Anh tát em vì giành đồ chơi, bố định phạt nhưng dừng lại 5 giây để quan sát và bất ngờ về hành động của con trai

(Tổ Quốc) - Thay vì mắng và phạt con trai cả, ông bố đã quyết định chờ đợi để xem các con sẽ xử lý tình huống này như thế nào.

Trong gia đình có nhiều anh chị em, việc các bé xảy ra cãi cọ, xung đột hay tranh giành đồ chơi là điều không thể tránh khỏi. Mỗi bé đều có cá tính và cách xử lý riêng, nên cần bố mẹ phải khéo léo quan sát, đặt mình vào vị trí của các con và tìm ra phương án tốt nhất để giúp bé. Mới đây, anh Võ Phương Điền (sống tại TP HCM) đã chia sẻ câu chuyện của hai con trai khiến nhiều người phải suy ngẫm. 

Hai cậu bé Tí lớn (6,5 tuổi) và Tí nhỏ (1,5 tuổi) xảy ra mâu thuẫn trong khi chơi đùa với nhau: "Chuyện là mấy ngày nay nhóc lớn nhà em được tặng món đồ chơi là con chim Đại bàng vỗ cánh chạy bằng pin mà bạn ấy mong ước mấy tuần nay, bạn ấy rất thích, nên ngày nào cũng chơi. Sáng nay trong lúc chơi, thì nhóc nhỏ giành lấy và bỏ chạy, nhóc lớn đuổi theo để giật lại, nhưng ông em cũng không vừa, cứ ôm lấy và khóc ầm lên không đưa lại cho anh 2. Thế là trong lúc nóng giận anh 2 tát cho em 1 phát lên má, và giật mạnh lại con đại bàng, nhóc em khóc ròng nước mắt nước mũi nhễ nhại"

Anh trai tát em vì tranh giành đồ chơi, bố định phạt nhưng dừng lại 5 giây để quan sát và điều bất ngờ xảy đến  - Ảnh 2.

Các bé bình thường rất thích chơi với nhau, chỉ thi thoảng mới xảy ra mâu thuẫn mà thôi.

1. Quát mắng con lớn ngay lập tức sẽ làm tổn thương con

Với trẻ con, món đồ chơi yêu thích cũng như một người bạn thân thiết, thế nên bé nào cũng chỉ giữ cho riêng mình, không muốn chia sẻ với ai cả. Tí lớn cũng vậy, cậu bé sợ em mình sẽ làm hỏng món đồ nên nhất quyết không cho em chơi cùng. Thông thường trong trường hợp này, nhiều ba mẹ sẽ ngay lập tức la mắng, bắt con lớn phải nhường đồ chơi cho em khiến bé tủi thân, giận giữ và chỉ biết khóc. 

Điều này vô tình khiến người anh lớn càng khó chịu và ghét em, thậm chí nhiều lần còn nảy sinh thái độ chống đối và cãi lời bố mẹ. Anh Điền chứng kiến cảnh 2 con đánh nhau cũng định phạt đòn con trai lớn, nhưng sau đó anh nghĩ lại và chờ đợi trong 5 giây để xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Và kết quả khiến ông bố trẻ cảm thấy vô cùng bất ngờ. 

"Và rồi thấy anh 2 ôm em, hôn lên má em, vỗ vỗ và xin lỗi em, một lúc sau nhóc em cũng nín, và anh 2 dặn là lần sau có muốn chơi thì phải ạ anh nghe chưa, không được giật đồ chơi như vậy. Thế là 2 anh em vui vẻ trở lại, vừa chơi vừa cười nói tưng bừng", anh Điền kể lại. 

Và ông bố trẻ nhận ra đôi khi với vai trò làm cha mẹ, chúng thường hay can thiệp vào việc của mấy đứa nhỏ, nhưng một lúc nào đó các bậc phụ huynh hãy thử dừng lại và quan sát sự việc diễn ra và sẽ thấy bất ngờ sau đó. Có thể các bé sẽ tự nhận ra sai lầm của bản thân khi nhìn em khóc mà không cần bố mẹ quát mắng hay đánh đòn. 

Anh trai tát em vì tranh giành đồ chơi, bố định phạt nhưng dừng lại 5 giây để quan sát và điều bất ngờ xảy đến  - Ảnh 2.

Hai anh em Tí lớn và Tí nhỏ.

2. Bố mẹ học cách quan sát, lắng nghe và thấu hiểu

Chia sẻ thêm về câu chuyện của các con, anh Phương Điền cho biết hai con trai của anh có tính cách hơi trái ngược nhau một chút. Trong khi Tí lớn hài hước, năng động, thích khám phá tìm tòi thì nhóc em lại hiền hoà hơn. Thực ra thường ngày các bé rất ngoan, anh lớn biết nhường nhịn em nhỏ, thời gian dịch này cũng là cơ hội để anh Điền và bà xã được ở bên và chăm sóc các con. 

"Do nhóc lớn hơn em 5 tuổi nên bạn ấy cũng đã biết thương em, chia sẻ và chỉ em cách chơi, chỉ thi thoảng mới có tranh giành và đánh nhau. Thường thì mình không can thiệp ngay vào lúc ấy, mà sẽ gặp anh 2 để nói chuyện riêng. Theo quan điểm cá nhân mình, việc các bé cãi nhau cũng là rất bình thường vì người lớn cũng thường hay cãi nhau huống chi là các bé còn nhỏ, nhưng quan trọng là phải biết cách làm hòa với nhau. 

Và mình hay chia sẻ với anh 2 rằng: khi chúng ta dùng bạo lực để giải quyết (đánh nhau, la mắng nhau…) thì vấn đề có thể được giải quyết ngay lúc ấy, nhưng kèm theo là con và em hoặc bạn đều bị tổn thương, giống như chiến tranh vậy cả 2 bên đều bị thiệt. Nên do đó, nếu ai đó trêu chọc, nói xấu con thì con hãy xem như họ đưa cho con món đồ ăn mà con không thích, con không nhận nó, thì món đồ đó vẫn thuộc về họ, đừng để bị mất kiềm chế bản thân", anh Điền tâm sự. 

Trẻ em là những trang giấy trắng, lớn lên và ứng xử thế nào một phần là nhờ sự dạy bảo của bố mẹ, thầy cô và mọi người xung quanh. Bởi vậy các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con cần bình tĩnh, lắng nghe, quan sát và thấu hiểu, từ đó đưa ra phương pháp và cách xử lý phù hợp với từng tình huống. "Lửa không thể nào có thể dập được lửa mà chỉ có nước mới dập được lửa. Điều đó cũng giống như con vậy, giận dữ không thể dập tắt được giận dữ, chỉ có bình tĩnh mới giúp con dập tắt được ngọn lửa giận dữ trong mình", anh Phương Điền chia sẻ thêm. 

San San

Tin mới