(Tổ Quốc) - Để duy trì "lớp học 0 đồng" Ngọc Việt, anh Huỳnh Quang Khải đã bàn với vợ bán nhẫn cưới để duy trì lớp khi thời điểm khó khăn xảy đến.
"Các con ổn định chỗ ngồi, lấy bài ra dò lại rồi lát thầy kiểm tra.
Dạ - Bọn trẻ ngoan ngoãn nghe lời".
Đó là cuộc trò chuyện giữa thầy trò anh Huỳnh Quang Khải và các học trò trước giờ vào lớp.
Giữa lòng thành phố xa hoa, vẫn còn đâu đó hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ phải chật vật mưu sinh. Quanh chúng là nỗi lo san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng cha mẹ nên chẳng còn cơ hội để đến trường. Và một nơi như lớp học tình thương Ngọc Việt ra đời đã đem con chữ đến cho biết bao thế hệ học trò nghèo ở quận 12.
Bán nhẫn cưới để mở "lớp học 0 đồng"
Năm 2008, anh Huỳnh Quang Khải khi ấy đang là một đoàn viên thực hiện công tác thanh niên ở địa phương, nhận thấy có nhiều em nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường nhưng phải đi lang thang, mù chữ.
Xuất phát từ sự đồng cảm, anh Khải và những người bạn đã ấp ủ việc mở một lớp học 0 đồng để trao đi con chữ. Lớp học tình thương Ngọc Việt đã được xây dựng từ tất cả vốn liếng mà anh Khải chắt chiu có được. Nằm sâu trong con hẻm 30D, đường HT23, phường Hiệp Thành, quận 12, bất kể nắng hay mưa, cứ vào khung giờ 18h30 đến 9h từ thứ 2 đến thứ 7, lớp học đều sáng đèn.
“Những dịp lễ, Tết mình cũng lên lớp vì mấy đứa nhỏ không nhà, không quê quán thì mấy ngày đó chỗ đâu mà nó về…”, anh Khải cười xòa.
Tuy nhiên thuở ban đầu, khó khăn lớn nhất mà lớp gặp phải lại là công tác huy động học sinh. Bởi, đa phần người dân lao động nghèo cho rằng: “Tiền ăn còn chưa có nói chi là đi học, học vài chữ cũng làm được gì đâu". Nghĩ về tương lai vô định những đứa trẻ thơ ngây, anh Khải càng quyết tâm nhân rộng mô hình của mình. Bên cạnh vấn đề về sĩ số lớp, việc duy trì kinh phí cho lớp học cũng là điều khiến anh đau đầu.
“Có lúc quá khó khăn, vợ chồng mình quyết định bán nhẫn cưới để lo chu toàn cho lớp. May mắn, mình được vợ luôn đồng hành và chia sẻ. Vợ mình bảo rằng: Nhẫn cưới chỉ là hình thức, còn tấm lòng, cái tâm thiện nguyện vẫn là cao quý hơn cả..”
Còn ở thời điểm hiện tại, lớp học Ngọc Việt được duy trì từ nguồn thu nhập dẫn tour du lịch của anh và lợi nhuận qua việc kinh doanh yến sào của chị. Có thể nói, nếu không có lớp học này, anh chị có thể xây dựng kinh tế khá giả.
“Nhưng với mình, tình cảm dành cho những đứa nhỏ nó không thể cân đo đong đếm, nó lớn hơn cả tiền bạc, không thể gọi thành tên. Chỉ có thể, ngày nào, còn trẻ em nghèo, thất học là mình còn trụ lại với lớp. Mình còn chuẩn bị đủ cả mọi thứ từ dụng cụ đến sách vở để nếu như một ngày không còn mình, tụi nhỏ vẫn còn cái để có thể học hành…”
Vốn là một hướng dẫn viên du lịch tràn trề cơ hội nghề nghiệp, anh Khải chủ động thu nhỏ sự nghiệp của mình lại để toàn tâm, toàn ý cho “Ngọc Việt”. Anh còn bỏ qua cả cơ hội ra nước ngoài làm việc theo lời mời của một công ty du lịch để ở lại cùng các con. Dù không tốt nghiệp trường sư phạm, nhưng kể từ ngày đó, chàng trai trẻ Huỳnh Quang Khải đã được biết bao học trò gọi với cái tên thân thương “Thầy Khải”.
Hơn cả một lớp học chữ đơn thuần
Lớp Ngọc Việt hiện tại có khoảng 30 học sinh trở lại học sau đại dịch Covid- 19. Không gian lớp được xây dựng ấm cúng như một gia đình với đầy đủ tiện nghi, có cả chỗ ở lại cho những em vô gia cư, không nơi nương tựa.
Mỗi dịp lễ, Tết anh Khải đều tổ chức những hoạt động để các em vui chơi, giải trí. Gần đây nhất là chương trình về nguồn tại trại rắn Đồng Tâm vào đầu tháng 4. Tại đây, không chỉ có các em nhỏ từ 7 đến 15, 16 tuổi mà có cả các cô chú bị lỡ cơ hội đến trường vì cuộc sống bên ngoài tìm đến lớp để tìm về con chữ.
Chú M., đã theo học ở lớp từ năm 2018 chia sẻ: "Tình cờ con anh hỏi: Ba ơi, chữ này là chữ gì?". Tôi cảm thấy tự ti với con, và quyết định tìm đến em Khải để biết con chữ".
Còn Long (13 tuổi) chia sẻ: “Mỗi ngày khi đến lớp, con đều rất vui. Cả ba anh em con đều được thầy Khải dạy chữ. Con rất yêu quý thầy và con hứa sẽ cố gắng học để biết chữ và có thể dạy lại cho các em có hoàn cảnh giống như con.”
Các em học sinh tại đây được anh Khải chỉ dạy cách ứng xử rất lễ phép và nề nếp. Anh xem những đứa nhỏ như con ruột của mình, ân cần chỉ dạy, bảo vệ các con. Tuy nhiên có những lúc, quả ngọt mà anh nhận lại từ việc làm của mình lại không như mong đợi.
“Mình luôn từ chối nhận quà của mạnh thường quân gửi về nhà cho các con. Vì đưa về tụi nhỏ không được dùng mà bị phụ huynh đem ra bán để lấy tiền cờ bạc.”
Hay khi dạy các con biết chữ, lúc nghỉ học, anh Khải chẳng nhận được sự xin phép hay lời cảm ơn nào từ phụ huynh. Dẫu có lúc xót xa, tủi thân nhưng nghĩ về những đứa trẻ thơ ngây ấy, anh lại mạnh mẽ vượt lên.
“Nếu không đến lớp học của mình thì sẽ không biết chữ vì chúng không được đến trường chính quy, nếu không được học hành thì khi ra đời sẽ bị người khác lừa gạt. Mình lại không cho phép bản thân từ bỏ công việc này.”
Song may mắn thay, đa số học trò của lớp Ngọc Việt luôn biết dành tình cảm và sự quý trọng đến cho thầy Khải. Nhiều học trò sau khi rời khỏi lớp học Ngọc Việt đều có cuộc sống ổn định. Có người về quê trở thành chủ một gara ô tô, chủ tiệm sửa điện thoại di động... Vào ngày 20/11 hàng năm, anh cũng nhận được những lời chúc, được học trò về thăm như những nhà giáo khác.
Hiện nay, ngoài dạy chữ thì anh Khải còn dạy nghề cho các em theo hình thức “xe bánh mì lưu động” với mong muốn: “Tụi nhỏ biết chữ rồi ra đời có cái nghề nuôi thân. Mong ước lớn nhất của mình là lớp học tình thương sẽ mau chóng đóng cửa vì ngày ấy quanh mình sẽ chẳng còn trẻ em nghèo, trẻ em vô gia cư, trẻ em thất học nữa”.
Nhóm học trò đã đến, anh và chúng tôi kết thúc buổi trò chuyện và quay vào lớp học để bắt đầu buổi học mới - những buổi học thắp sáng ước mơ..
Phương Quyên