(Tổ Quốc) - Thay vì suy sụp tinh thần, bác sĩ Hải biến nỗi buồn nhiễm bệnh trở thành động lực để tập trung hết sức hỗ trợ bệnh nhân. Lớp rào chắn bảo hộ ngăn cách anh và các F0 không còn nữa.
"Ngày đầu tiên, 600 bệnh nhân.
Ngày thứ hai, thêm 1.200 người nữa.
Ngày thứ 3, tôi cùng đồng đội vào đến. Mọi thứ như bãi chiến trường…".
Nhiễm bệnh sau 9 ngày vào "cuộc chiến"
Bác sĩ Dương Thanh Hải, khoa Ung bướu, Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM) nhớ lại khoảng thời gian đầu tiên anh tham gia cuộc chiến chống COVID-19 – một ngày đầu tháng 7/2021.
Trước đó, khi xung phong vào lực lượng phòng chống dịch, bác sĩ Hải vẫn còn trong tâm thế sẽ nhận nhiệm vụ chính là theo dõi các trường hợp F1 đang cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.
Tuy nhiên mọi thứ thay đổi chóng mặt khi số ca F0 leo thang. Khu cách ly phải chuyển cấp bách thành Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 (Bệnh viện Dã chiến số 2).
Vậy là trong phút chốc, bác sĩ Hải trở thành đội trưởng Đội 1 gồm 8 người (3 bác sĩ và 5 điều dưỡng) của BV Bình Dân tham gia điều trị ở nơi này.
Ngày 6/7 nhận lệnh. Ngay sáng hôm sau, nhóm lên đường.
"Chúng tôi vừa đến nơi đã lao vào làm việc ngay. Từ theo dõi sức khỏe bệnh nhân, trải ga giường đến những công việc nhỏ nhất như dọn rác, xử lý điện nước. Bề bộn lắm, nhưng vậy đã là may mắn hơn các bác sĩ phải vào ngày 1 và ngày 2, khi BV dã chiến giống như tờ giấy trắng chưa có bất cứ thứ gì" – bác sĩ Hải kể.
Tình thế cứ xoay chuyển chóng mặt. Ban đầu, BV dã chiến số 2 thành lập với chức năng thu dung các trường hợp không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Nhưng sau đó, các ca bệnh chuyển biến nặng cứ lần lượt xuất hiện.
Bác sĩ Hải cùng cộng sự bàn bạc nhau tìm cách lập nên đội theo dõi, xử trí hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân bất ngờ suy hô hấp, phải đặt nội khí quản.
Với quỹ thời gian ngắn ngủi mỗi ngày, họ phải căng sức nhận bệnh, sắp xếp giường, làm các công tác hậu cần, theo dõi diễn tiến bệnh, cấp cứu cho bệnh nhân.
Có những giây phút tưởng chừng bị vắt kiệt sức, bác sĩ Hải cố trấn tĩnh rằng mình là người "đứng mũi chịu sào" cả kíp nhân viên y tế. Nếu như gục ngã, bỏ cuộc giữa chừng thì làm sao vực dậy tinh thần mọi người được.
Vậy là guồng quay công việc khiến cả đội quên luôn sự bức bối, nóng nực trong bộ đồ bảo hộ kín mít.
Cũng có thể chính tình thương, cảm xúc của người thầy thuốc với bệnh nhân cũng góp phần làm tăng thêm sức lực cho nam bác sĩ.
"Tôi không bao giờ quên hình ảnh 2 mẹ con vào BV dã chiến số 2 vào một đêm mưa.
Người mẹ một tay ôm đứa con còn bé nhỏ, chỉ vài tháng tuổi, một tay kéo va li bước qua những vũng nước. Họ lo lắng, gắng gượng níu giữ sự sống.
Hay những trường hợp cụ ông, cụ bà tuổi cao sức yếu mà còn phải đi theo chăm cháu vì nhà chẳng còn ai, cha mẹ đã đi điều trị cả rồi…
Tôi cũng có 1 gia đình nhỏ, cũng hiểu được nỗi đau xa cách người thân này. Nên không thể nào dửng dưng được mà phải cố gắng chăm sóc họ như người nhà" – bác sĩ Hải nói.
Chưa kịp thảnh thơi khi mọi thứ dần đi vào ổn định, ngày thứ 9 làm việc tại BV dã chiến số 2, bác sĩ Hải nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận hiểm nguy nhưng anh có chút bất ngờ, bởi bi kịch đến sớm quá.
Trước đó, nhiều đồng đội của anh cũng từ người điều trị trở thành bệnh nhân.
Thời điểm bác sĩ Hải nhiễm bệnh, số ca nhiễm của TP.HCM đã tăng lên hàng chục ngàn.
Lúc này, số BV dã chiến được thành lập đã vượt con số 10.
Bác sĩ F0 cứu bệnh nhân khi vẫn còn dương tính
Khứu giác và vị giác mất còn người thì mệt rã rời, bác sĩ Hải được chuyển về BV dã chiến số 8 theo nguyện vọng. Ở nơi đây anh có thể vừa điều trị, vừa sát cánh cùng các đồng đội BV Bình Dân và sự hỗ trợ từ BV Thống Nhất.
Với quy mô 6.000 giường, BV Dã chiến số 8 tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến trung bình.
Bệnh nhân Dương Thanh Hải được phân vào phòng số 8, tầng 6 cùng với 2 đồng đội cũ của mình.
Tại đây, anh tham gia ngay vào nhóm hỗ trợ người bệnh trực tuyến trên nền tảng một mạng xã hội.
Thay vì nằm chờ hết bệnh, bác sĩ Dương Thanh Hải và 2 đồng đội đã kịp thời giúp trấn an tâm lý, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân. Việc chống dịch theo cách mới mẻ này giúp anh giảm công việc cho các nhân viên y tế đang quá tải.
Vì đã là F0, bác sĩ Hải đã thoát cảnh phải mặc đồ bảo hộ mỗi ngày. Không còn lớp rào chắn nóng bức, mỗi khi có bệnh nhân khó thở, suy hô hấp, anh là một trong những bác sĩ nhanh nhất lao đến nắm bắt tình hình, ghi nhận hướng xử lý và báo cáo cho bác sĩ điều trị.
Ngày 23/7 với kết quả xét nghiệm âm tính, bác sĩ Hải được xuất viện.
Và chỉ 2 ngày sau, anh gửi tiếp đơn đăng ký tình nguyện quay lại tham gia vào đội phòng chống dịch COVID-19 tại BV dã chiến Số 8, nơi anh vừa đóng 2 vai bác sĩ lẫn bệnh nhân.
"Cả người dân, nhân viên y tế và các lực lượng hỗ trợ đang phải trải qua rất nhiều khó khăn với những tình cảnh tôi chưa từng thấy trong đời.
Tôi không có mong muốn gì hơn là dịch được khống chế để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường và những mất mát, tổn thương sẽ vơi đi", anh nói về mong muốn được xung trận lần 2.
Mong mỏi từng ngày gặp lại 2 con
Những ngày chờ được quay lại chống dịch, bác sĩ Hải về nhà tự cách ly 2 tuần theo quy định.
2 con nhỏ đã gửi về quê hơn nhờ ông bà chăm sóc 3 tháng nay để đảm bảo an toàn, người thân duy nhất còn ở lại Sài Gòn cùng là cô vợ đầu ấp tay gối.
Nhưng dịch bệnh khiến họ ở cạnh nhau mà không thể dựa vào nhau theo đúng nghĩa đen.
Để tuân thủ cách ly, vợ chồng bác sĩ Hải mỗi người ở 1 phòng, cũng không thể cùng ăn, cùng sinh hoạt.
Cộng với đặc thù công việc khiến họ có ít thời gian giáp mặt. Nếu có, cũng bị ngăn cách nhau bởi lớp khẩu trang N95 lạnh lùng.
Để nguôi ngoai nỗi nhớ 2 con nhỏ, bác sĩ Hải thường xuyên gọi về quê, nhìn con qua màn hình điện thoại.
"Tụi nhỏ cứ đòi lên Sài Gòn suốt, than nhớ mẹ rồi khóc. Đứa học lớp 3 lên lớp 4, đứa thì mới lớp chồi. Trường cũng thông báo sắp vào năm học mới, phải học online.
Nếu học online thì cần có máy tính trang bị phần mềm đầy đủ, rồi sách vở. Chắc phải tính đường cho 2 đứa học tạm ở quê.
Tôi mong mỏi từng ngày hết dịch để có thể đón các cháu lên lại" – bác sĩ Hải tâm sự.
Hoàng Lê