(Tổ Quốc) - Ca phẫu thuật kéo dài trong 5 tiếng nhưng để đưa được nữ bệnh nhân mang khối u buồng trứng rất lớn vào bệnh viện và đến được bàn mổ giữa thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là cả một chặng đường gian nan.
Chiều 14/8, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM cho biết, ông cùng các đồng nghiệp vừa trải qua một "ca mổ nửa ngày" khá đặc biệt.
Bệnh nhân là một phụ nữ 55 tuổi, bị ung thư buồng trứng phát hiện hơn 3 tháng nay nhưng vì dịch bệnh, hạn chế di chuyển theo Chỉ thị số 16 mà không thể đến BV thăm khám.
Ban đầu bệnh nhân cố chịu đựng. Đến khi bụng quá to, đau đớn do chèn ép và khó thở nên được nhập BV địa phương.
Tại đây sau khi xác định tình hình nguy hiểm, bệnh nhân được chuyển gấp lên tuyến trên.
Lúc này, người phụ nữ phải trải qua một loạt các thủ tục, quy trình sàng lọc, xét nghiệm, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong khoảng 7 giờ đồng hồ mới được khoa điều trị.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân có khối bướu buồng trứng rất to, kích thước gần 15kg chiếm toàn bộ bụng, xâm lấn các quai ruột, chèn ép đẩy gan dạ dày thận lách.
Bướu cũng xâm lấn một phần bọng đái, niệu quản gây thận ứ nước độ 3, di căn hạch chậu 1 khối trên 8cm... Đây cũng là ca mổ duy nhất trong ngày của các bác sĩ khoa Ngoại 1, BV Ung Bướu TP.HCM giữa mùa dịch COVID-19.
Một vấn đề oái oăm khác xuất hiện khi bệnh nhân mang nhóm máu hiếm, BV lại không có loại máu cần tìm, phải cầu cứu BV Truyền máu Huyết học TP.HCM.
Do đó ekip điều trị phải hết sức cẩn thận, mổ thật kỹ để tránh bệnh nhân mất máu nhiều.
Sau 5 giờ căng não trên bàn mổ, các bác sĩ đã lấy toàn bộ khối ung thư ra khỏi ổ bụng nhưng phải trả giá bằng một đoạn niệu quản bị cắt đi do bướu xâm lấn, mất hết 1 lít máu.
Chưa kịp thở phào vui mừng vì đã cứu được bệnh nhân, các bác sĩ hoảng hốt khi một nhân viên trong khoa được xác định nhiễm COVID-19.
Điều này đồng nghĩa với việc toàn ekip điều trị đã trở thành F1.
May mắn là kết quả xét nghiệm sau đó của các bác sĩ đã âm tính với SARS-CoV-2.
Hoàng Lê