(Tổ Quốc) - Căn bệnh mà bà bầu này mắc phải có thể xảy ra với bất kỳ người nào nếu họ không chú ý đến chế độ ăn uống của mình khi mang thai.
Mỗi khi nghĩ tới tình trạng ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ, Tiểu Phương và gia đình cô không khỏi rùng mình sợ hãi. May mắn thay, thời gian khó khăn ấy đã qua, bây giờ mẹ chồng của Tiểu Phương suốt ngày làm nhiều món ngon để bồi bổ cô và đứa cháu trong bụng. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng việc làm này đã gây ra một rắc rối lớn.
Vào buổi trưa hôm đó, Tiểu Phương bị đau bụng, buồn nôn, nôn ngay sau khi ăn hết 2 bát chân giò hầm. Sau đó, cơn đau bụng vẫn không thuyên giảm kèm theo sốt, gia đình vội đưa cô đến Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu, Trung Quốc cấp cứu.
Qua xét nghiệm ban đầu, bác sĩ nhận thấy lượng lipid trong máu của cô cao gấp 40 lần mức bình thường, chẩn đoán bị viêm tụy cấp tăng lipid máu trong thai kỳ.
Nhận thấy bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, chất béo trung tính quá cao, để làm giảm tổn thương cho các cơ quan khác, buộc phải tách lipid máu. Thời gian trôi qua, máu được hút ra để tách mỡ rồi đưa lại vào cơ thể. Bác sĩ sốc khi tách ra được cả 1 túi dầu lớn.
Sau khi lọc máu, nhịn ăn, bù nước, kết hợp thêm một số phương pháp điều trị khác, hàm lượng lipid máu của Tiểu Phương giảm nhanh chóng, cơ thể dần hồi phục lại bình thường.
Lúc này, Tiểu Phương hỏi bác sĩ: "Cơ thể tôi rất khỏe mạnh nhưng tại sao đột nhiên lại mắc bệnh hiểm nghèo như vậy? Liệu có phải do đã ăn quá nhiều chân giò om?".
Sau khi được bác sĩ Trần Gia Nghĩa giải thích, cuối cùng Tiểu Phương cũng biết được thủ phạm gây ra căn bệnh mình đang mắc phải. Hóa ra trong thời gian mang thai, cô thường xuyên ăn đồ nhiều dầu mỡ, cũng hiếm khi vận động. Những thói quen không tốt này tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra bệnh viêm tụy cấp. Trong lần gần đây nhất, 2 bát chân giò hầm thực sự quá nhiều dầu mỡ, nó như "giọt nước làm tràn ly" dẫn tới sự bùng phát của bệnh viêm tụy cấp của cô.
Bác sĩ Trần còn nói thêm rằng, viêm tụy cấp tăng lipid máu là một biến chứng rất nguy hiểm trong thai kỳ. Do ảnh hưởng của nhiều loại hormone như estrogen, progesterone, gonadotropin màng đệm... trong thời kỳ mang thai, nồng độ chất béo trung tính và cholesterol trong huyết thanh tăng lên đáng kể.
Khi hàm lượng chất béo trung tính vượt quá 3 lần mức bình thường, nó sẽ phân hủy vào tuyến tụy, tạo ra nhiều axit béo tự do, gây tổn thương tuyến tụy, tăng lipid máu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bà bầu và thai nhi.
Khi mang thai phụ nữ cần chú ý ăn uống như thế nào?
Trong những năm gần đây, có rất nhiều trường hợp bà bầu bị tăng lipid máu, phần lớn nguyên nhân do không kiểm soát được chế độ ăn uống.
Bác sĩ Trần nói: "Thai nghén cùng với viêm tụy cấp nặng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong từ 50 – 80%, nó còn có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho phụ nữ và em bé sau này".
Vì mức độ nguy hiểm của căn bệnh, bác sĩ Trần khuyến cáo bà bầu trong quá trình mang thai cần bổ sung dinh dưỡng như sau:
- Tam cá nguyệt thứ 1 (3 tháng đầu)
Ngoài bổ sung axit folic, bà bầu không cần bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng khác, cần chú ý nghỉ ngơi, ăn nhạt, tránh làm nặng thêm tình trạng ốm nghén.
- Tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa)
Giai đoạn này thai nhi bắt đầu tăng trưởng và phát triển, bà bầu cần bổ sung protein chất lượng cao như cá biển sâu, trứng, thịt nạc. Bà bầu cũng cần uống thêm 400 – 600ml sữa mỗi ngày, ăn 60 – 85g thịt nạc, tăng cường rau quả tươi, các thực phẩm giàu canxi, sắt và một số vitamin cần thiết. Đặc biệt, cần chú trọng đến cân nặng của cơ thể, không để tăng cân quá nhanh.
- Tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối)
Mỗi ngày bà bầu cần uống 400 – 600ml sữa và một số sản phẩm từ sữa khác, tăng cường ăn thịt, trứng, cá, vận động phù hợp, chú ý kiểm soát tăng cân khi mang thai, nếu bà bầu quá gầy có thể ăn nhiều hơn. Để tránh tình trạng thèm ăn ở cuối thai kỳ, bà bầu cần nghỉ ngơi, theo dõi cân nặng, có thể vận động với các bài tập phù hợp để hỗ trợ cho việc sinh nở tốt hơn.
Cuối cùng, bác sĩ Trần nhắc nhở rằng, không phải phụ nữ mang thai bị béo phì mới dễ tăng lipid máu, nhiều bà bầu gầy nhưng do bị rối loạn chuyển hóa lipid cũng sẽ bị tăng lipid máu. Đặc biệt, với những người có tiền sử các bệnh liên quan tới lipid máu và đường huyết nên đi xét nghiệm máu định kỳ để quản lý sức khỏe tốt hơn, nếu có biểu hiện bất thường có thể xử lý kịp thời.
Nguồn: Sunnews, Chinahot
PHAN HIỀN