Bắc Giang: Một trẻ sơ sinh 04 ngày tuổi được điều trị vàng da mức độ nặng bằng cách thay máu toàn phần

(Tổ Quốc) - Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên với những trẻ sơ sinh bị vàng da do bệnh lý nếu không được điều trị có thể sẽ để lại di chứng về thần kinh.

Bệnh nhân bị vàng da bệnh lý ở mức độ nặng

Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vừa thực hiện thành công kỹ thuật thay máu toàn phần điều trị vàng da nhân não cho trẻ sơ sinh Tống Duy Khánh (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) được thay máu để điều trị vàng da bệnh lý ở mức độ nặng khi tròn 04 ngày tuổi.

Bệnh nhân nhập viện Sản Nhi Bắc Giang trong tình trạng li bì, có cơn ngừng thở, bỏ bú, vàng da đậm toàn thân và vàng mắt. Các bác sĩ Khoa Sơ sinh tiến hành xét nghiệm cho bé thì thấy chỉ số Bilirubin (chỉ số có ý nghĩa lớn trong chẩn đoán bệnh lý liên quan đến máu, cơ quan tạo máu, gan mật, bệnh nhiễm trùng, siêu vi…) ở mức rất cao. Các bác sĩ khoa Sơ sinh hội chẩn và quyết định tiến hành thay máu toàn phần cấp cứu cho bệnh nhân nhi kết hợp chiếu đèn điều trị vàng da tích cực để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm xảy ra ở trẻ.

Thời gian thay máu liên tục kéo dài 04 giờ với lượng hồng cầu 240ml và huyết tương 240ml. Sau thay máu bệnh nhi Duy Khánh được xét nghiệm lại, kết quả chỉ số Bilirubin toàn phần lúc này đã giảm xuống còn 267 μmol/L, các bác sỹ tiếp tục chiếu đèn điều trị vàng da tích cực, kết hợp nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và cho ăn qua ống sonde dạ dày.

Sau 02 ngày thay máu bệnh nhân tự thở được, da vàng nhẹ và chuyển sang ăn sữa hoàn toàn qua sonde dạ dày với lượng sữa tăng dần từng chút một, trẻ hấp thu sữa tốt. Sau 03 ngày thay máu đánh giá trên lâm sàng da trẻ hồng hào, nhịp tim, nhịp phổi ổn định và 02 ngày sau cháu Khánh được chuyển sang Phòng ghép Mẹ và Bé để mẹ bé tự chăm sóc cháu cho tới khi xuất viện.

Một trẻ sơ sinh được thay máu toàn phần điều trị vàng da ở mức độ nặng thành công - Ảnh 1.

Bệnh nhân nhi Khánh đượcthay máu kết hợp chiếu đèn điều trị vàng da tại khoa Sơ sinh

Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết: "Kỹ thuật thay máu cho trẻ bị vàng da bệnh lý ở mức độ nặng có nguy cơ tổn thương não là kỹ thuật mới được triển khai thành công tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang thời gian gần đây. Bệnh nhi Khánh là trường hợp thứ 02 đội ngũ y bác sĩ thực hiện thành công. 

Trước đây tại Khoa Sơ sinh chỉ tiếp nhận điều trị những trường hợp vàng da bệnh lý thể nhẹ bằng phương pháp chiếu đèn, còn với những trường hợp vàng da bệnh lý ở mức độ nặng có dấu hiệu tổn thương não như thế này thì thường phải chuyển tuyến ra ngoài bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị bởi nếu chậm trễ thì trẻ không chỉ bị nhiễm độc thần kinh, co giật, hôn mê, để lại di chứng về thần kinh như bại não mà thậm chí nguy cơ tử vong ở trẻ cũng rất cao".

Trẻ bị vàng da bệnh lý nếu không được điều trị dễ để lại những di chứng về thần kinh

Theo BS CKII Nguyễn Thị Lệ, có một số nguyên nhân gây vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh như: Nhiễm trùng huyết; Bất đồng nhóm máu mẹ con (Rh hay nhóm máu A,B,O); Thiếu men G6PD; Suy giáp bẩm sinh; Một số bệnh lý di truyền (Hội chứng Gilbert; Các bệnh lý gan/mật bẩm sinh (thiểu sản đường mật, bất thường cấu trúc đường mật, tắc đường mật trong/ngoài gan…). Hai trường hợp vàng da bệnh lý được điều trị thay máu toàn phần tại bệnh viện có nguyên nhân gây vàng da được xác định là do thiếu men G6PD. Men G6PD là một chất xúc tác quan trọng cho các phản ứng chuyển hóa trong tế bào và đặc biệt quan trọng đối với hồng cầu.

Nếu tình trạng vàng da kéo dài mà không sớm được điều trị sẽ để lại những di chứng về thần kinh như suy giảm trí tuệ, bại não hoặc chậm phát triển về thể chất (vàng da nhân não). Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh thiếu men G6PD, vì vậy ngay sau sinh trẻ nên sớm được thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu gót chân để phát hiện các bệnh di truyền bẩm sinh.

Một trẻ sơ sinh được thay máu toàn phần điều trị vàng da ở mức độ nặng thành công - Ảnh 2.

BS Lệ khám bệnh nhân nhi trước ngày xuất viện

Cách phát hiện trẻ sơ sinh vàng da do bệnh lý

Theo BS CKII Nguyễn Thị Lệ, với trường hợp xét nghiệm xác định trẻ bị thiếu men G6PD thì các bậc phụ huynh cần lưu không sử dụng các loại dược phẩm, thức ăn hoặc những chất có thể gây tán huyết.

Khi đưa trẻ tới bệnh viện khám cần thông báo với nhân viên y tế về tình trạng thiếu men G6PD của trẻ; Không sử dụng long não, băng phiến cho vào tủ quần áo, chăn màn, giường gối của trẻ (vì băng phiến có chứa naphthalene là một chất oxy hóa);

Thận trọng với một số loại thuốc nam, thuốc đông y vì có thể chứa chất oxy hóa; Tránh ăn đậu tằm và các chế phẩm từ loại đậu này;

Người mẹ cho con bú không được sử dụng những thức ăn hoặc dược phẩm phải kiêng ở người bị thiếu men G6PD vì những chất này có thể đi vào cơ thể trẻ qua sữa mẹ;

BS CKII Nguyễn Thị Lệ khuyến cáo để phát hiện vàng da do bệnh lý dõi trẻ trong vòng 07 ngày đầu sau sinh, đặc biệt với các trẻ sinh non thiếu tháng. Nên nhìn bé dưới ánh sáng tự nhiên (không nên cho trẻ nằm phòng tối hoặc quan sát trẻ dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ không xác định được rõ trẻ có bị vàng da hay không).

Khi phát hiện trẻ sơ sinh có dấu hiệu vàng da kéo dài hoặc cơ thể trẻ bị vàng da bất thường, vàng đến cổ tay, cổ chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân có thể kèm theo các dấu hiệu bú kém, bỏ bú, co giật… thì nên sớm đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân gây vàng da và có biện pháp điều trị y khoa càng sớm càng tốt để phòng ngừa nguy cơ tổn thương não hoặc các di chứng về thần kinh.

MT

Tin mới