(Tổ Quốc) - Bà mẹ này đã phải bỏ bữa trưa, thời gian tắm và công việc nhà để dành thời gian dỗ con ngủ thêm, nhưng mọi nỗ lực của chị đều không mang lại hiệu quả.
Sau khi sinh con được 2 tháng, cuối cùng chị Maria, sinh sống ở Ấn Độ, cũng được thảnh thơi nghỉ ngơi một chút trong lúc con đang ngủ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị Maria nhận thấy con của mình có giấc ngủ trưa ngắn hơn bình thường. Mặc dù đứa trẻ vẫn vui vẻ, bú tốt và khỏe mạnh, nhưng những giấc ngủ trưa ngắn thất thường như thế này khiến bà mẹ 1 con lo lắng.
Chị Maria phải bỏ bữa trưa, thời gian tắm và công việc nhà để dành thời gian dỗ con ngủ thêm. Chị cảm thấy thất vọng khi mọi nỗ lực của chị không khiến giấc ngủ trưa của con trở lại như trước. Cộng thêm tâm lý lo lắng rằng con mình có thể đang có vấn đề về sức khỏe càng khiến bà mẹ này gần như rơi vào trầm cảm.
Cuối cùng, chị Maria quyết định đưa con đi gặp bác sĩ nhi khoa. Tại đây, tiến sĩ Suruchi Goyal - Chuyên gia tư vấn Nhi khoa và Nội tiết Nhi khoa tại Bệnh viện Columbia Asia Whitefield (Ấn Độ) cho biết đây là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì ở mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có một chu kỳ giấc ngủ khác nhau và catnapping (tạm dịch: giấc ngủ ngắn) là một hiện tượng phổ biến mà các bậc cha mẹ sẽ phải đối mặt khi con đang ngủ trưa ngoan bỗng dưng không chịu ngủ trưa nữa.
Catnapping là gì và nó ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh như thế nào?
Tiến sĩ Suruchi giải thích: "Catnapping là chu kỳ giấc ngủ ngắn. Nghĩa là trẻ sẽ thức giấc sau khi ngủ được 30 – 45 phút. Trong một vài tháng đầu sau sinh, trẻ thường ngủ giấc dài vì lúc này chu kỳ giấc ngủ ở trẻ có xu hướng dao động giữa thời gian đi ngủ ban ngày và ban đêm. Tuy nhiên, khi được khoảng 4 tháng tuổi, phần não chịu trách nhiệm về giấc ngủ đã trưởng thành và trẻ bắt đầu "trôi dạt" ít hơn giữa các chu kỳ ngủ. Trên thực tế, hầu hết trẻ sơ sinh đều thức giấc hoàn toàn giữa các chu kỳ ngủ từ độ tuổi này trở đi".
Tiến sĩ Suruchi cũng cho biết thêm rằng một trong những lý do chính của hiện tượng catnapping chính là trẻ sơ sinh dành nhiều thời gian hơn trong giấc ngủ nhẹ gọi là REM. Nói nôm na là các bé dễ thức dậy và khó có thể ngủ lại.
Bên cạnh đó, Anne Wormsbecker, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Y tế St. Joseph và Bệnh viện St. Michael ở Toronto (Canada) cũng chia sẻ: "Chu kỳ giấc ngủ là trẻ sẽ đi từ giấc ngủ nhẹ đến giấc ngủ sâu hơn rồi chuyển sang giai đoạn REM. Chu kỳ này thường rất ngắn đối với trẻ sơ sinh, chỉ khoảng 45 phút, trong khi với người lớn con số này gấp đôi. Khi trẻ sơ sinh bước qua giai đoạn ngủ REM, bé sẽ tỉnh lại. Sau này khi lớn hơn, trẻ sẽ học cách tự ngủ trở lại, nhưng khi còn là trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì chúng chưa có khả năng đó".
Ngoài ra, một nhà tư vấn về giấc ngủ trẻ em đồng thời là nhà sáng lập BabyZzz ở Toronto (Canada), bà Jenn Kelner, tiết lộ thêm rằng những đứa trẻ được đưa vào giấc ngủ bằng cách đung đưa hoặc vỗ về hay vừa bú vừa ngủ lại càng rất dễ tỉnh giấc. Vì khi thức dậy ở chu kỳ ngủ đầu tiên, chúng thường tìm kiếm thứ đã giúp mình ngủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều bảo cha mẹ hãy yên tâm rằng sau khi con bạn vượt qua được giai đoạn ngủ REM thì con sẽ học cách tự ngủ trở lại.
Làm thế nào để giúp trẻ ngủ được giấc dài?
Chuyên gia tư vấn giấc ngủ trẻ em Jenn Kelner chia sẻ một trong những cách tốt nhất để kéo dài giấc ngủ ngắn là bắt đầu thói quen cho trẻ ngủ trước khi con quá mệt mỏi. "Bạn hãy cho trẻ đi ngủ ngay khi thấy con có dấu hiệu buồn ngủ. Hãy cho bé lên giường khi thấy bé ngáp, mút tay dù khi đó con vẫn đang tỉnh táo. Và hãy để trẻ tự ngủ mà không cần phải đung đưa hay vừa ngủ vừa bú", bà Kelner nói.
Bên cạnh đó, trẻ tỉnh giấc sau một giấc ngủ ngắn thì bạn cũng không nên lao vào dỗ con ngay lập tức. Nếu con không quấy khóc, không la hét thì hãy để bé tự nhiên, sẽ có khả năng con sẽ ngủ lại sau đó.
Ngoài ra, vào mỗi buổi tối, bạn nên thiết lập một lịch trình hoạt động trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắm, kể chuyện trước khi đi ngủ. Sự nhất quán này sẽ giúp cơ thể con thư giãn và gửi đến não một thông điệp để làm tăng melatonin và adrenalin – những hormone giúp kiểm soát giấc ngủ và ngủ ngon hơn.
Nói tóm lại, Catnapping đơn giản là một thói quen mà trẻ sơ sinh sẽ phải trải qua vào một thời điểm nào đó trong những tháng đầu đời. Điều quan trọng là cha mẹ phải làm quen và điều chỉnh với điều này và nhớ rằng việc khó khăn này rồi cũng sẽ trôi qua. Bằng cách này, toàn bộ quá trình sẽ trở nên dễ dàng hơn và bạn có thể đi qua giai đoạn này mà không gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: News, Parent
H.H