(Tổ Quốc) - Nhiều ông thấy chiến hữu gọi hoặc bị khích bác "sợ vợ" là nút từ chối như bị hỏng, nhưng chồng Đoàn Di Băng thì khác...
Ông xã Đoàn Di Băng: "Ở nhà với vợ vui hơn đi nhậu với bạn"
Chị tôi hiệu trưởng 1 trường học, ra ngoài thét ra lửa, nhưng về nhà vẫn lùi sau tiếng nói của chồng. Vừa nghe thấy tiếng anh rể alo có nhắc đến chuyện mua thêm 1 chú chó, trong khi nhà đang có 5 con, chị bảo: "Thôi nuôi bấy nhiêu thôi chứ em còn đến trường, đi dạy, bao nhiêu việc". Chưa dứt lời anh rể đã kéo xích dắt vào nhà thêm 1 chú chó nữa, mặt chị méo xệch nói với tôi: "Chăm chó không có lỗi, nhưng anh phải nuôi được mới nuôi, chứ dắt về cho chị chăm trong khi vợ đang làm không hết việc".
Vẫn còn bao nhiêu gã đàn ông gia trưởng, coi mọi quyết định của mình là ý trời, còn tầm nhìn của vợ chỉ là "đàn bà... không qua ngọn cỏ".
Gần đây phát ngôn ông xã của Đoàn Di Băng trong một lần bạn bè hỏi: "Sợ vợ hay sao mà bạn bè rủ đi nhậu không dám đi", đại gia này đã không ngần ngại trả lời thẳng tưng: "Sợ vợ hay không không quan trọng, quan trọng là tao thích ở nhà với vợ hơn đi chơi với mày". Một câu nói ngỡ bình thường nhưng sao lại khiến chị em vô cùng phấn khích gọi tên "chồng người ta"?
Hóa ra định nghĩa về bản lĩnh đàn ông giờ rất khác, không phải là phải hô mưa gọi gió bên ngoài, chiến hữu gọi là thưa, mà là bản lĩnh tôn trọng vợ, giữ được tình yêu trước sau như một trọn vẹn với 1 người phụ nữ.
Nếu xem lại những dòng status khác thì ngay cả khi vị đại gia này "dìm" vợ thì cũng là tình yêu, là sự hào hứng, là sự tôn trọng ngập tràn trong đó. Chính vì thế anh cũng từng viết nghiêm túc thế này: "Trong gia đình anh, anh luôn là người nói xin lỗi dù anh đúng hay sai. Nhịn vợ mình chứ có nhịn ai đâu mà thiệt. Chuyện nhỏ nhặt như vậy mà không làm được thì sao làm được việc lớn. Gia đình phải êm ấm thì sự nghiệp mới phát triển".
Khi xưa lúc yêu, ưu tiên của đàn ông luôn dành cho người phụ nữ của mình. Mọi thời gian đều dành cho cô ấy vì ở bên cạnh cô ấy với anh là niềm hạnh phúc. Vì thế, chẳng cần phải ai thúc giục anh cũng tự nguyện tự tâm mà ở bên cạnh, không bao giờ để người yêu mình phiền lòng.
Ấy vậy mà đàn ông sau khi có mấy mặt con với chính người mình thương lại thường hay... lật mặt, họ như có kỹ năng mở cánh cửa "thoát vợ" vậy. Ngồi yên trong nhà quá lâu là anh ta sẽ tìm cách để đi ra ngoài cho... thoáng. Và tất nhiên khi bạn bè gọi là nhiều ông "nút từ chối" bỗng dưng bị hỏng, đặc biệt là các cuộc nhậu. Nhưng khi vợ gọi thì lâu ơi là lâu mới có mặt hoặc có khi "giả điếc" không hề nghe thấy.
Vì thế, phụ nữ thường hay rơi vào sự thất vọng sau hôn nhân, ấy là lúc gã đàn ông ga lăng, lúc nào cũng 1 điều vợ 2 điều vợ (lúc chưa là vợ), nhưng khi chính thức làm vợ lại 1 điều bạn, 2 điều vẫn là bạn, vợ luôn là hàng thứ yếu. Nét mặt của cô ấy ư, anh ta đâu có bận tâm!
Lấy vợ không phải là câu cá...
Có ai đó lý giải quy luật lạ đời này là "Câu được cá rồi ai thả mồi nữa" hoặc "Cũng phải xem lại phụ nữ xem, các chị em làm gì để chúng tôi chán đến thế". Phụ nữ ngồi nghĩ nát óc thì cũng chỉ thấy mình biến từ một cô gái được chăm sóc, chiều chuộng việc gì cũng không biết làm thành siêu nhân, thành mẹ, thành vợ, thành chuyên gia đủ các lĩnh vực chứ đâu có kém đảm đang hay chu toàn đi đâu mà sao các ông chồng lại "lật mặt" như vậy?
Thế nhưng, không loại trừ có những anh đàn ông, như ông xã Đoàn Di Băng, lấy được người thương làm vợ rồi, vợ mang nặng đẻ đau sinh mấy đứa con rồi thì càng nâng như nâng trứng mỏng. Lý do là anh ta chưa bao giờ coi chuyện cưới được người phụ nữ mình thương yêu giống như chuyện... đi câu.
Lúc cô ấy đồng ý làm vợ mình anh ta đã ghim trong đầu ý nghĩ rằng sẽ không để người phụ nữ của mình phải khổ. Đặc biệt sau đó cuộc sống hôn nhân dù cũng như nồi cơm có khi nát, có khi sống, nhưng không vì thế anh ta không thương những hạt gạo. Anh ta sẽ không đổ lỗi là do gạo không ngon mà trách tay mình chưa đưa 1 lượng nước hợp lý. Những người đàn ông này sẽ biết hạnh phúc là yên ổn bên trong, chứ không phải chạy theo những cuộc vui hời hợt bên ngoài.
Họ không ngại mang tiếng sợ vợ, cũng chẳng ngại ca tụng vợ, càng không bao giờ muốn làm điều gì để vợ phải buồn.
Với những ông chồng có thể bật nút "từ chối" khi bạn bè gọi nhậu có thể vì 3 lý do sau:
- Không thích nhậu nhẹt.
- Cũng ham vui đấy, nhưng ngại vợ/nể vợ cằn nhằn (hoặc không thích) nên từ chối để giữ hòa khí gia đình.
- Trình cao hơn thì như ông xã của Đoàn Di Băng là ở nhà với vợ vui hơn đi nhậu.
... Vì gia đình nào đâu của riêng đàn bà
Cũng như phụ nữ, đàn ông hiểu rõ giá trị của tổ ấm nhưng người giữ gìn tổ ấm lại cho rằng là trách nhiệm của đàn bà. Vì thế, sau khi "bẫy" được người phụ nữ và sinh 1 đàn con họ tự nghĩ "bản năng làm mẹ sẽ khiến phụ nữ không bao giờ từ bỏ gia đình". Và thế là các ông ung dung quay lại thời kỳ độc thân để đi hẹn hò bên ngoài, lo những mối quan hệ "hão" trên bàn nhậu mà quên mất mình có 1 gia đình cần chăm sóc, rằng bữa cơm cần có bàn tay mình tham gia, lũ trẻ cũng cần bố để chơi đùa.
Cuối cùng người phụ nữ ngày xưa anh chinh phục bằng đủ các hành động tận tâm như đưa, như đón, như chăm sóc khi người yêu sổ mũi, mà sau khi thành vợ các anh bỗng coi là thứ yếu, xếp sau chữ bạn. Vì thế, các ông thấy "đồng đội" gọi là nhảy chân sáo báo không ăn cơm nhà và trở về thật trễ, mặc kệ người phụ nữ mình hứa thương yêu xoay xỏa với cơm nước, con cái và sự bực tức. Cứ như thế họ nghĩ rằng gia đình là của riêng phụ nữ vậy, mình là kẻ vô can?
Theo quan sát thực tế thì đàn ông các nước phương Tây phát triển không bao giờ có thói quen ngồi cà kê ăn nhậu sau giờ làm như nhiều đàn ông Việt. Họ thường vội vã trở về nhà sau giờ tan sở để cùng vợ lo nấu cơm, rửa chén, chăm sóc con cái. Điều đó hình thành trong ý thức như một việc tất lẽ dĩ ngẫu về trách nhiệm cần có của đàn ông sau khi lập gia đình.
Vì vậy các ông chồng ơi hãy nhớ:
- Phụ nữ không có nghĩa vụ chăm con, làm dâu để các anh đi nhậu. Khi các anh sung sướng tự hào lúc vợ báo 2 vạch, đừng nghĩ đến "nối dõi tông đường" hãy nghĩ đến một đứa trẻ cần được nuôi dưỡng, chăm sóc và yêu thương bằng bàn tay người bố.
- Phụ nữ càng không có nghĩa vụ phải ở yên trong 1 cuộc hôn nhân với những gã chồng có cũng như không. Thà thì không có, còn hơn là ấm ức ở cạnh những anh đàn ông mãi không chịu trưởng thành, những kẻ háo hức lấy vợ nhưng luôn đặt gia đình sau thứ hạng của chiến hữu.
- Phụ nữ có thể không ngăn được các anh tới bàn nhậu, nhưng họ hoàn toàn có thể để anh.. thoải mái nhậu. Tức là khi rời bữa tiệc của chém gió và hơi men và sĩ diện đàn ông được ve vuốt, các anh sẽ được thêm suất... nhậu tiếp, vì không còn ai đợi mình. Khi các anh chưa từng để ý đến nét mặt của vợ thì hãy thiết lập lại 1 cuộc sống độc thân như chưa từng có ai giám sát, càm ràm hoặc ôm ấp, yêu thương anh khi xưa.
Bản lĩnh đàn ông thực sự được định nghĩa không phải là anh hùng trên bàn nhậu mà là bản lĩnh dám từ chối những "cuộc vui đàn ông". Dám nghĩ đến gia đình, thậm chí không ngại "đội vợ lên đầu" không phải vì sợ vợ mà vì hiểu giá trị của gia đình và trân trọng bạn đời.
Gia đình chỉ thực sự là gia đình khi có bàn tay vun vén từ 2 phía. Khi tay anh vun vào bàn nhậu tức là anh đang dần rút củi khỏi bếp lửa, đốm than cuối cùng sẽ tắt đi sau những lần hô vang khí thế "uống". Và vợ không tự sinh ra, không tự mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ vợ người này sang vợ người khác, sau những cuộc nhậu vô tâm của những anh chồng... không chịu lớn!
ĐX