(Tổ Quốc) - Tranh luận xem phở Hà Nội ngon hơn hay phở Sài Gòn đặc sắc hơn thì không khác gì chuyện ngồi cãi con gà hay quả trứng có trước - đều lòng vòng và luẩn quẩn như nhau...
*Dù tựa bài có nhắc đến tên Hương Ly nhưng bài viết này thì không liên quan nha. Fan Hương Ly và antifan Hương Ly thích thì xem, không thích thì cũng xem.
Chẳng hiểu dạo này cái bát phở có tội tình gì mà bị mang ra tranh cãi nhiều thế nhé! Sáng mới thấy người ta tranh cãi ăn phở bò cho dấm hay cho chanh mới ngon, lại nhớ mấy hôm trước lôi phở Hà Nội với phở Sài Gòn ra làm chủ đề mà bàn cãi kịch liệt...
Chẳng là, hôm nọ, trong một buổi chiều vừa chén xong đĩa cơm tấm Sài Gòn ngon động trời thì đọc được chiếc bài viết về phở Sài Gòn ngon ăn đứt phở Hà Nội. Ơ, có nhầm không bác gì đó ơi? Chưa kịp tiêu miếng sườn mà tức nên phải ngồi viết ngay bài này á!
Phở nào cũng ngon mà!
Một phút so sánh nhẹ phở Hà Nội và phở Sài Gòn nè!
Về cơ bản, phở ở cả hai miền đều giống nhau 96.69% ở nền tảng nguyên liệu và đương nhiên sẽ có sự khác biệt về hương vị. Nếu như phở Hà Nội giữ sự tinh tế từ chính các nguyên liệu với nước phở ngọt thanh thì ở Sài Gòn, món phở có phần đậm mùi hơn vì sử dụng nhiều gia vị và nêm nếm hơi ngọt nhẹ theo khẩu vị người miền Nam. Mát trời, ngồi tranh luận xem phở Hà Nội ngon hơn hay phở Sài Gòn đặc sắc hơn thì không khác gì chuyện ngồi cãi con gà hay quả trứng có trước - đều lòng vòng và luẩn quẩn như nhau.
Nếu ai đó kề dao vào cổ mình và hỏi: Phở lõi lăn Hàng Vải và Phở Hiền ở Trần Quang Khải - chỗ nào ngon hơn thì xin hãy cho ăn 2 tô phở rồi lia một đường dao cho gọn chứ hỏi khó quá ai chơi? Viết đến đây vẫn không quên được tô phở lõi lăn ở Hàng Vải hết 80 nghìn với bao la là thịt, chấm thêm miếng quẩy là trọn vẹn buổi sáng mùa thu Hà Nội. Chỉ biết xoa bụng bạch bạch vì thỏa mãn chứ không bình luận gì thêm ạ!
Để kể cho nghe, nhỏ bạn mình sau 2 năm làm việc ở Malaysia trở về, ngay ngày đầu tiên đã ăn hết 2 tô phở Hiền đủ loại thịt trong 20 phút, chưa bao giờ thấy cô gái 47kg ăn thần tốc đến vậy. Bẽn lẽn hỏi nó, sức đâu mà ăn lắm thế? Nó cũng bồi hồi trả lời: "Khi mày phải ăn một tô phở gà với thịt gà bở rẹt như thể con gà đã chết từ hồi trước Công nguyên với cái thứ nước dùng hủ tiếu không ra hủ tiếu, cà ri cũng chẳng phải cà ri thì mày sẽ hiểu nhá!". Vẫn chưa đã thèm, hôm sau lại thấy check-in ở phở Dậu - một trong những hàng phở được xem là chuẩn vị miền Bắc tại Sài Gòn. Phải ở đủ xa và đủ lâu, bạn mới thấm thía việc ăn được một món ăn quê nhà đúng vị thật sự là một loại hạnh phúc! Nên người hiểu chuyện sẽ không nói về chuyện ngon hay không ngon, họ sẽ nói về chuyện hợp hay không hợp - còn loại đồ ăn được làm linh tinh, dở òm thì nói thẳng là dở - miễn bàn trong câu chuyện đầy tinh tế này!
Ngon dở là tùy mồm
Bạn có nghe câu: "Cái đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ, mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình" chưa? Chuyện xấu đẹp mang tính chất tương đối, nếu bạn thấy xấu mà tôi cũng thấy xấu - thì đúng là nó xấu thiệt! Cợt nhả tí thôi, mỗi người đều có tiêu chí riêng về thẩm mỹ, để thế giới hòa bình, chúng ta tôn trọng ý kiến của nhau. Như nhắc đến Thái Lan là nhắc đến sầu riêng – những múi sầu riêng tuyệt hảo, đắt xắt ra miếng nhưng buồn bã thay dù bạn có thèm cách mấy vẫn không được mang loại trái cây này vào hầu hết khách sạn hay các phương tiện công cộng vì mùi hương "gợi đòn" mà có người thích, kẻ nôn. Sầu riêng là ví dụ hùng hồn nhất cho việc ngon dở tùy mồm đấy, có ai cãi gì không nào?
Tương tự vậy, với chuyện ẩm thực, ngon hay không ngon là tùy mỗi người. Bạn có thể thích phở Sài Gòn và trao danh hiệu "Nữ hoàng ẩm thực" cho nó nhưng bắt người khác phải tin phở Sài Gòn ngon hơn phở Hà Nội thì khiên cưỡng quá, đúng không? Đó là chưa nói đến chuyện khuyên mọi người nên vào Sài Gòn ăn phở mới đúng chuẩn. Ơ kìa kìa! Đọc đến đây mà tức á! Thế bạn nói xem vì sao mình phải vào Sài Gòn ăn phở nào? Ăn phở Sài Gòn cũng như nghe Hương Ly cover, ngon thì có ngon nhưng cửa nào bằng hàng chuẩn?
… nhưng hàng auth là hàng auth, nhé!
Hôm trước, bé nhân viên của mình sau khi đi Huế về đã hí hửng thưa chuyện với mình là "Anh, hùn vốn với em mở tiệm cơm tấm ở Huế không?" - kèm theo giọng điệu tràn đầy niềm tin chiến thắng. Chuyện là con bé ra Huế chơi 3, 4 hôm xong đi khắp cái thành phố vẫn không thấy tiệm cơm tấm nào hết trơn nên quyết định khởi nghiệp với mong muốn chiếm lĩnh thị trường. Bớt ôm giấc mộng em gái nhỏ ơi! Nếu thật sự người ta có thể phát tài nhờ cơm tấm giữa đất Kinh kỳ thì ba vạn người đã làm từ thế kỷ trước, không đến lượt em đâu.
Vì sao ở Huế không bán được cơm tấm? Vì nhắc đến Huế là nhắc đến cơm hến, bún hến, bún bò Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc... và rất nhiều món ăn sáng khác nhau tạo nên một nét văn hóa ẩm thực cho Huế. Vì ở Huế, người bán dễ dàng tìm được nguyên liệu cho các món ăn kể trên nhưng các món ăn xa lạ khác thì chưa chắc. Đồ ăn muốn ngon thì nguyên liệu phải là nét đặc trưng của vùng miền ấy. Mở tiệm cơm tấm ở Huế thì tháng này khai trương huy hoàng, tháng sau bình an dẹp tiệm! Vì cơm tấm không thuộc về Huế và cũng không ai ra Huế tìm cơm tấm làm gì, muốn ăn cơm tấm, mời ngay vào Sài Gòn cho nhanh vì đó là tinh hoa ẩm thực của thành phố này - ra Hà Nội vẫn có thể tìm thấy cơm tấm, bạn có thể thấy ngon nhưng hàng chuẩn cứ phải vào Sài Gòn nhé!
Tương tự thế, bạn có thể ăn đời ở kiếp với một hàng phở Sài Gòn nhưng nhắc đến phở là nhắc đến Hà Nội, không thể chạy đi đâu được! Vì đó là văn hóa, là một lẽ dĩ nhiên trong đời sống của người Việt Nam. Không ai có thể định nghĩa được phở nguyên bản có vị như thế nào, đâu là hàng auth, đâu là hàng fake nhưng những món ăn mang tính biểu tượng thì phở luôn được gắn với Hà Nội.
Quay trở lại đầu bài để xem bảng so sánh, vì là cái nôi của phở nên phở ở Hà Nội được biến tấu thành nhiều món hơn hẳn Sài Gòn và có một điều chủ quan đánh giá, người Hà Nội có thói quen ăn phở nhiều hơn Sài Gòn do món ăn này từ lâu đã trở thành một phần đời sống của người dân thủ đô. Nói rộng hơn về quốc tế, khi giới thiệu đến phở, bóng dáng của thủ đô đã xuất hiện ngay sau làn khói của món ăn quốc hồn, quốc túy này rồi. Thế nên, việc ra sức phủ nhận và đi ngược lại điều đã trở thành biểu tượng liệu có nên chăng? Đến Hà Nội kiểu gì cũng phải ăn một tô phở hay ghé Sài Gòn cỡ nào cũng phải xơi ngay một dĩa cơm tấm "sà bì chưởng" cho no đã! Điều này như là một chân lý vậy. Nên thôi, chuyện ăn uống mà, nâng cao quan điểm mà làm chi, ngon thì ăn, không ngon thì cho de, vậy cho yên bình! Mạn phép ngưng bút, đi làm ngay một tô bún chả Hà Nội ngon nhức nách bên phía quận 4 - Sài Gòn đây!
*Bài viết là quan điểm cá nhân, nếu bạn có bất kì ý kiến nào khác, xin hãy bình luận ở dưới nhé!
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Duy Anh/ Design: Hà Mĩ