(Tổ Quốc) - Những chia sẻ của bác sĩ Sản khoa sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích cũng như cái nhìn đúng đắn hơn cho chị em về vấn đề triệt sản.
Thời gian gần đây, vấn đề tránh thai bằng biện pháp triệt sản nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cặp vợ chồng. Ở Việt Nam, triệt sản chưa phải là một phương pháp tránh thai phổ biến và cũng còn nhiều người hiểu sai bản chất của triệt sản. Do vậy dẫn đến việc nhiều chị em lựa chọn tránh thai bằng những biện pháp như: Đặt vòng, uống thuốc tránh thai, cấy que tránh thai, xuất tinh ngoài... chứ nhất định không chọn triệt sản.
Bên cạnh đó, nhiều chị em còn e ngại chuyện triệt sản vì vướng mắc những câu hỏi như: "Triệt sản xong muốn đẻ tiếp có được không" hay "triệt sản có ảnh hưởng đến nội tiết, đời sống sinh hoạt vợ chồng hay không?"...
Để làm rõ những thắc mắc đó, chúng tôi đã liên hệ với Th.S, BS Tạ Việt Cường (Phó giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2) để được giải đáp cụ thể.
Đã triệt sản vẫn có thể tiếp tục sinh con
- Thưa bác sĩ, theo anh triệt sản có phải là một biện pháp tránh thai nên ưu tiên không?
Triệt sản là biện pháp tôi thường tư vấn cho các cặp vợ chồng đã nhiều tuổi và sinh đủ con. Mọi người khi đến thăm khám và nghe tư vấn thì rất hay ngại ngùng về vấn đề triệt sản. Bởi tâm lý của nhiều người nghĩ rằng chúng ta có khả năng mang thai mà bây giờ tự nhiên bị mất đi. Mặc dù hiện tại có thể không có nhu cầu sinh con nhưng họ xem như việc có thể mang thai là "của để dành".
Về mặt y học, triệt sản chỉ đơn thuần là cắt đường dẫn trứng (ở nữ) và đường dẫn tinh (ở nam) để không thể xảy ra quá trình thụ thai.
Với triệt sản nam thì đơn giản hơn, việc phẫu thuật nhẹ nhàng và bệnh nhân không cần thiết phải nằm viện. Vì đường dẫn tinh của nam nằm ngay ngoài da, có thể mổ dưới da bìu với một đường rạch khoảng 2cm thì đã có thể bộc lộ hết đường ống dẫn tinh để bác sĩ tiến hành thắt và cắt ống dẫn tinh là xong.
Còn triệt sản nữ phức tạp hơn vì phải can thiệp vào trong ổ bụng, có thể phải mổ nội soi để kẹp 2 vòi tử cung lại. Hàng tháng trứng vẫn rụng bình thường và không thụ thai được thì trứng sẽ tự tiêu đi.
- Sau khi đã triệt sản rồi mà các cặp đôi vẫn muốn có con trở lại thì phải làm thế nào?
Đối với nam giới đã triệt sản có thể nối lại ống dẫn tinh và người đàn ông sẽ vẫn tiếp tục có con được bình thường, song vấn đề nối ống dẫn tinh còn phụ thuộc vào thời gian tính từ lúc cắt ống dẫn tinh đến hiện tại.
Nhưng với phụ nữ, việc nối ống dẫn trứng cũng có thể làm được nhưng vì ống dẫn trứng rất mềm, nên việc nối lại khá phức tạp và tỷ lệ để có con tự nhiên là không cao. Đây cũng không phải là một phẫu thuật được các bác sĩ làm thường xuyên.
Các trường hợp đã triệt sản rồi mà vẫn muốn có con thì chúng tôi thường tư vấn đi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Bởi càng ngày thụ tinh trong ống nghiệm càng phổ biến và đơn giản hóa hơn nhiều. Vì vậy nếu so sánh tỷ lệ thành công thì nên chọn thụ tinh trong ống nghiệm.
Triệt sản hoàn toàn không ảnh hưởng đến vấn đề nội tiết, sinh hoạt tình dục
- Nhiều người vẫn bảo nhau rằng triệt sản sẽ làm giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng hay nói vui là "chán chồng", điều này có đúng không thưa bác sĩ?
Tôi khẳng định chắc chắn là không, những ai đang nghĩ như vậy là hiểu sai bản chất của vấn đề. Buồng trứng mới là nơi bài tiết hormone và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Triệt sản chỉ là cắt đường dẫn trứng và đường dẫn tinh, hoàn toàn không tác động đến mạch máu nuôi buồng trứng hay tinh hoàn. Do đó, chức năng của buồng trứng và tinh hoàn vẫn hoạt động bình thường, vấn đề nội tiết hay sinh hoạt tình dục cũng không ảnh hưởng. Nhưng tất nhiên là trong trường hợp việc triệt sản phải được thực hiện đúng kỹ thuật.
Về mặt tâm tính của những chị em đã triệt sản thì hoàn toàn không có sự thay đổi hay ảnh hưởng nào cả. Nếu nói công bằng thì thuốc tránh thai, đặt vòng còn ảnh hưởng đến nội tiết tố của phụ nữ nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu quá trình triệt sản không được thực hiện đúng kỹ thuật, chẳng hạn như bác sĩ dùng dao điện đốt quá nhiều đến các mạch máu nuôi buồng trứng hay làm tổn thương đến mạch máu nuôi tinh hoàn thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Với chúng tôi thì không thể nghĩ đến việc sẽ làm sai nhưng trong phẫu thuật chuyện gì cũng có thể xảy ra. Vì vậy nên mọi người có nhu cầu triệt sản cần phải chọn những cơ sở y tế với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt.
- Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về ưu và nhược điểm của triệt sản đối với chị em?
Triệt sản không chỉ là một giải pháp tránh thai rất tốt mà còn có những tác động tích cực đến đời sống sinh hoạt vợ chồng.
Tôi đã gặp những người phụ nữ đến khám có chia sẻ là trong khi quan hệ vợ chồng, họ không thể "lên đỉnh". Khi hỏi kỹ ra thì mới biết họ chọn tránh thai bằng cách xuất tinh ngoài nên khó mà đạt được đến điểm ham thích nhất. Do đó, bản thân họ luôn cảm thấy không thoải mái.
Nhưng khi đã triệt sản rồi thì người phụ nữ không phải lo lắng chuyện mang thai ngoài ý muốn nữa, tâm lý thoải mái hơn sẽ giúp vấn đề sinh hoạt vợ chồng được cải thiện đáng kể.
Về nhược điểm của triệt sản thì chỉ có việc chị em phụ nữ sẽ khó có con tự nhiên trở lại mà phải làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, trong cuộc sống không có cái gì là hoàn toàn ưu điểm, cái gì cũng có ưu, nhược điểm. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ, cân nhắc giữa ưu, nhược điểm để lựa chọn cho mình một phương án phù hợp.
- Bác sĩ có lời khuyên như thế nào dành cho những bà mẹ đang muốn triệt sản?
Khi đã có đủ con, không định có con nữa thì triệt sản là một giải pháp tốt. Nhưng thường thì chúng ta không nên triệt sản khi còn quá trẻ. Ở độ tuổi dưới 30 dù đã đẻ đủ con nhưng đi triệt sản cũng là hơi sớm. Chúng ta nên triệt sản khi ở độ tuổi trên 35, vì tỷ lệ phụ nữ trên 35 tuổi mang thai khả năng thai bị dị tật cao hơn nhiều.
Khi chị em muốn triệt sản thì chúng tôi thường khuyên nên làm luôn trong lúc mổ đẻ, để đỡ vất vả, phức tạp. Thời gian thực hiện triệt sản trong lúc mổ đẻ chỉ mất khoảng 15-20 phút.
Cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ!
Minh Phương