(Tổ Quốc) - Đam mê phong cách tối giản nên ngôi nhà của người mẹ trẻ lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp, phòng riêng của bé cũng được sáng tạo hợp lý trong căn phòng với diện tích không quá lớn.
Nhiều bố mẹ trẻ hiện nay đã ấp ủ kế hoạch làm phòng riêng cho con ngay khi bé vừa mới chào đời. Việc tạo cho con một không gian riêng với màu sắc, đồ chơi, chất liệu phù hợp sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái và tự lập hơn. Bên cạnh đó, một căn phòng riêng không chỉ giúp trẻ thỏa mãn sở thích, đam mê cá nhân mà còn kích thích tư duy, giúp con lớn lên thông minh, khỏe mạnh.
Không gian của bé không cần quá lớn nhưng phải thoáng mát, sạch sẽ, gọn gàng nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi và có thể "update" dần theo thời thời gian trưởng thành của bé. Với tiêu chí đơn giản, đủ công năng, màu sắc hài hòa thống nhất với tổng thể các phòng trong nhà và đặc biệt là an toàn cho bé, chị Đặng Thanh Thúy (30 tuổi, sống tại Hà Nội) cùng ông xã đã lên ý tưởng thiết kế cho con trai một căn phòng vô cùng xinh xắn.
Diện tích phòng: 12m2
Chỉ với diện tích là 12m2 nhưng do khéo sắp xếp và duy trì lối sống tối giản nên nhìn phòng của bé Tuấn Khôi (18 tháng tuổi) rất gọn gàng, đẹp mắt. Toàn bộ ý tưởng cải tạo nhà và phòng cho bé mất khoảng 3 tháng để hoàn thiện. Để có một không gian riêng thoải mái cho con, chị Thúy đã tham khảo khá nhiều trên pinterest về cách bố trí phòng cho em bé.
"Tất cả các đồ nội thất trong phòng bé đều có thể di chuyển để thay đổi layout trong tương lai, phù hợp với độ tuổi của con. Vì bé nhà mình rất ưa vận động và do tình hình dịch bệnh cũng như điều kiện thời gian nên chúng mình ít khi có thể cho con ra ngoài chơi được, vậy nên hai vợ chồng quyết định làm thêm cả cầu trượt để con có thể chơi trong nhà", bà mẹ 2 con tâm sự.
Chi phí làm phòng: 40 triệu
Chị Thúy và ông xã đã chi ra khoảng 40 triệu để hoàn thiện căn phòng. May mắn là cậu bé Tuấn Khôi cực kỳ thích thú và thường xuyên chơi tại đây. Ban đầu, chức năng chính của căn phòng này là để bé chơi vì Tuấn Khôi ngủ cùng bố mẹ, tuy nhiên hiện tại bé đang được ngủ riêng để làm quen dần. Trộm vía cậu bé rất hợp tác, tuy nhiên vì còn nhỏ và vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng ngủ nên chị Thúy và ông xã vẫn thay phiên nhau ngủ cùng bé tại phòng này.
1. Thiết kế đồ đạc theo phong cách tối giản
Nhiều phụ huynh than phiền việc dọn đồ chơi và đồ đạc của bé "ngốn" rất nhiều thời gian vì quá bừa bộn và nhiều loại đồ. Tuy nhiên trong phòng ngủ của Tuấn Khôi, do diện tích không lớn nên chị dành không gian chủ yếu để bé thoải mái nô đùa, nghịch ngợm. Bên cạnh đó, chị chỉ sắp xếp một ít đồ đạc cần thiết, chủ yếu là sách và đồ chơi nhỏ nên dọn dẹp khá nhanh.
"Chúng mình cũng tạo cho bé thói quen dọn dẹp sau 1 ngày chơi bằng cách cùng bé thu dọn đồ chơi. Bé luôn rất vui vẻ dọn cùng bố mẹ, thậm chí đã biết đồ chơi nào để ở ngăn kệ nào. Tuy chưa thể xếp ngăn nắp như người lớn nhưng với chúng mình vậy là khá thành công rồi. Đồ chơi cho bé chúng mình thường chọn những loại đồ chơi dùng được lâu dài, kích thích sáng tạo vậy nên bé chơi được trong khoảng thời gian dài", bà mẹ 2 con chia sẻ.
2. Hạn chế mua đồ chơi cho con
Vì mình sắp có bé thứ 2 nên những đồ chơi bé không chơi nữa mình vẫn giữ lại để cho bé sau dùng. Mình không làm tủ quần áo nhỏ riêng cho bé mà làm tủ quần áo to của người lớn luôn, vừa là tủ quần áo, vừa là nơi cất giữ những đồ chơi bé không dùng nữa. Để phòng không rơi vào tình trạng quá bừa bộn, chúng mình chỉ để 1 số ít đồ chơi trên kệ cho bé, còn lại cất vào tủ, sau 1 thời gian bé chơi chán lại đổi luân phiên để bé luôn có cảm giác thích thú khi được chơi đồ chơi mới (mà thực ra là đồ chơi cũ).
Ban đầu cũng lo ngại rằng bé sẽ thiếu đồ chơi nhưng sau khi quan sát thì mọi thứ khá bất ngờ, dù có ít đồ chơi trước mặt nhưng bé rất sáng tạo, tìm nhiều cách chơi hơn, nhiều khi còn khiến bố mẹ ngạc nhiên vì chính bố mẹ cũng không nghĩ ra.
Mình và ông xã cũng thống nhất hạn chế mua đồ chơi cho con mà chủ yếu mua nhiều sách phù hợp lứa tuổi. Hầu hết đồ chơi của bé đều là được cho tặng, đồ nào dùng lâu đã hỏng chúng mình sẽ lọc để loại bỏ định kỳ, đồ nào còn dùng được thì mình đem tặng cho các bé trong cùng toà nhà hoặc người thân.
3. Dạy bé tôn trọng không gian riêng tư
Đối với vợ chồng chị Thúy, việc rèn tính tự lập cho con là vô cùng quan trọng. Ngay từ khi ở viện về, con trai chị Thúy đã được ngủ cũi riêng để đảm bảo an toàn cho bé. Sau đó khi con lớn hơn, hai vợ chồng chị quyết định cho bé ở phòng riêng 1 phần vì chuẩn bị có em bé nữa, 1 phần vì cũi đã khá chật, bé ngủ giường lớn hơn sẽ có nhiều không gian để ngủ thoải mái hơn.
"Không chỉ bé có không gian riêng an toàn và yên tĩnh để ngủ mà bố mẹ cũng có không gian của riêng mình. Trong phòng bé có thể tuỳ ý bài trí, sắp xếp theo ý của bé và chúng mình tôn trọng điều đó. Bé có phòng riêng đồng nghĩa với việc chúng mình có cơ hội để dạy bé có trách nhiệm với không gian của mình thông qua việc thu dọn, sắp xếp đồ chơi, đồng thời cũng dạy bé về việc tôn trọng không gian riêng tư của mỗi cá nhân trong gia đình và sau này là ngoài xã hội", chị Thúy tâm sự.
San San