm tiếng huyên náo rất đời ngoài kia. Chúng ta đã biết sửa soạn 1 tâm hồn bao dung, 1 cái nhìn tích cực để cười hiền với nghịch cảnh, thậm chí có thể thốt lên “Đây mới là cuộc sống”.
Rồi tất cả các tỉnh trên cả nước sẽ thiết lập lại được 1 cuộc sống bình thường mới, lúc đó chúng ta có thể mỉm cười: “Ồ chúng mình đã đi qua được 1 quãng đường gian khó để hiểu chúng ta là ai, cần gì trong cuộc sống này, bao nhiêu là đủ…”.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ hay phố đi bộ quanh Bờ Hồ rồi lại mở, những góc cafe dịu dàng sẽ lại hiền lành chào đón bạn, hoặc ngay cả những quán bar với ánh đèn mộng mị và tiếng nhạc chói tai như đến thủng màng nhĩ cũng sẽ trở lại…
Lúc nghe nhạc thật lớn và nhún nhảy trong dòng người, lúc ngồi đâu đó bảng lảng 1 mình, chúng ta sẽ thấy tất cả đều là đáng yêu, nếu cái nhìn luôn biết trân trọng, nâng niu và bao dung với cuộc sống này.
Có thể rất lâu sau này, chúng ta sẽ nhìn lại ngày hôm nay và nói rằng: Cảm ơn những tháng năm Covid lịch sử ấy đã cho chúng ta biết cách không bỏ cuộc và chiến đấu với nghịch cảnh mạnh mẽ. Cảm ơn Covid đã cho ta biết cuộc sống quý giá đến nhường nào, tình yêu thương và sự đoàn kết là sức mạnh to lớn biết bao nhiêu.
Chỉ cần hành động như người hiểu rõ trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng.
Cái TÔI đơn lẻ tích cực và sự chung tay của CHÚNG TA sẽ biến giấc mơ này sớm thành sự thật!
Giấc mơ chiến thắng Covid-19, ngày ấy chắc không còn quá xa xôi…
Thanh Ba