(Tổ Quốc) - Trẻ tè dầm (đái dầm) là vấn đề thường thấy ở nhiều gia đình, để giải quyết tình trạng này, một số người chọn cách đánh thức trẻ dậy lúc nửa đêm. Tuy nhiên, hành động này không được bác sĩ khuyến khích vì nó để lại nhiều hệ lụy không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Vì vấn đề đánh thức con gái dậy đi tè lúc nửa đêm mà cô Lý (Trung Quốc) và mẹ chồng cãi nhau rất to. Nguyên nhân bắt đầu sau khi con gái cô Lý đi khám sức khỏe ở trường xong, bác sĩ bảo rằng con gái cô 3,5 tuổi rồi nhưng chỉ cao 92cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tiêu chuẩn. Lúc này, cô cũng nhận ra con gái mình là đứa trẻ lùn nhất lớp.
Sau đó, bác sĩ hỏi han chiều cao của vợ chồng cô, chế độ dinh dưỡng hàng ngày như thế nào, thói quen sinh hoạt ra sao, cô trả lời mọi thứ đều rất bình thường. Cuối cùng, bác sĩ hỏi con gái cô có ngủ thẳng một mạch tới sáng hay không?
Lúc này, cô Lý mới kể cho bác sĩ nghe hoàn cảnh gia đình mình. Vì bận đi làm nên con cô đã ngủ với bà nội ngay từ nhỏ. Bà nội hay lo cô bé sẽ tè dầm vào ban đêm nên thường xuyên đánh thức cháu dậy, thường 2 lần mỗi đêm. Nghe xong, bác sĩ liền thở dài rồi nói rằng, hóa ra nguyên nhân cô bé chậm phát triển chiều cao là như vậy.
Bác sĩ cho biết, ở tuổi của con gái cô Lý, việc cô bé tè dầm là chuyện rất bình thường. Đồng thời, bác sĩ còn chỉ ra 3 nhược điểm khi đánh thức trẻ dậy đi tè vào lúc nửa đêm.
1. Làm suy yếu sự tiết hormone kháng bài niệu (ADH)
Một số ông bà thường cho rằng, nếu đứa trẻ nhịn tiểu vào ban đêm sẽ hình thành bọng đái lớn, ảnh hưởng đến hệ tiết niệu của trẻ. Nếu gọi trẻ dậy đi tè, sẽ không có tình trạng bị tè dầm, làm ướt quần, ướt chăn gối. Ông bà còn chỉ trích cha mẹ không gọi con cái dậy đi tè vào ban đêm là lười biếng.
Thế nhưng dưới góc nhìn khoa học, khi trẻ lớn dần, cơ thể sẽ tự động tiết ra một chất gọi là hormone kháng bài niệu. Hormone này được tiết ra bởi một nhóm tế bào ở vùng đồi dưới não, có tác dụng cân bằng huyết áp, lượng máu và nước trong cơ thể, bằng cách kiểm soát lượng chất thải trong cơ thể bài tiết ra ngoài.
Thông thường, hormone này sẽ được tiết ra vào ban đêm nhiều hơn ban ngày. Điều này có nghĩa là, nếu trẻ bị thức giấc thường xuyên để đi tiểu đêm, nó sẽ không có lợi trong việc tiết ra hormone kháng bài niệu, như vậy vô tình khiến trẻ có thói quen tiểu đêm nhiều hơn.
2. Ảnh hưởng chức năng của bàng quang, khiến trẻ buồn tiểu nhiều hơn
Đi tiểu là phản xạ sinh lý của con người, khi nước tiểu trong bàng quang đầy, nó sẽ truyền tín hiệu với vỏ não, tạo ra kích thích khiến người ta muốn đi tiểu. Tuy nhiên, khi phản xạ này bị người khác tác động vào, phản xạ buồn tiểu bị phá hủy, chức năng bàng quang bị ảnh hưởng, trẻ sẽ không thể nhịn được tiểu và tiểu nhiều lần hơn vào ban đêm.
3. Ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến trẻ chậm cao lớn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em sẽ cao lớn nhanh hơn trong lúc ngủ so với lúc chúng thức. Khi trẻ chìm sâu vào giấc ngủ, tuyến yên ở đáy não có thể tiết ra nhiều hormone tăng trưởng, những hormone này có thể thúc đẩy sự phát triển của xương, cơ và các cơ quan nội tạng.
Nếu trẻ thường xuyên bị đánh thức trong tình trạng ngủ say lúc đêm khuya để đi tiểu, nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, mà còn khiến trẻ thiếu năng lượng vào ngày hôm sau và làm chậm sự phát triển chiều cao của trẻ.
Vì vậy, thời gian ngủ vào ban đêm rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Nếu muốn con cái phát triển chiều cao, cha mẹ nên tập trung giữ cho trẻ ngủ say lúc nửa đêm.
Để tránh trẻ tè dầm vào ban đêm, bố mẹ cần chú ý những gì?
Nhìn chung, trẻ tè dầm trước 7 tuổi không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở tuổi này, trẻ có thể vẫn đang phát triển khả năng kiểm soát bàng quang vào ban đêm. Nếu tình trạng tè dầm vẫn tiếp diễn, cha mẹ hãy kiên nhẫn và hiểu vấn đề để tìm ra cách giải quyết hợp lý.
- Kiểm soát lượng nước uống của trẻ trước khi đi ngủ
Mặc dù nhiều trẻ quen với việc uống một ly sữa hoặc nước trước khi đi ngủ, nhưng điều này có thể là nguyên nhân khiến trẻ tè dầm. Trước khi đi ngủ 1 tiếng, trẻ không nên uống bất cứ thứ gì và trước khi lên giường cần đi tè lần cuối.
Cha mẹ cần đảm bảo trẻ uống lượng chất lỏng cần thiết vào buổi tối, đồng thời loại bỏ đồ ăn vặt để tránh tình trạng trẻ có thể khát lúc nửa đêm.
Ngoài ra, cha mẹ cần điều chỉnh lại các loại thức uống của trẻ. Nước và sữa tốt cho sức khỏe, nhưng các loại nước ngọt có ga lại có tác dụng lợi tiểu, nghĩa là nó khiến trẻ khát nước và đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm.
- Đừng ép trẻ đi tiểu khi chúng chưa buồn tiểu
Đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi, hệ thần kinh chưa đủ trưởng thành để điều khiển tự do các mô ruột già, bàng quang và hậu môn. Nếu ép buộc trẻ đi tiểu trong khi chúng chưa có cảm giác muốn đi tiểu, điều này sẽ ảnh hưởng đến dung tích bàng quang.
Vì vậy, không nên ép trẻ đi tiểu quá sớm, cha mẹ có thể chọn sử dụng bỉm vào ban đêm, khi trẻ bộc lộ rõ nhu cầu đi tiểu thì hãy bắt đầu cân nhắc việc bỏ dần dần bỉm và tập thói quen đi tiểu trước khi ngủ.
- Chọn đồ ngủ mềm mại và thoải mái cho trẻ
Hiện nay thời tiết nắng nóng, cha mẹ nên chọn cho trẻ những bộ đồ ngủ mềm mại, thấm hút mồ hôi tốt, đồng thời chọn những loại bỉm có chất lượng tốt cho trẻ ngủ ngon giấc hơn.
Nguồn: Aboluowang, Healthline
PHAN HIỀN