(Tổ Quốc) - Bộ ảnh đã phản ánh kết quả hoạt động truyền thông nâng cao sự hiểu biết và kêu gọi những thay đổi hành động, thói quen mới về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của đồng bào Hà Giang.
Quản Bạ - một huyện nghèo của cả nước, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chăn nuôi và có nghề truyền thống dệt lanh tại xã Lùng Tám của đồng bào dân tộc Mông và còn có nhiều sản phẩm thương hiệu của huyện gồm hồng không hạt được trồng chủ yếu tại xã Nghĩa Thuận, rượu ngô Thanh Vân, thảo quả và các sản phẩm dược liệu trên rừng.
QUẢN BẠ - THỰC HIỆN “MỤC TIÊU KÉP” VỪA CHỐNG DỊCH, VỪA PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Ở đây, điểm nổi bật của bộ ảnh này cho thấy nét đẹp trong lao động của người dân Quản Bạ trong cuộc sống đời thường thực hiện "mục tiêu kép" đặt ra vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa chống dịch hiệu quả.
Hoạt động xây nhà trình tường của người Mông, vẻ đẹp cô thiếu nữ đang xe lanh thành sợi dệt vải, sự cần cù trong lao động kết hợp các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả đã toát lên vẻ đẹp con người Quản Bạ thật mộc mạc nhưng đầy sắc màu.
Việt Nam chung sống an toàn với dịch COVID-19! Safety Co-existing with COVID-19"
Bộ ảnh "Đồng bào dân tộc Hà Giang vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa chống dịch hiệu quả" nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án "Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trạng thái bình thường mới cho tiểu thương dân tộc thiểu số" thực hiện tại tỉnh Hà Giang, do Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các đối tác khác, với sự hỗ trợ quan trọng của Chính phủ Nhật Bản phối hợp.
Dự án bao gồm chuỗi hoạt động truyền thông phong phú, thiết thực đem đến kiến thức, sự hiểu biết và những thay đổi hành động, thói quen mới về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các hoạt động của dự án đã tiếp cập đến đông đảo cán bộ, nhân viên y tế, các cấp hội, ban, ngành, đoàn thể và các tiểu thương dân tộc thiểu số tại 4 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh và thành phố Hà Giang trên địa bàn tỉnh.
Minh Ngọc