(Tổ Quốc) - Theo Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM), việc nhiều BV gom các xét nghiệm, kể cả của BV khác vào hồ sơ bệnh án có thể triệt đường sống bệnh nhân.
Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết phản ánh sự việc chị N.T.M.C. (43 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) phải cắt bỏ ngực phải dù được BV Ung bướu TP.HCM chẩn đoán lành tính 1 tháng trước, bác sĩ đang tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân tiếp tục có những ý kiến xoay quanh câu chuyện cung cấp hồ sơ bệnh án
"Gom xét nghiệm vào hồ sơ bệnh án rồi đóng dấu 'mật' là triệt đường sống bệnh nhân"
Cụ thể bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, BV quận Thủ Đức (TP.HCM) nhận định một số BV còn máy móc, cứng nhắc trong vận dụng quy định về hồ sơ bệnh án.
Trong quá trình điều trị, tóm tắt bệnh án không thể thay thế việc đánh giá trực tiếp trên những xét nghiệm, ảnh phim hay MRI của bệnh nhân. Nếu không cung cấp ngay các hình ảnh chẩn đoán cho bệnh nhân sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân và cả bác sĩ khi nhận bệnh từ nơi khác đến.
"Việc gom các xét nghiệm, kể cả của BV khác vào hồ sơ bệnh án rồi đóng dấu 'mật', rõ ràng là lợi dụng kẽ hở của luật, một cách 'giữ không cho bệnh nhân thoát'.
Nếu bệnh nhân ở xa, bệnh trở nặng phải cấp cứu tại BV địa phương mà không có xét nghiệm gì hết, bác sĩ biết gì mà cấp cứu, nhất là các bệnh nhân điều trị lâu dài. Như vậy chẳng khác nào triệt đường sống của bệnh nhân" – bác sĩ Vũ bức xúc và cho biết việc làm công văn xin hồ sơ bệnh án từ tuyến điều trị trước sẽ mất vài ngày.
Dẫn chứng hậu quả của việc không trả ngay các xét nghiệm cho bệnh nhân, bác sĩ Vũ chia sẻ trước đây từng có 1 bệnh nhân tên C.T.N. bị ung thư phổi, điều trị tại BV tuyến trên rồi chuyển về BV quận Thủ Đức.
Vì phải xin tóm tắt bệnh án rồi tiếp tục làm tiếp đơn xin sao chụp các hình ảnh xét nghiệm nên việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ gặp rất nhiều bất lợi. Sau đó, bệnh nhân đã mất.
Quan điểm của bác sĩ Vũ cho rằng các xét nghiệm là tài sản của bệnh nhân, nên phải để họ tự quyết định tài sản của mình.
Nếu BV điều trị tịch thu và bảo bệnh nhân phải làm đơn xin lại tài sản của mình thì không hợp lý.
Ngoài ra theo bác sĩ, hiện nay chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế là giảm tải cho các BV thành phố, tuyến trên và chuyển bệnh nhân về lại địa phương điều trị tiếp nếu có thể. Việc giữ xét nghiệm bệnh nhân là hành động đi ngược lại chủ trương đó.
"Trước giờ BV quận Thủ Đức không giữ xét nghiệm của bệnh nhân nào hết. Nếu bệnh nhân làm tại BV các xét nghiệm đều đã lưu trên hệ thống. Nếu là xét nghiệm từ BV khác, chúng tôi chỉ mượn để lưu giữ bản sao và trả lại cho bệnh nhân sau khi hội chẩn với khoa Chẩn đoán hình ảnh. Đây là việc làm rất bình thường mà BV áp dụng từ lâu" – bác sĩ này phân tích.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cung cấp hồ sơ bệnh án như thế nào?
Chúng tôi tiếp tục phỏng vấn lãnh đạo BV Ung bướu TP.HCM để được giải đáp về vấn đề lưu giữ và cung cấp hồ sơ bệnh án bệnh nhân mà nơi này áp dụng.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết, hồ sơ bệnh án nội trú và ngoại trú được BV bảo quản theo chế độ mật căn cứ theo điểm a, khoản 3, điều 59 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh do Quốc Hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011.
Các kết quả X-quang, siêu âm, xét nghiệm cũng là một thành phần của hồ sơ bệnh án.
Khi bệnh nhân chuyển tuyến sang BV khác, BV Ung bướu sẽ cung cấp giấy ra viện, giấy chuyển tuyến và tóm tắt bệnh án theo quy định tại Điều 7, Thông tư 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Quy định chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh".
Trong trường hợp vì lý do cá nhân, bệnh nhân có đơn yêu cầu cung cấp các kết quả X-quang, siêu âm…, phòng Kế hoạch tổng hợp của BV vẫn cung cấp bản sao cho bệnh nhân hoặc người được bệnh nhân ủy quyền hợp pháp bằng văn bằng.
Việc này căn cứ theo Khoản 1, Điều 11 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2009 về "Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh".
Còn bản gốc vẫn được lưu trong hồ sơ bệnh án tại BV.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay việc lưu giữ thông tin hồ sơ bệnh án vào các thiết bị như USB, CD-ROM tồn tại nhiều bất cập như dễ hỏng, dễ bị mất và muốn xem phải có máy vi tính.
Hiện tại, BV Ung bướu TP.HCM có dịch vụ cung cấp user và mật mã cho bệnh nhân. Bệnh nhân có thể truy cập được các kết quả về chẩn đoán hình ảnh qua phần mềm My Vue.
Nhờ dịch vụ này, người bệnh có thể truy xuất được hình ảnh X-Quang, MRI, CD, nhũ ảnh… tại bất cứ nơi đâu miễn có thiết bị phù hợp (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh) và mạng internet.
Do đó bệnh nhân có thể dễ dàng tái khám và nhờ bác sĩ tư vấn tình trạng bệnh dù đang ở trong hay ngoài nước.
Bác sĩ Tuấn khẳng định, từ trước đến nay khi các BV khác có công văn xin các kết quả trong hồ sơ bệnh án để điều trị tiếp cho bệnh nhân, BV luôn sẵn lòng cung cấp.
Tuy nhiên, cần phải có văn bản đề nghị để biết chính xác BV bạn cần thông tin nào và cũng để ngăn chặn những đối tượng giả danh BV lấy thông tin bệnh nhân với ý đồ không tốt.
Về câu hỏi chậm nhất là bao lâu kể từ khi BV điều trị gửi văn bản xin hồ sơ bệnh án thì BV Ung bướu TP.HCM sẽ cung cấp, bác sĩ Tuấn không đề cập.
"BV Ung bướu dù có quá tải bệnh nhân nhưng luôn tuân thủ các quy định của ngành y tế nhằm tạo thuận lợi nhất cho bệnh nhân đến khám và điều trị, đáp ứng các yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật của bệnh nhân và thân nhân.
BV luôn cầu thị, lắng nghe và giải đáp các ý kiến thắc mắc của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân để ngày càng hoàn thiện hơn trong công tác khám chữa bệnh" - Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM nói.
Hoàng Lê