(Tổ Quốc) - Để giải quyết khủng hoảng tài chính gia đình, Nonoko bắt đầu vạch ra các phương án tiết kiệm và quản lý chi tiêu đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả.
Nonoko (34 tuổi) là một phụ nữ Nhật Bản, gia đình cô gồm 4 người với 2 đứa con nhỏ. Cô có thể coi là một hotmom với hơn 300.000 người theo dõi trên Instagram, thậm chí cô còn xuất bản sách và được tái bản nhiều lần.
Bà mẹ này nổi tiếng với những công thức nấu ăn đơn giản và các bí quyết tiết kiệm chi tiêu rất đáng học hỏi cho các bà nội trợ.
Khi Nonoko mang thai đứa con thứ hai, theo lời khuyên của chồng, cô quyết định nghỉ việc ở nhà làm nội trợ toàn thời gian. Vào lúc này cô phát hiện chồng đang mắc một khoản nợ 3 triệu yên (khoảng hơn 600 triệu đồng).
Để giải quyết khủng hoảng tài chính gia đình, Nonoko bắt đầu vạch ra các phương án tiết kiệm và quản lý chi tiêu. Sau 3 năm, chẳng những khoản nợ của chồng cô được trả hết mà bà nội trợ này còn tiết kiệm được 5 triệu yên (khoảng hơn 1 tỷ đồng) từ chi phí sinh hoạt.
Cách làm của cô như sau:
1. Xem lại các khoản chi không cần thiết, điều chỉnh thói quen tiêu dùng xấu
Sau khi phát hiện khoản nợ của chồng, Nonoko nhận ra rằng thói quen tiêu dùng xấu của chồng mình phải được sửa chữa. Cô quyết định hợp nhất tài khoản ngân hàng của hai người và đóng thẻ tín dụng của chồng.
Để tiết kiệm tiền, ưu tiên hàng đầu của cô là giảm bớt một số khoản chi tiêu không cần thiết. Ví dụ chồng cô có 2 chiếc điện thoại thông minh (một chiếc dùng cho công việc và một chiếc dùng hàng ngày), hóa đơn hàng tháng không hề nhỏ, sau khi hai người thương lượng xong thì hủy bỏ một chiếc.
Đối với quần áo, Nonoko đặt ra số lượng quần áo nhất định cho mỗi người trong nhà tùy theo nhu cầu. Trước khi mua đồ mới, cô luôn cân nhắc xem bản thân và gia đình có thực sự cần hay không, từ đó giảm bớt ham muốn mua sắm.
Sau khi đã loại trừ hết các khoản tiêu dùng không cần thiết, Nonoko bắt đầu ghi chép chi tiết từng khoản mua sắm hàng ngày, rõ ràng từng khoản một để kiểm soát dòng tiền ra.
2. Lập ngân sách cho tất cả các khoản chi tiêu
Ban đầu Nonoko đặt ra mục tiêu tiết kiệm 800.000 yên một năm (khoảng 170 triệu đồng). Với số tiền cụ thể ấy, cô có động lực thôi thúc để hoàn thành mục tiêu hơn là những định hướng chung chung kiểu như “phải tiết kiệm thật nhiều”, “cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt”.
Để đạt được con số tiền tiết kiệm đó, bà nội trợ này đã làm như sau:
Sắp xếp số dư của tháng trước
Hàng tháng Nonoko luôn rà soát lại các khoản tiền còn dư của tháng trước chưa sử dụng hết. Ví dụ tiền mua gạo tháng vừa rồi chưa tiêu hết, cô sẽ chuyển sang tiền mua gạo của tháng này, số tiền thừa ra sẽ gửi vào tài khoản tiết kiệm mục tiêu.
Theo kinh nghiệm của Nonoko, bạn đừng bao giờ coi thường sức mạnh của những đồng tiền lẻ. Chúng như một quả cầu tuyết, càng lăn sẽ càng to ra, sau 1 năm tiết kiệm những đồng tiền lẻ, bạn có được món tiền vài triệu đồng là điều dễ dàng.
Sổ sách chi tiêu của Nonoko.
Lập ngân sách của tháng tiếp theo
Chồng Nonoko có thu nhập hàng tháng tầm 500.000 yên (khoảng 105 triệu đồng). Vào ngày anh lĩnh lương hàng tháng, cô sẽ phân loại và lập kế hoạch cho từng khoản tiền, sau đó nhập chúng vào các sổ tài khoản khác nhau.
Sau khi trừ đi phần tiền dành tiết kiệm cố định hàng tháng, cô chia số tiền còn lại thành: Chi phí cố định (tiền thuê nhà, tiền cấp dưỡng cho bố mẹ), chi phí cố định biến đổi (tiền điện, nước) và chi phí biến đổi (tiền ăn, tiền gạo, chi phí hàng ngày, chi phí nuôi con) nhằm kiểm soát ngân sách tốt hơn.
Chi phí ăn uống chiếm phần lớn chi phí hàng ngày. Để kiểm soát ngân sách này, cô đặt ra tiêu chuẩn chính xác hơn cho gia đình mình là 1.000 yên mỗi ngày (khoảng 210 nghìn đồng) rồi bỏ vào một túi riêng biệt. Mọi thứ đều được phân phối tốt, cuối cùng cô không quên chia tiền tiêu vặt cho chồng và con cái.
Với cách quản lý chi tiêu chặt chẽ ấy, năm đầu tiên cô đã tiết kiệm được số tiền vượt chỉ tiêu đề ra. Do đó cô nâng mục tiêu tiết kiệm lên, rồi mỗi khi hoàn thành vượt mức thì mục tiêu lại tiếp tục được tăng lên. Qua 3 năm, cô không chỉ trả hết nợ cho chồng mà còn tiết kiệm được khoản tiền 5 triệu yên (hơn 1 tỷ đồng), tất cả chỉ nhờ tiết kiệm trong chi tiêu.
3. Mẹo tiết kiệm chi phí thực phẩm
Dù tiết kiệm tiền nhưng Nonoko không hạ thấp mức sống của gia đình, đặc biệt là về thực phẩm, mặc dù ngân sách hàng ngày của cô chỉ là 210 nghìn đồng. Bữa ăn hàng ngày của gia đình cô vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và ngon miệng.
Theo điều tra từ các cơ quan liên quan của Nhật Bản, chi phí thực phẩm trung bình hàng tuần của một gia đình Nhật Bản 4 người là 17.000 yên (khoảng 3,5 triệu), riêng gia đình Nonoko thì chi phí tiêu tốn không đến một nửa.
Ba bí quyết quan trọng để Nonoko tiết kiệm chi phí ăn uống, đó là giảm tần suất đi ăn ngoài, mua sắm tại các siêu thị đặc biệt và chuẩn bị bữa ăn trước cho cả tuần.
Trước mỗi lần đi mua sắm, cô sẽ lên kế hoạch trước cho chế độ ăn uống cân bằng của cả tuần, sau đó đến siêu thị đặc biệt mua tất cả các nguyên liệu cho cả tuần. Siêu thị đặc biệt này chuyên bán thực phẩm với số lượng lớn, nhờ đó giá thành rẻ hơn so với mua lẻ.
Chỉ trong 3 tiếng cô đã có thể sơ chế, chuẩn bị hết các món ăn đủ dùng trong cả tuần, khi nấu nướng chỉ mang ra xào nấu là được. Để các thành viên trong gia đình không cảm thấy ngán khi ăn một loại nguyên liệu trong nhiều bữa, cô sáng tạo ra các phương pháp chế biến khác nhau, rất được các bà nội trợ trên MXH yêu thích.
Cách làm đó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí ăn uống mà còn khiến Nonoko có thêm thời gian dành cho con cái và gia đình.
4. Lưu trữ thực phẩm chú ý đến hạn sử dụng
Nonoko luôn bảo quản thực phẩm rất cẩn thận, phân loại kỹ càng và ghi rõ ngày tháng cho vào tủ lạnh. Nhờ đó cô không bao giờ phải bỏ phí thực phẩm vì để chúng thối hỏng do quá hạn sử dụng. Theo Nonoko, lưu trữ theo kiểu này giúp cô tiết kiệm ít nhất 60.000 yên một năm (khoảng 12,5 triệu đồng).
Ngoài ra, Nonoko cũng nhận thấy nếu bạn thay vòi hoa sen thông thường bằng vòi hoa sen tiết kiệm nước, ra ngoài nhớ rút ổ cắm và tắt bớt một số thiết bị điện không cần thiết, bạn có thể tiết kiệm 10.000 yên (2,1 triệu) tiền điện nước một năm.
Những mẹo tiết kiệm và quản lý chi tiêu của bà nội trợ này không hề khó đúng không, bạn có thể áp dụng cho gia đình mình, nhất là trong thời dịch bệnh kinh tế khó khăn này nhé!
Theo: ifeng
An Du