(Tổ Quốc) - Có những ngày, bác sỹ Phương Mai và các đồng nghiệp làm việc liên tục không dưới 12 tiếng, không dám bỏ khẩu trang, kể cả giờ nghỉ ngơi.
Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội - tuyến đầu chữa trị Covid-19, hiện còn khoảng 20 bệnh nhân. Thời kỳ đỉnh điểm, Khoa tiếp nhận 39 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 22 người bị tổn thương phổi.
Để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, cán bộ, nhân viên của Khoa phải chia làm 2 nhóm thay phiên nhau. Mỗi tốp gồm 3 bác sỹ và 8 điều dưỡng, sẽ làm việc trong vòng 14 ngày rồi thay ca. Để hỗ trợ cho Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp trong tuyến đầu chống dịch, tại cơ sở 1 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã bố trí thêm một nhóm nhân viên y tế. Họ luôn sẵn sàng và chuẩn bị tinh thần trong trường hợp thay thế, để đảm bảo tốt nhất sức khoẻ cho y bác sỹ.
Nếu ở giai đoạn một, chỉ có 16 bệnh nhân Covid-19, thì nay bước sang giai đoạn 2 và 3, số ca bệnh tăng lên nhanh, bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn, một số bệnh nhân phải hồi sức tích cực, bệnh nhân nhẹ phải được giữ để không trở nặng. Thời gian vừa qua, Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp đã và đang băn khoăn, trăn trở rất nhiều để có phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, giúp họ cải thiện tình trạng bệnh, không phải chuyển xuống khoa Cấp cứu.
Ths.BS Đỗ Thị Phương Mai - Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp cho biết, mỗi ngày, toàn bộ nhân viên y tế tham gia điều trị phải ngồi cùng với nhau, hội ý về từng trường hợp, từng bệnh nhân và có sự hỗ trợ của hội đồng chuyên môn Bộ Y tế. Theo chị, trên thực tế, các bệnh nhân mắc Covid-19 có nhiều thay đổi bất thường trong quá trình điều trị. Cụ thể, xét nghiệm Realtime-PCR có thể cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng sau đó lại cho kết quả dương tính. Bệnh nhân có thể sốt hoặc gặp phải các tác dụng phụ của thuốc. Vì thế, đơn vị luôn cố gắng giúp đỡ bệnh nhân không gặp phải những tác dụng phụ của thuốc hoặc chấp nhận tác dụng phụ của thuốc một cách nhẹ nhàng hơn.
Có những ngày, bác sỹ Phương Mai và các đồng nghiệp làm việc liên tục không dưới 12 tiếng, không dám bỏ khẩu trang, kể cả giờ nghỉ ngơi.
"Đa số bệnh nhân vào với chúng tôi đều tình cảm, sẵn sàng sẻ chia với y bác sỹ. Tôi nhớ nhất là một bạn du học sinh trở về từ Anh, nay đã khỏi bệnh. Có một lần, bạn ấy gọi cho tôi và nói: "Cô cho cháu thử kháng thể. Nếu có kháng thể, cháu sẵn sàng hiến huyết tương để chữa trị cho các bệnh nhân khác". Thực sự điều đó động viên chúng tôi rất nhiều, giúp chúng tôi nhận ra không chỉ mỗi chúng tôi là người hy sinh trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, mà cả cộng đồng xã hội cùng quan tâm cứu chữa mọi người thoát khỏi thảm hoạ Covid-19 này", chị Mai nói.
Đối với các bệnh nhân người nước ngoài, bác sỹ Mai cho biết đôi khi nhân viên y tế gặp khó khăn trong công tác chữa trị vì bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, tập quán cũng như thói quen dinh dưỡng. Tuy nhiên, Bệnh viện luôn cố gắng hết khả năng, cố gắng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ, lựa chọn liệu trình phù hợp với cơ địa của từng người bệnh.
Các chất thải y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ, găng tay y tế,… thải bỏ sau khi đã sử dụng đều được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy trình, quy định nghiêm ngặt. Cụ thể, tất cả đều được chứa đựng trong bao bì chuyên dụng, được thu gom riêng biệt với các loại chất thải khác, vận chuyển bằng phương tiện chuyên dùng và xử lý theo quy trình đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Trong ảnh, bác sỹ Phương Mai tiễn các bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh chuyển lên khoa cách ly theo dõi thêm 14 ngày trước khi chính thức được xuất viện. "Là một người bác sỹ, chúng tôi mong nhất là bệnh nhân luôn khỏe mạnh. Mỗi khi bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, đó là niềm vui tự nhiên của tất cả chúng tôi. Có chút tự hào nào đó, vì chúng tôi thực sự đã cố gắng hết mình. Tôi vẫn hay nói đùa, các thầy thuốc phải giàu về tình cảm lắm, mới có thể theo được nghề này lâu dài. Bởi nếu không, khó có ai có thể hy sinh cho bệnh nhân nhiều đến mức như thế", chị Mai nói.
Điều mà bác sỹ Phương Mai mong muốn gửi tới cộng đồng nhất, rằng đồng bào hãy nghiêm chỉnh tuân theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về "giãn cách xã hội". "Khả năng của y bác sỹ có hạn, chúng tôi không thể chữa được một lượng bệnh nhân quá lớn. Cho nên, tôi mong toàn dân luôn cố gắng cách ly an toàn và thành công, để chúng tôi cũng thành công trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19".
Tính đến 18h chiều 18/4, cả nước tiếp tục không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Tổng số bệnh nhân đến hiện tại vẫn là 268 trường hợp, bao gồm 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%). Đã có 201 ca được điều trị khỏi bệnh, còn 67 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở y tế.
Minh Nhân - Ảnh: Phương Thảo