(Tổ Quốc) - Chỉ cần nghe đến việc chồng đi hát karaoke thôi là các bà đã có ánh nhìn dò xét, bởi đằng sau thứ giải trí có vẻ đơn giản kia là 2 chữ “tay vịn” đầy màu sắc đen tối… Trong khi bản chất nghề “tay vịn” cũng có những nỗi oan, nhưng chắc nhiều hơn là "oan Thị Màu"…
"Toàn đực rựa nó mất vui đấy!"
Đội sale 01, công ty X.L. sau buổi nhậu từ trưa với màn nhấm nháy và như thường lệ, sẽ đến tăng 2, KARAOKE.
"Anh em mình hôm nay thế này vui quá rồi, nhưng giờ đi hát toàn đực rựa nó lại mất vui đấy. Làm tí 'tay vịn' chứ hả?", Q. khoát tay, hào sảng hỏi như không hỏi, như một điều hiển nhiên. Đã đi hát là phải có "tay vịn", chẳng anh nào trong cái Đội sale doanh số khủng nhất công ty này phủ nhận điều đó cả.
Địa chỉ quen thuộc, quán karaoke trên đường Vũ Tông Phan. Lúc 16h chiều, 7 ông kèm theo 7 "tay vịn". Giờ đón con hay mọi nỗi lo toan gác lại. Chỉ còn những em gái mơn mởn, hở hang để bấm bài, rót bia, hát cùng và dĩ nhiên là để… vịn nữa. Phần "vịn" là thứ được miêu tả là những cái quàng tay, ôm ấp và cũng có thể hơn thế nữa... Tựu chung lại là chất xúc tác của "cảm xúc" cho những người đàn ông trong hơi men.
Khoảnh khắc thư giãn thế này, sao phải nghĩ nhiều...
Đôi khi hình ảnh về những cuộc chơi như thế "không may" lọt ra ngoài, lan truyền lên mạng, các bà vợ xem được, và thế là khiến họ tự nhiên bồn chồn mỗi khi chồng nói "đi karaoke với bạn".
Khi một số hình ảnh từ 1 số quán karaoke có "tay vịn" lọt ra ngoài khiến các bà vợ càng thấy bồn chồn khi nghe chồng nói đi karaoke. Những hình ảnh dường như không thể tục tĩu hơn từ những người đàn ông vốn nói yêu thương vợ hàng ngày, vốn tình cảm lúc làm cha ở nhà mà như “biến hình” thành 1 gã đàn ông trụy lạc nào khác. Là ôm ấp, vờn đùa và những động tác khiến các bà vợ cảm thấy như bị “thiêu đốt”.
Nhiều tuyến đường quen thuộc ở Hà Nội đã trở thành "phố karaoke" như: Vũ Tông Phan, Đê La Thành, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương… Hầu hết các quán karaoke đều có “tay vịn” luôn sẵn sàng phục vụ khách bất kể thời gian.
Một chủ quán karaoke cho biết, phòng hát mà không có “tay vịn” thì khách bỏ đi ngay. Thêm nữa, có “tay vịn” mới có thể mang lại cho họ doanh thu để… sống sót. Ai là người nhanh nhảu bật bia, ai mang đến doanh thu cho quán, ai là người khiến cho các gã đàn ông cảm thấy cần thể hiện sĩ diện đàn ông chỉ có thể là... tay vịn.
Nghề "tay vịn"
Nghề tay vịn không có chỗ cho sự… thẹn thùng. Nhưng không ít cô gái vì lời mời gọi việc nhẹ lương cao, chỉ cần trò chuyện với khách, không cần bán dâm… mà gật đầu. Thế nhưng, lúc đi làm mới biết là chẳng có gì như lời quảng cáo.
Mục đích ban đầu của nhiều cô gái trẻ có thể nghĩ nó không xấu như tưởng tượng, có cô cũng nhất mực không “biến tướng” để giữ đạo đức. Nhưng để giữ “lòng trong”, giữ sự tinh tế thanh lịch ở chốn toàn những gã đàn ông trong hơi men của rượu bia thì thật là chuyện có vẻ hoang đường.
Nhiều cô gái nếu không bỏ nghề đã phải “thích ứng” với nghề bởi quyền lựa chọn là của các cô nhưng thu nhập sẽ khiến các cô gái... chọn nó và ở lại.
Sau ánh đèn mờ, sau tiếng nhạc chói tai là những cười nói, khoác vai, ôm eo, sờ đùi, tiếng cụng ly, tiếng hát... và cả những âm thanh tế nhị khác. Làm gì cũng cần yêu nghề để sống với nó.
T. (quê ngoại tỉnh) còn nhớ, hôm đầu đi làm đã được một người đàn ông tầm U60 chọn, sau cái vòng tay ôm ấp, sờ soạng thì cô bỏ chạy, lần đó bị quản lý mắng chửi té tát.
“Lúc đầu em cũng gà tồ lắm, còn hoảng sợ khi thấy khách sàm sỡ, rồi chạy ra ngoài nhưng quản lý thì mắng chửi rất ghê. Sau lần “chịu nhục” để nhắm mắt đầu tiên rồi em cũng quen. Phải thả lỏng và nhiệt tình cũng mới có thể lấy được tiền “bo” từ khách.
Em đi làm vì tiền, bố mẹ em nợ nần, nên cũng phải xác định đó là 1 đặc thù nghề nghiệp. Đi làm những nghề khác không thể có thu nhập như thế được. Nhưng em giữ nguyên tắc không đi quá giới hạn của 1 “tay vịn” dù cho đồng nghiệp có thế nào”, T. giãi bày.
Tỏ ra không quá yêu nghề, nhưng thu nhập theo T. tiết lộ thì thực sự... đáng mơ ước, tầm 25-30 triệu/ tháng, ngang lương trưởng phòng rồi! Sốc hơn, những đồng nghiệp "yêu nghề" hơn của T. có khi kiếm cả 40-50 triệu một tháng là chuyện bình thường.
Thu nhập cao cũng đi đôi với "áp lực công việc". Một ngày "bận rộn", T. có thể tiếp 6-8 lượt khác. Tiền "vịn" mỗi lần bèo bọt thì 200-300 nghìn, khách "sộp" hơn thì có thể 500-1 triệu. Hỏi thì T. bảo "mệt chứ, nhưng ra tiền". Tất nhiên, sau đó những cô gái như T. sẽ phải "cắt phế" cho quán, cho bảo kê theo tỉ lệ nhất định tuỳ từng bảo kê, từng quán khác nhau.
T. còn tiết lộ thêm, nhiều người nhìn tưởng nghề này là ăn trắng mặc trơn nhưng các cô phải biết uống rượu, thức đêm, chịu cả những khi khách say mà nôn thẳng vào người, lúc khác có khi là những vật thể lạ bay thẳng vào mặt hoặc thậm chí bị cào cấu, có lúc gần như kiệt sức vẫn phải làm vì bảo kê không cho nghỉ hoặc nhiều rủi ro không thể lường trước.
Ý T. là cũng vất vả, chứ chẳng phải ngồi mát ăn bát vàng. "Nghề nào cũng phải đổ mồ hôi mới ra tiền chứ", T. nói.
Biến tướng và trả giá
Theo tưởng tượng của nhiều người, và cũng từ những lời đồn đại của các "dân chơi", các cô gái đi làm tay vịn thường là sinh viên nên trẻ đẹp thôi rồi. Nhưng theo tiết lộ của "người trong nghề" thì không, nếu có thì cũng là "sinh viên fake". Do nắm bắt được tâm lý thích trẻ đẹp của khách, nhiều cô gái làm giả thẻ sinh viên, để khi nói chuyện, phục vụ khách được ưu ái hơn.
Ban đầu, các cô gái trẻ nghĩ rằng nghề tay vịn dễ ăn lắm, chỉ cần ngồi nói chuyện, hát hò với khách, khéo léo chiều khách thì cái gì cũng có, cùng lắm chỉ đụng chạm nhẹ nhàng, chả mất gì. Nhưng một khi đã vào nghề thực sự như T. và các "đồng nghiệp" khác thì mới biết, đằng sau đó ẩn chứa không ít rủi ro, thậm chí là nguy hiểm.
Mặc dù ban đầu có những người không chọn “bán thân” nhưng vì muốn có mối ngon, muốn được tạo điều kiện phải chấp nhận “cặp kè” với quản lý. Thêm nữa, sau này lúc làm phát sinh nhiều thứ. Trước sự động chạm da thịt và những cám dỗ của đồng tiền nhiều cô đã không thể từ chối “bán thân” theo những cách khác nhau như: cặp kè với đại gia, bán dâm theo lượt…
Cái giá phải trả của nghề “tay vịn” khi các cô gái chấp nhận “biến tướng” là vượt quá chữ vịn. Từ bị đánh ghen, bị đồng nghiệp khác chơi đểu, bị mắc bệnh xã hội và gặp những đối tượng biến thái khủng khiếp, chịu cái nhìn kỳ thị, không thể lấy chồng… đều có cả.
Không phải vô cớ mà nghề “tay vịn” khiến các bà vợ… căm thù như thế. Nhiều bà vợ ở nhà tần tảo hết lòng vì chồng vì con nhưng có thể chứng kiến những hình ảnh suồng sã từ những người đàn ông và những cô gái lả lơi thiếu vải trong quán karaoke thì họ mặc nhiên mặc định “tay vịn” là những kẻ “phá nát” hôn nhân của bao nhiêu người.
Nhiều cô vợ chỉ biết chồng mình đã đi karaoke "tay vịn" khi mang bệnh xã hội về lây cho vợ, lúc này các ông chồng mới không thể thú nhận. Sự thất vọng, mất lòng tin khiến các bà không trách, không đánh được chồng dồn hết “đòn ghen” lên “tay vịn”. Nhưng lý lẽ của 1 cô gái làm nghề này cự cãi lại rằng: “Chồng chị tự tìm tới đấy chứ, em có đến nhà chị cướp chồng chị đi đâu”.
Một số chị vợ thấy có đào dân tộc, đào mi nhon và những “phụ kiện” cực kỳ tế nhị trong hóa đơn thanh toán từ 1 quán karaoke mà cảm thấy mất hết lòng tin vào đàn ông và không thể nghĩ trong sáng cho được khi biết chồng đi hát.
Chả một bà vợ nào thân thiện với "tay vịn"!
Cuối cùng thì sau cuộc vui "tay vịn" không biết ai là người được, ai là người mất. Các "tay vịn" được 1 thu nhập trong mơ, nhưng mất đi sự tự trọng, thanh xuân và quyền được nâng niu của phụ nữ. Các ông chồng được phút thăng hoa mà quên sạch công việc, bộn bề vợ con nheo nhóc, nhưng mất đi số tiền trong ví, mất đi hình ảnh 1 người chồng, người cha tốt và có thể... mất cả gia đình.
Nhưng phải nói đến 1 đối tượng không liên quan ấy là các bà vợ. Họ là người dù không nhập cuộc chơi nhưng là người gián tiếp phải trả giá và liên quan để căm ghét "tay vịn". Kẻ quyến rũ chồng mình, kẻ làm lộ rõ bộ mặt thật đầy bản năng và hoang dại của những ông chồng sau vẻ đạo mạo, đàng hoàng như thường ngày họ vẫn phô ra.
Trách "tay vịn" mọc lên làm các ông chồng mềm lòng hay trách lòng đàn ông vì phút giây bản năng mà không nghĩ đến tổn thương của người không... nhập cuộc? Đó thật là câu hỏi khó.
Nhưng có điều thế này đàn ông vốn "bản lĩnh" là thế: "rút ví" chi cho vợ thì chặt chẽ, tiết kiệm những lời khen, ga lăng cũng cho là thừa.... Nhưng "Karaoke", "Đi luôn" và điều gì tiếp đằng sau hãy để bản năng đàn ông... quyết định.
Các bà vợ không thể biết, đó là điều họ nghĩ trước nhất nhưng nếu lỡ "lộ" nhất định họ sẽ nghĩ cho ra 1 lý do và 1 lời xin lỗi có vẻ... thực thà!
ĐX