(Tổ Quốc) - Vì nhà Lê Văn Công nhìn thẳng sang nhà hàng xóm. Ngày nào anh cũng bắt gặp những hình ảnh đau đớn trong lặng lẽ và bất lực của cô nữ sinh học giỏi nhà nghèo…
Trị giá tấm huy chương
Lê Văn Công là biểu tượng vươn lên điển hình nhất của cộng đồng gần 6 triệu người khuyết tật ở Việt Nam. Kỷ lục gia cử tạ thế giới sở hữu nhiều thành tích, huy chương châu Á, thế giới, World Cup và đặc biệt là tấm HCV lịch sử ở Paralympic Rio de Janeiro 2016.
Khu dân cư Bà Điểm 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Nơi đây tập trung sinh sống của vài chục hộ lao động nghèo tứ xứ, trong đó có người hùng của người khuyết tật Việt Nam.
Mua được căn nhà nhỏ ở cái xóm nghèo ấy, là cả một vấn đề lớn của Lê Văn Công. Bởi phần lớn số tiền mua nhà cho vợ con lại không đến từ những tấm HCV, vốn chỉ mang tính biểu tượng.
Vì sao lại như vậy? Các bạn quan tâm đến thể thao thì hãy tìm hiểu xem, để đoạt được tấm huy chương Olympic như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng - 2016) hay Trần Hiếu Ngân (Taekwondo - 2000) nó khó và cực đến mức nào.
Với dân thể thao khuyết tật, độ khó lại tăng lên gấp đôi. Chưa hết, mức thưởng huy chương của VĐV thể thao khuyết tật lại chỉ bằng một nửa mức của VĐV bình thường. Vẫn chưa hết, họ không có lương tháng như VĐV bình thường, mà chỉ có lương ăn tập khi tập trung đội tuyển quốc gia trước mỗi giải đấu lớn.
Vậy nên, để duy trì thành tích thể thao và… để sống, Lê Văn Công vừa phải tập luyện, lại vừa phải lo làm thêm với nghề sửa chữa điện tử.
Nói về vấn đề này, nhà vô địch World Cup và Paralympics 2016 thổ lộ: "Nhiều khi tập mệt quá, tôi không làm được gì nữa và cũng chẳng thể ăn nổi. Nhưng vẫn phải cố mà nuốt để lấy sức cho ngày mai tập tiếp".
Thế mới nói, hãy bỏ qua giá trị vật chất. Những tấm HCV tầm World Cup hay kỷ lục Paralympic chỉ mang tính biểu tượng, mang ý nghĩa tinh thần cho những người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng. Hay để xác tín: người khuyết tật không khuyết tài.
Bán phần cơ thể tật nguyền
Cái xóm nghèo của Lê Văn Công có vài chục hộ, họ sống đùm bọc lẫn nhau, làm đủ thứ nghề.
Trong cái xóm ấy, người ta phục Lê Văn Công, vì khuyết tật mà dùng tay di chuyển như chân nhanh như sóc, hòa đồng. Đối diện nhà anh là gia đình của cô bé 16 tuổi, Đoàn Thị Bích Hương.
"Nhà nó nghèo, bố mẹ lớn tuổi. Con bé học giỏi, nhưng cứ đi học về là phụ giúp gia đình làm nghề gia công. Nó gặp ai cũng chào, con bé ngoan lắm. Nó hay đi chùa, chùa trước nhà kia kìa, với tôi" - bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, hàng xóm của Lê Văn Công và bé Hương chia sẻ.
Hơn một năm trước, do sức khỏe yếu, bụng đau, Đoàn Thị Bích Hương có đi khám bệnh nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Tới tháng 8 vừa qua, khi bệnh trở nặng, cô nữ sinh trường trung học Phạm Văn Sáng mới bị chẩn đoán ung thư gan và căn bệnh đã ở vào giai đoạn rất nặng.
Gia đình dùng toàn bộ tiền tích cóp, bán sạch những thứ có thể bán, vay những ai có thể vay. Và đương nhiên, đã hết. Bệnh Đoàn Thị Bích Hương ngày càng nặng và giờ không thể di chuyển. Cô bé đau đớn chỉ nằm một chỗ.
Cả xóm nghèo không ai giúp được gì ngoài những lời động viên. Anh hàng xóm Lê Văn Công cũng vậy.
Vì nhà Lê Văn Công đối diện nhà cô bé hàng xóm, nên ngày nào anh cũng nhìn thấy hình ảnh đau đớn của Đoàn Thị Bích Hương. Nhưng có lẽ, cha mẹ cô bé cũng đau đớn không kém.
Sau nhiều đắn đo, Lê Văn Công quyết định bán đấu giá HCV World Cup 2016 ngay trên Facebook của anh để lấy tiền giúp cô bé hàng xóm. Ông Nguyễn Hồng Phúc - HLV Trưởng đội Cử tạ Khuyết tật Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Tân Bình cho biết: "Nó là sự ghi nhận của những năm tháng cực khổ. Đời VĐV không ai muốn bán huy chương cả. Với những VĐV khuyết tật, HCV còn là một phần cơ thể khiếm khuyết của họ".
"Tấm huy chương là chết, tâm hồn là sống"
Về phần mình, Lê Văn Công chia sẻ: "Đây là tấm HCV tôi trân trọng, nó mang tính cột mốc trong sự nghiệp của tôi. 3 ngày trước giải World Cup, tôi bị sốt siêu vi, người rất mệt, tưởng như không có sức để đấu. Nhưng bằng ý chí và những năm tháng tích lũy rèn luyện, tôi đã nâng được mức tạ 180 kg để giành nó".
Tấm HCV World Cup lịch sử ấy truyền cảm hứng cho chính Lê Văn Công và hàng triệu người khuyết tật Việt Nam tự tin hòa nhập cộng đồng. Và giờ, Lê Văn Công muốn nó phải gánh thêm một sứ mệnh khác, vì một giấc mơ diệu kỳ cho cuộc chiến với tử thần của Đoàn Thị Bích Hương, cô bé mà cứ nhìn ra cửa là anh bắt gặp ngay cảnh đớn đau.
Nhà vô địch World Cup nói: "Nếu có ai mua huy chương, gia đình Hương sẽ có thêm một khoản tiền trong lúc khó khăn nhất. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn cháu Hương rằng: Hương ơi, chú phải chiến đấu bền bỉ, cực khổ lắm mới giành được HCV này, cháu cũng phải chiến đấu như chú nhé".
Lê Văn Công đã chính thức rao bán đấu giá huy chương vàng World Cup trên facebook cá nhân cho đến ngày 31/10/2019. Nhưng tấm kim loại được xi màu vàng ấy thì đáng giá bao nhiêu? Và liệu có ai mua không?
Ông Nguyễn Hồng Phúc là người đã biến Lê Văn Công từ một chàng trai khuyết tật khó khăn đầy tự ti, trở thành "người đàn ông mạnh nhất thế giới". Sát cánh cùng Công trong mỗi buổi tập, mỗi giải đấu lớn nhỏ, ông Phúc hiểu hơn ai hết giá trị của cái tấm kim loại được xi màu vàng.
Ông Phúc cho biết: "Mục đích những người khuyết tật như Lê Văn Công đến với thể thao là để hòa nhập cộng đồng. Giờ em nó đã thành công, em nó làm việc ấy thì tôi ủng hộ. Tấm huy chương là chết, nhưng tâm hồn là sống".
Cuối cùng, nói như Lê Văn Công: Bé Hương, hãy chiến đấu, như chú nhé!
Na Miên