(Tổ Quốc) - Trẻ em thường rất hồn nhiên, vô tư, chính vì thế những áng văn bất hủ của các "tác giả" nhí thường khiến người lớn không khỏi bật cười.
Bằng sự thật thà, thấy gì tả nấy cộng thêm trí tưởng tưởng tượng phong phú pha chút hài hước, các bạn học sinh tiểu học thường cho ra “lò” những bài văn miêu tả, kể chuyện hay trang nhật ký mà khi đọc thầy cô, bố mẹ cũng phải cười bò.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, là giáo viên mầm non ở thành phố Chí Linh - Hải Dương đã góp vui vào kho tàng những trang viết "bá đạo" của các em học sinh bằng chính một bài văn của con trai mình.
Theo đó, bé Nguyễn Bảo Minh, con trai chị Hạnh hiện đang là học sinh lớp 5. Trong một lần kiểm tra bài vở của con, chị Hạnh đã "đứng hình" khi đọc được bài văn do con trai "chấp bút".
Khi được giao đề bài tường thuật, bằng sự thật thà, nghe gì, nhìn thấy gì đều thuật lại chính xác 100%, bé Bảo Minh đã cho ra đời bài văn kể chuyện khiến chị Hạnh "khóc ròng".
Bài văn của cậu quý tử khiến chị Hạnh cười quặn ruột.
Nguyên văn bài viết như sau: "Sáng nay cô giáo dạy mình tìm hiểu về tiếng ồn, xong cô hỏi có ai biết những loại tiếng ồn gì không? Mình nhớ ra tiếng ồn của con chim nhà ông ngoại. Con chim nhà ông nó biết nói câu "có khách, có khách" với lại câu "thả tao ra, thả tao ra".
Con chim này nó rất ghét mẹ của mình. Có hôm nhìn thấy mẹ nó kêu ầm lên là "ác ác ác" xong rồi nó kêu "thả tao ra, thả tao ra". Mẹ Hạnh của mình túm cái ghế trèo lên thò mồm vào lồng của nó xong rồi mẹ kêu "tao thịt mày, tao thịt mày". Ông ngoại vỗ đùi cười ặc ặc còn cậu Toàn của mình thì cầm máy dí vào quay cái video.
Mẹ mình cứ đi qua cái lồng của nó là lại chẩu mồm lên kêu "tao thịt, tao thịt". Có hôm mẹ còn cãi nhau bằng tiếng chim với nó xong dì Lịch của mình lại dí máy vào quay rồi cười hố hố. Bố Chi của mình thì bẩu (bảo): "Thôi thế là lấy phải con điên rồi!".
Hôm nay ông ngoại gọi điện cho tụi mình, mẹ con xui tụi mình hỏi bao giờ thì ông thịt con chim?"
Nét chữ của Bảo Minh khá đẹp, nắn nót, nhưng chị Hạnh vẫn không khỏi bật cười đến rơi hàm, pha chút cảm giác "ngại ngùng" khi cậu con trai 10 tuổi kể xấu mẹ qua giọng văn hài hước, ngây ngô.
Chị Hạnh cho hay, Bảo Minh còn có người anh trai sinh đôi là Nguyễn Bảo An. Trước đó, chị cũng nhiều lần ôm bụng cười ngặt nghẽo khi đọc những áng văn bất hủ của hai cậu quý tử Bảo An, Bảo Minh.
Gia đình bé Bảo An và Bảo Minh.
Cả bố mẹ đều có khiếu hài hước nên Bảo An, Bảo Minh đều "kế thừa" sự vui tính này, khiến cả gia đình chị Hạnh lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười vì những màn "tấu hài" có một không hai.
"Mình vốn tính thoải mái, thích nói đùa, kể chuyện hài hước và muốn các con cũng tự do sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng phong phú chứ không rập khuôn theo bài văn mẫu nào, vì thế mà hai cậu con trai cho ra lò nhiều áng văn chương bất hủ thực sự.
Nhất là cu em Bảo Minh, bạn ấy có năng khiếu viết văn hơn anh, anh Bảo An thì văn nói tốt hơn văn viết, nói chuyện hài hước lắm.
Hai bạn ở nhà thì nghịch nhưng nhát, động quát hay mắng cái đã chảy nước mắt ra rồi. Với hay làm thơ, làm nũng nữa mặc dù giờ đã 10 tuổi rồi đấy, cứ thấy bố mẹ về là chạy ra kêu bế em với.
Và đặc biệt là không gọi bố, mẹ không mà lúc nào cũng kèm theo tên của bố mẹ vào, kiểu như: Bố Chi ơi, mẹ Hạnh ơi… rồi xưng "em" với bố mẹ nữa"
Được biết, đây không phải lần đầu chị Hạnh được phen cười ra nước mắt khi đọc những áng văn của hai cậu con trai Bảo An, Bảo Minh.
Vợ chồng chị Hạnh nhiều lần cười ra nước mắt khi đọc văn của hai con
Ngân Hà