(Tổ Quốc) - Càng về cuối năm, nhà nhà càng tất bận lo cho xong xuôi chuyện năm cũ, kiếm thêm ít tiền để Tết này nhiều thêm miếng hoa trái dâng cúng tổ tiên. Ai ai hối hả ngược xuôi giữa đời, lắm lúc không còn đủ thời gian dù chỉ để nhìn sang bên kia đường: nơi thấp thoáng là dáng hình của những cuộc đời già nua, cơ cực.
Bà là "Chợ"
"Tui trong giấy tờ tên là Chợ, giống như chợ búa đó. Còn ở ngoài người ta kêu bằng bà Tư", ngồi trên vỉa hè, bà Phan Kim Chợ (82 tuổi) tâm sự.
Cứ độ 16h, chạy ra ngay chân cầu Cái Sơn 3 (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) là lại thấy mâm bánh cam và rổ đậu phộng đã được bày sẵn cùng hình ảnh thân thương của một "bà ngoại miền Tây". Dáng người gầy gò, tóc bạc trắng, đôi mắt đã không còn tinh tường chỉ có những vết đồi mồi, chân chim là ngày một rõ. Bà tên là Chợ, cái tên dường như đã miêu tả lại đầy đủ cả cuộc đời bà. Từ thời còn con gái thì mâm bánh cam, rổ đậu phộng đã cùng bà rong ruổi khắp ngõ ngách ở chợ. Lớn tuổi rồi, đau nhức nhiều hơn thì bà chọn vỉa hè là chốn dừng chân.
Ghé lại mua giúp bà ít gram đậu phộng, nhìn xấp vé số còn dày cộm để lẫn với ít tiền lẻ tôi lại thấy thương. Xin ngồi lại trò chuyện một xíu thì bà bảo: "Ừ, nói gì cũng được mà lên đây ngồi nè. Ngồi dưới đường xe cộ qua lại ghê lắm".
Bà kể, chiều chiều là dọn hàng ra đây rồi, bán đến 10h, 11h thấy vãn người thì bưng mâm về. Mấy tháng trước Sa Đéc giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường sau 18h, rồi bà cũng "thất nghiệp", ngồi nhà suốt mấy tháng ròng. Bà Chợ nhớ lại: "Mấy tháng đó nhờ chính quyền phát gạo với rau củ, cũng đủ ăn qua ngày". Rồi được buôn bán trở lại song dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, người ta cũng ngại ra đường, "sạp hàng" của bà vắng khách, buồn thiu.
Không muốn là gánh nặng cho con cháu, vậy nên dù đã ở cái tuổi muốn gần đất xa trời nhưng làm được gì bà vẫn làm. Dưới tiết trời càng lạnh về đêm, bà Chợ vẫn ngồi đó, bên rổ đậu phộng và xấp vé số trong tay. Bà kể về những hôm phải ăn bánh cam trừ cơm hay cái lần bà phải vào khu điều trị Covid-19 vì chẳng may dương tính, … bằng cái giọng nhẹ tênh, lâu lâu lại nghe tiếng bà quát tụi nhỏ đi đá banh về mà qua đường ẩu tả.
"Nhìn lên mình chẳng bằng ai, cúi nhìn xuống thấy đời chẳng ai bằng mình"
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà đáng lẽ ra nên được nghỉ ngơi, được cháu con phụng dưỡng vậy mà bà cụ vẫn phải tần tảo mưu sinh giữa đời. Có khi tôi thấy bà nhỏ bé, lạc lõng giữa chốn đông người. Khi lại thấy bà đơn độc bên vệ đường, ánh mắt đăm chiêu nhìn dòng người lại qua. Cái dáng hình vốn đã nhỏ bé ấy lại càng bé nhỏ giữa chợ đời mênh mông.
"Tết năm nay cũng không biết tụi nhỏ có về ăn Tết không nữa. Phần vì dịch bệnh đi lại cũng khó khăn, phần vì mấy tháng qua giãn cách ở nhà không làm ăn được gì hết, có khi tụi nó ở lại trên đó làm cũng nên", bà Chợ kể về đám con cháu của mình.
Bà có 8 người con, người theo chồng xa xứ, người tha hương cầu thực ở Bình Dương, Đồng Nai, chỉ còn cô con út, năm nay đã hơn 30 tuổi là ở nhà với bà. "Đứa nào cũng nghèo, ở trọ, làm thuê làm mướn thôi, có dư dả gì nhiều đâu". Cô út có sạp hàng nhỏ ở chợ, bày bán dăm ba mớ rau vườn. Sáng sáng ra chợ, chiều đến lại bưng phụ mẹ rổ đậu ra chân cầu, tích góp từng cắc từng đồng cho mớ rau, con cá mỗi bữa.
Những ngày cuối năm đang chầm chậm trôi qua, với những người dân lao động như bà Chợ chỉ mong Tết này dư dả hơn ít tiền, chỉ mong người ta xuống đường nhiều hơn để bán được ít đậu, ít bánh. Chẳng cần làm ông này bà nọ, niềm vui của người khổ, cái Tết của người nghèo chỉ cần có thêm ít thịt, ít trứng cho nồi thịt kho là đủ vui rồi.
Một năm quần quật, chạy nước rút cho những dự án, deadline mà đồng lương vẫn trầy trật, chúng ta có thể chán nản, có thể than trời trách phận. Nhưng mà, xin hãy nhớ rằng: nhìn lên mình chẳng bằng ai, cúi nhìn xuống lại thấy đời chẳng ai bằng mình. Ít ra so với những phận đời bèo bọt ngoài kia, ta vẫn kiếm đồng tiền dễ dàng hơn. Dĩ nhiên, mọi sự so sánh điều là khập khiễng khi mà nền tảng của mỗi người là khác nhau nhưng chí ít, ta vẫn thấy được giữa chợ đời, còn những người là dân lao động, không có lương hưu, chẳng còn tiền dành dụm, vẫn đang cố gắng từng ngày.
Mỹ Ngọc