(Tổ Quốc) - Sau 1 tháng áp dụng 3 cách này chị Quỳnh Anh thấy bản thân dễ dàng kiểm soát tiền, có động lực tiết kiệm nhiều hơn.
Tình cờ đọc được 1 bài giới thiệu về phương pháp Kakeibo và thấy khá thú vị nên chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (hiện đang sống tại Hà Nội) có học hỏi và áp dụng trong cuộc sống theo cách mà chị cảm thấy hợp lý. Sau 1 tháng, đây là những bước quản lý chi tiêu của chị đang áp dụng và cảm thấy hiệu quả.
1. Dùng app tiết kiệm của ngân hàng
Hiện tại chị Quỳnh Anh khá ưng app savy cho phép tiết kiệm gửi góp với khoản tiền từ bất cứ ngân hàng nào. App này của ngân hàng TPbank.
"Do nhà mình 2 vợ chồng lĩnh lương vào 2 ngày khác nhau, phí chuyển tiền khác ngân hàng cũng khá cao nên trước đây mình rất khó trong việc rút phần tiết kiệm để dành ngay, dẫn đến việc chi lạm vào phần định tiết kiệm. Từ khi sử dụng app này, mỗi lần tiền nổi tài khoản là mình rút ngay về quỹ tiết kiệm của savy. Ưu điểm của savy là cho dù bạn rút tiền từ ngân hàng nào cho vào tài khoản cũng không mất phí và rất nhanh, việc gửi góp rất dễ dàng", chị Quỳnh Anh chia sẻ.
2. Ghi chép ra sổ
Sau bước ngắt ngọn cho vào tiết kiệm, số tiền còn lại chị Quỳnh Anh để 1 phần trong tài khoản để thanh toán điện tử (hóa đơn điện nước, siêu thị...). Còn lại sẽ rút ra, chia làm 4 phần cho 4 tuần và áp dụng ghi chép theo kiểu Kakeibo. "Kakeibo đề cao sự quan trọng của việc ghi chép chi tiêu ra giấy. Đây là một cách để mình nhìn thẳng vào sự thật và đưa bản thân vào kỷ luật. Khi sử dụng thuật Kakeibo sẽ học được "tiết kiệm tiền là tiêu tiền hợp lý", chuyển mọi sự tập trung vào những thứ bạn thực sự cần chi tiền.
Trước đây mình đã từng ghi chép chi tiêu trên app 1 năm, nhưng mình cảm thấy cách này không hiệu quả. Giấy bút chính là phần cơ bản nhất của thực hành Kakeibo. Việc viết những con số xuống cuốn sổ thực tế là để giúp bạn chậm lại, suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định mua một thứ gì đó".
Hiện tại, chị Quỳnh Anh tận dụng 1 quyển sổ nhỏ có chia từng ngày để ghi chép mọi thứ chi tiêu. Mục note ở cuối tuần là để đánh giá lại các khoản chi trong tuần gồm:
- Số chi tiêu thực sự cần
- Số chi tiêu chưa thực sự cần mà do ham muốn nhất thời. Tuần sau sẽ cố gắng giảm bớt mục này.
3. Những ngày No-money
Một thử thách thú vị chị Quỳnh Anh áp dụng là những ngày No-money. Trong ngày này sẽ thử thách bản thân không tiêu bất cứ đồng nào. Đừng đặt áp lực quá lớn, hãy coi đó là 1 thử thách vui! Chị Quỳnh Anh đang áp dụng 1 lần/tuần.
Sau 1 tháng áp dụng 3 cách này chị Quỳnh Anh cảm thấy:
- Dễ dàng kiểm soát tiền tiết kiệm, có động lực tiết kiệm hơn. Số tiền này vẫn sinh lãi, sau khi đã gom được 1 khoản lớn có thể tất toán để đầu tư với mức lãi cao hơn.
- Việc sử dụng giấy bút ghi chép giúp minh mẫn hơn trong việc kiểm soát thu chi. Thời gian ghi chép giúp suy nghĩ và cân nhắc được nhiều hơn để tránh sa đà vào những khoản chi không hợp lý.
- Các thử thách như No-money hay phấn đấu để có tiền thừa dồn vào tuần sau làm lúc nào cũng hào hứng hơn trong công cuộc quản lý chi tiêu gia đình nhiều gai góc.
Ảnh: Internet
Hồng Nhung