(Tổ Quốc) - Nếu không được nhìn tận mắt hoặc có ngón tay của Như Quỳnh đặt bên cạnh để so sánh, không thể tin nổi sạp rau trái đầy màu sắc ấy lại bé xíu xiu như vậy.
Một sạp rau củ thôi, có gì mà thu hút được gần 100 nghìn like trên Yêu Bếp? Tôi giật mình, dụi mắt mấy lần để chắc chắn rằng mình không quáng gà. Sạp rau được bài trí rất đẹp, xếp đặt gọn ghẽ, màu sắc rất dịu mắt. Có đủ loại rau trái quen thuộc được bày biện trên sạp, nào đu đủ, su su, cải thảo, măng tây nào hành, tỏi, ớt, các loại trứng… nom đã thích mắt. Khi Như Quỳnh, bà chủ sạp rau, “quảng cáo” rằng đây là sản phẩm cô tự tay “trồng”, tôi đã mường tượng cô ấy có một mảnh vườn thật lớn.
Những hình ảnh này khiến người ta không khỏi kinh ngạc, thích thú
Cho đến khi cô khoe cách “trồng” đầy hóm hỉnh và đưa ngón tay vào để đối chiếu, tôi mới ngỡ ngàng phát hiện ra, sạp rau củ thực ra là đồ chơi đất sét mini.
Tò mò, chúng tôi quyết định sẽ đến thăm “vườn” của Như Quỳnh một chuyến, để được chiêm ngưỡng tận mắt những rau trái được nặn sống động, tinh tế đến từng đường gân, lại còn bé hơn cả ngón tay người, để xem người ta có quá lố không khi gọi cô là “phù thủy” chơi đất sét.
Như Quỳnh không phải “người làm vườn” mới debut. Cô đã chơi đất sét khoảng 12 năm, từ hồi còn là sinh viên năm 3, năm 4 Đại học. Quỳnh đã làm khoảng hơn 1.000 tác phẩm, nhưng đem bán, đem tặng và thất lạc cũng nhiều.
Sạp rau đem lại cho cô “bão like” trên mạng xã hội là một trong số tác phẩm cô giữ lại để chơi. Cô nhớ lại, mỗi sạp rau mất khoảng hơn 1 tháng miệt mài thực hiện mới xong.
Ngay từ khi bắt đầu chơi, Như Quỳnh đã rất nghiêm túc với dòng tạo hình mini và đặc biệt say mê tạo hình đồ ăn. Cô thường chọn tỉ lệ 1:12, nhỏ hơn cả mô hình dùng trong nhà búp bê, món lớn nhất khoảng 2,5cm, còn chi tiết nhỏ nhất chỉ chừng 1mm như hoa trên bánh gato, hạt xôi, cọng hành trên bát phở...
Như Quỳnh đã chơi đất sét khoảng 12 năm nay.
Quỳnh tiết lộ, để làm ra sản phẩm sống động, có hồn, điều quan trọng là vận dụng óc quan sát, nhập tâm với bản gốc. Cô thường ngồi hàng giờ để ngắm nghía cấu tạo của một loại rau củ, hoa quả nào đó rồi tìm cách mô phỏng lại. Thế nên, quả bí đỏ cắt đôi Quỳnh làm có cả vệt gồ không đều của dao cắt, vệt thâm của nhựa bí gặp không khí; rau su su, cải thảo có lá bị sâu ăn; trên quả bí đao có cả vệt phấn trắng...
Cô nàng cầu kỳ trong từng chi tiết, cố gắng để chạm tới sự hoàn hảo đến mức, càng ngắm, người ta càng có cảm giác… hoài nghi, không biết liệu đó là đồ nặn bằng đất sét hay là đồ thật được đem về từ xứ sở tí hon.
Tạo hình từng món đồ khiến người ta phải đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Ví dụ như mỗi bắp ngô, Quỳnh mất 7 giờ để làm. Cô nặn từng hạt, rồi tạo khuôn phôi, tỉ mỉ đắp từng hạt vào để thành hình bắp. Cái râu ngô cũng phải cân nhắc, vì sợi thừng dù xé nhỏ vẫn bị to, màu sắc và kết cấu không phù hợp, Quỳnh lại đặt mua từng mớ tóc búp bê ghép vào.
Hay như hành lá, hành tây, củ tỏi trông y hệt như thật là vì Quỳnh từng bóc ra để ngắm nghía rồi mô phỏng lại cấu tạo. Hành lá, cô vẽ từng cọng xanh trước khi lấy phần trắng của củ miết vào từng cọng.
Củ hành tây bé tẹo cũng là thành quả của từng lớp lang cuốn chặt lấy nhau, thậm chí có cả phần lõi xanh mướt hơi nhu nhú lên. Còn củ tỏi, để ra được màu vân vàng và trắng, Quỳnh xếp xen kẽ hàng chục lớp đất sét mà vê lại cho tệp màu, rồi mới cắt nhỏ đắp lên.
Với hoa quả, Quỳnh để ý sự không đều về độ chín trên cùng một quả, tạo ra quả ương, xanh già, xanh non… đủ cả. Hay như quả na, để chân thực, cô nặn từng hạt na đen nhánh, đem nung cho cứng rồi mới bọc từng phần thịt quả trong mờ ra ngoài thành một "tép", rồi xếp chúng hệt theo cách quả thật hình thành…
“Phù thủy” của đất sét bật mí, dù rau củ rất bắt mắt và tạo hình giống như thật rất khó, nhưng các loại bánh và đồ ăn mặn mới thực sự thách thức. Quỳnh lý giải, thực phẩm đã qua chế biến cần nhiều tinh tế hơn, vì cũng phải hiểu món ăn, từ màu sắc, kết cấu, xếp đặt… phải tạo ra sự ngon mắt. Như đĩa cơm rang, bát phở chẳng hạn, vừa phải nặn từng hạt cơm, từng sợi phở rời vừa phải để ý đến độ khô - ướt của thực phẩm
“Tác phẩm càng nhỏ, mình càng phải tập trung hơn vào tiểu tiết, càng phải tỉ mỉ hơn. Nó như một thách thức dành cho người chơi dòng này, để không chỉ “giống như thật”, tác phẩm còn phải tạo cho người ngắm cảm xúc rung động với nó.
Đồ chơi đất nặn rất khác với đồ chơi nhựa hay những vật liệu có thể đúc khuôn vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự khéo léo, óc quan sát, sự nhạy cảm với màu sắc… của người tạo tác. Ngay cả khi làm nhiều sản phẩm cùng loại như một rổ trứng, một sọt khoai tây…, từng sản phẩm cũng có những đặc điểm khác nhau mới chân thực”, Quỳnh chia sẻ.
Thật bất ngờ khi chủ nhân của những tác phẩm đất sét mini “siêu thực” này chưa hề được đào tạo bài bản về tạo hình hay mỹ thuật. Như Quỳnh vốn học thanh nhạc và múa tại Đại học Văn hóa, sau đó kinh doanh thời trang. Đất sét chỉ đơn giản là một thú chơi của cô.
Quỳnh không thể thống kê từ khi cô “sa ngã” vào đam mê làm đồ chơi đất sét, cô đã tốn hết bao nhiêu tiền. Cô chỉ nhớ là khi vô tình đọc một bài viết hướng dẫn làm kẹo mút mini bằng đất sét, mình đã như bị “bỏ bùa”. Đầu tiên, Quỳnh chơi đất Thái Lan giá khoảng vài chục nghìn đồng/cục, nhưng chưa thỏa mãn, vì có những hiệu ứng mà dòng đất ấy không tạo ra được. Rồi cô chuyển sang đất sét chuyên nghiệp của Nhật, đặt từ nước ngoài về cũng 800 - 900 nghìn đồng/cục.
Trải nghiệm nhiều dòng đất khác nhau, thử độ trong - đục, mềm - cứng, đất nung hay đất tự khô, Quỳnh dần trở thành chuyên gia và rút cho mình kinh nghiệm xem dòng đất sét nào phù hợp tạo hình rau củ quả, dòng nào hợp làm bánh ngọt, đồ ăn mặn…
Rồi phải đầu tư màu trộn, màu sơn phủ. Mỗi lọ vài ml giá vài trăm nghìn, những đã chơi là phải mua đồng bộ cả bảng màu từ vài chục đến vài trăm lọ. Với mô hình bánh ngọt, người chơi còn phải đầu tư mua nước xốt, đường giả, kem phủ lên trên, cũng khoảng 300 nghìn/lọ bé xíu.
Dụng cụ cũng phải đầu tư rất “quyết liệt”, nhưng không phải cái gì cũng có chỗ bán sẵn, mà Quỳnh phải mày mò tự chế đồ nghề. Muốn bắt bông kem lên “bánh ngọt” bé bằng 1/12 bánh bình thường, cô phải lấy lá thiếc siêu mỏng tự cắt răng cưa để tạo thành đầu bóp kem.
Muốn làm ra những sản phẩm cần độ tinh xảo cao, cầu kỳ mà vẫn “chạy đua” được với tốc độ khô của đất nặn, Quỳnh lại lọ mọ tự tạo khuôn...
Cứ thế, Như Quỳnh đầu tư cả tiền bạc, thời gian, công sức của mình cho thú chơi mà có thể người ngoài thấy phù phiếm. Cô nàng đã có gia đình nhỏ, đã làm mẹ nhưng vẫn giữ cho mình một góc riêng để thỏa mãn thú vui với những món đồ bé xinh, sưu tầm bếp núc, đồ gia dụng, nhà cửa... mini.
Hồi chưa vướng bận con cái, Như Quỳnh còn mở lớp dạy các học viên làm đồ chơi đất sét, chủ yếu là đồ ăn. Giờ thì, sau vài năm gác lại đam mê, cô đang ấp ủ việc “tái hòa nhập” cộng đồng chơi đất sét, và vẫn theo đuổi dòng sản phẩm mini.
Mẹ một con cũng hồn nhiên tiết lộ: “Em bé của mình rất mê mấy đồ mẹ làm, cứ nhìn thấy là lao vào cầm nắm. Nhưng mình sợ lắm, không muốn chia sẻ đồ chơi với con (cười lớn). Mấy món đồ be bé kiểu rổ trứng cút, rổ ớt mà vào tay trẻ con nghịch hay vô tình xô lệch, rơi vãi thì mình khóc mất, tốn vài tiếng để xếp đặt lại luôn.
Mỗi tác phẩm mình làm đều rất tốn năng lượng và thời gian, như sạp rau là cả tháng miệt mài, một đĩa xôi xoài cũng mất cả ngày. Thế nên khi sản phẩm hoàn thiện, mình chỉ muốn... giấu đi không cho con biết, để riêng vào một góc mà chụp ảnh hay ngắm nghía một mình thôi!”.
Cùng ngắm thêm những tác phẩm khác của Như Quỳnh
Bích Chi - Ảnh: Quang Phong