Ám ảnh "thẩm mỹ chết chóc": Khi cái đẹp đánh đổi bằng cả mạng sống, khát vọng chính đáng bị chà đạp bởi lời hứa suông "chị chết, em chết theo"!

(Tổ Quốc) - Được đẹp hơn là khát vọng chính đáng của tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Phẫu thuật thẩm mỹ là một liều thuốc nhưng cũng có thể là "con dao hai lưỡi" nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ, vội tin vào những lời hứa hẹn đầy đường mật.

Trong thời gian vừa qua, nhiều tai nạn liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ liên tục được các y bác sĩ lên tiếng cảnh báo. Mới đây, trường hợp chị P.T.D.H. (22 tuổi) tử vong sau 2 tháng điều trị do biến chứng thẩm mỹ một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm khôn lường của việc phẫu thuật làm đẹp.

Những cái giá quá đắt

Lời hứa hẹn của bác sĩ: "Nếu chị mà chết, em sẽ chết theo"

Ngày 16/10/2021, bà N.T.N.Th. (50 tuổi, ngụ Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cùng chồng là ông Bùi Ngọc Vĩnh đến Bệnh viện thẩm mỹ GangWhoo (Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để hút mỡ bụng. Bệnh nhân được khám sức khỏe tổng quát, khoảng một tiếng sau thì bà Th. được đưa vào phòng mổ.

Những cái chết vì… làm đẹp: Từ lời hứa hẹn

Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo xảy ra vụ tử vong do hút mỡ bụng.

Sáng 17/10, ông Vĩnh gọi điện cho vợ thì không liên lạc được. Lo lắng nên ông quay lại bệnh viện yêu cầu được gặp bà Th. nhưng bị bảo vệ cản lại. Ông Vĩnh thấy quá vô lý, dọa sẽ báo công an xử lý thì mới được bệnh viện cho vào chờ. Chờ mãi vẫn không được gặp vợ, ông lao vào phòng thì phát hiện vợ đang trong tình trạng phải thở máy. Quá hoảng hốt trước tình trạng trên, ông Vĩnh yêu cầu bệnh viện phải chuyển vợ đi cấp cứu ngay lập tức.

15h ngày 17/10, bà Th. mới được chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân N.T.N.Th được can thiệp thở máy, vận mạch, kháng sinh, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, đến 21h ngày 18-10, bà T. qua đời.

Kết luận của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm cân hoại tử, hậu phẫu hút mỡ bụng ngày 3, bệnh lý tăng huyết áp.

Những cái chết vì… làm đẹp: Từ lời hứa hẹn

Người thân đã tổ chức đám tang cho bà N.T.N.T.

Theo người nhà nạn nhân, thời điểm gia đình phát hiện bà T. đang phải thở máy vào sáng 16/10, bác sĩ P.M.C. (người được cho là trực tiếp hút mỡ bụng cho bà T.) đã khẳng định với chồng nạn nhân rằng, "nếu chị mà chết thì em cũng sẽ chết theo, anh yên tâm không sao hết".

Tuy nhiên, dù được yêu cầu đưa nạn nhân đến bệnh viện nhưng phải đến 15h cùng ngày thì phía thẩm mỹ mới cho xe đưa nạn nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau đó nạn nhân nhập viện và được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng đau bụng, mạch nhanh và tụt huyết áp sau khi hút mỡ bụng một ngày. Ngay sau đó, bệnh nhân suy hô hấp phải bóp bóng, dùng thuốc vận mạch, huyết áp rất thấp. Tối 18/10, nạn nhân bị sốc nhiễm trùng, viêm hoại tử sâu thành bụng sau hút mỡ bụng ngày thứ 3 và tử vong.

2 ngày 2 ca tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ

Ngày 6/12, Bệnh viện Nhân Dân 115, TP.HCM đã tiếp nhận 1 trường hợp bị tai biến thẩm mỹ. Nữ bệnh nhân là chị H.T.N. (31 tuổi, ngụ tại Quận 8) được chuyển đến cấp cứu vào rạng sáng cùng ngày trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, tím tái toàn thân.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, vào chiều 5/12, nữ bệnh nhân đã được thực hiện phương pháp hút mỡ bụng và nâng mũi làm đẹp tại 1 cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Quận 1.

Những cái chết vì… làm đẹp: Từ lời hứa hẹn

Thẩm mỹ viện Diep Clinic

Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức, tuy nhiên người bệnh đã không qua khỏi. Sau khi bệnh nhân tử vong, Bệnh viện Nhân dân 115 đã bàn giao thi thể cho gia đình.

Theo lời kể từ phía gia đình, ngày 05/12, chị N. đăng ký hút mỡ bụng và nâng mũi tại một thẩm mỹ viện trên đường Nguyễn Công Trứ (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1).

Khoảng 8h sáng 06/12, một đại diện thẩm mỹ viện dùng điện thoại của chị N. gọi điện thông báo cho gia đình "bệnh nhân còn hấp hối".

Bước đầu chẩn đoán bệnh nhân tử vong do ngưng tuần hoàn, ngưng hô hấp trước khi nhập cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 và sau 14 giờ hút mỡ bụng tại cơ sở thẩm mỹ.

Những cái chết vì… làm đẹp: Từ lời hứa hẹn

Bên trong thẩm mỹ viện Diep Clinic

Cũng tại BV Nhân Dân 115, ngày 7/12 ghi nhận thêm một trường hợp tử vong khác do biến chứng thẩm mỹ.

Theo đó, chiều 7/12, chị N.T.P (24 tuổi, trú ở quận 10) vào một thẩm mỹ viện trên đường Độc Lập, quận Tân Phú để thẩm mỹ vùng lưng.

Chị P. được nhân viên thẩm mỹ viện ủ tê da vùng lưng bằng thuốc gây tê. Đến khoảng 14 giờ 35 phút, P. bị co giật và lúc 14 giờ 50 tình trạng sức khỏe của chị diễn tiến nặng, khó thở, tím tái. Thẩm mỹ viện đã gọi xe cấp cứu chuyển chị P. đến Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu.

Tại Bệnh viện Nhân Dân 115, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu đồng thời đặt nội khí quản. Tuy nhiên, đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân đã tử vong.

Bác sĩ CKII Trần Văn Sóng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 xác nhận nơi đây tiếp nhận bệnh nhân P. bị biến chứng sau thẩm mỹ từ Diep Clinic. Theo bác sĩ Sóng mặc dù đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân tử vong. Kết luận ban đầu bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp trên nền bệnh nhân thực hiện thủ thuật thẩm mỹ có dùng thuốc tê.

Những cái chết vì… làm đẹp: Từ lời hứa hẹn

Bệnh viện Nhân dân 115 ghi nhận 2 trường hợp tử vong trong 2 ngày do biến chứng thẩm mỹ.

Mẹ đơn thân tử vong sau 2 tháng sống thực vật do biến chứng nâng mũi

Vào tối 17/3, chị P.T.D.H (22 tuổi) nạn nhân trong vụ "Phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, hôn mê 1 tuần chưa tỉnh, đối mặt nguy cơ trở thành người thực vật" hồi tháng 1/2022 đã tử vong sau hơn 2 tháng sống thực vật do di chứng thẩm mỹ.

Trước đó, ngày 14/1, chị Phạm Thị Diễm H. được bạn giới thiệu và đến nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ ở khu biệt thự trong ngõ 147A Tân Mai, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Khoảng 12 giờ ngày 14/1, người thân nhận tin nhắn của chị H. đến đón, nhưng đến nơi thì không liên lạc được với chị H. 6 tiếng sau, người được giới thiệu để nâng mũi cho chị H. gọi điện báo người nhà đến ngay Bệnh viện Bạch Mai vì sức khỏe của chị H. rất yếu.

Những cái chết vì… làm đẹp: Từ lời hứa hẹn

Chị H. nhập viện sau tai biến thẩm mỹ.

Nhận hung tin, người nhà chị H. đã vượt hơn 1.500 km ra Hà Nội. Trao đổi với PV Dân Việt, anh Đ.P.A (anh rể chị H.) cho biết khi vào viện, các bác sĩ thông báo chị H. đang hôn mê, tình trạng nguy kịch, chỉ có 20% cơ hội sống sót, nếu sống thì 80% thành người thực vật.

Nói về hoàn cảnh, anh A. cho biết nạn nhân mới ly hôn, có con hơn 1 tuổi và gửi cho bà ngoại chăm sóc, ra Hà Nội mưu sinh để có tiền gửi về nuôi con.

Theo anh A., sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai không có tiến triển, gia đình đã đưa chị H. về Bệnh viện đa khoa Long An vào ngày 25/2. Khoảng 23 giờ tối 16/3, chị H. tử vong.

Vụ tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ gây ám ảnh nhất

Vụ án ở thẩm mỹ viện Cát Tường xảy ra vào 2013 đến nay vẫn gây ám ảnh. Nạn nhân là chị Lê Thị Thanh H. (SN 1974, ở 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trưa 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh H. đi xe máy đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ theo hợp đồng đã thỏa thuận trước. Sau khi ca mổ, kết thúc khoảng 30 phút, chị Huyền có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Tường đã tiêm thuốc chống sốc, trợ tim và thực hiện các biện pháp cấp cứu khác nhưng chị Huyền đã tử vong.

Do sợ trách nhiệm, bác sĩ Tường đã cho nhân viên về, thu dọn máy móc, đồ đạc đưa đi cất giấu để xóa dấu vết. Tối cùng ngày, ông Tường cùng nhân viên bảo vệ mang xe máy (của nạn nhân) sang bỏ ở phố Cổ Linh và sử dụng ô tô chở thi thể nạn nhân lên cầu Thanh Trì, vứt xuống sông Hồng.

Các nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) đã khai nhận sau khi làm phẫu thuật nâng ngực khiến chị Huyền tắt thở. Để phi tang, những nhân viên trên đã chở xác chị Huyền lên cầu Vĩnh Tuy vứt xuống sông Hồng, sau đó đưa xe máy của chị để ở Sài Đồng để tạo hiện trường giả.

Cáo buộc cho thấy Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ khoa ngoại, Bệnh viện Bạch Mai. Dù chưa được phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội nhưng Tường vẫn tiến hành thực hiện thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.

Đừng để chết vì làm đẹp

Ngay sau khi xảy ra những vụ tai nạn liên tiếp về phẫu thuật thẩm mỹ trong thời gian ngắn, đặc biệt 2 trường hợp biến chứng và tử vong liên tiếp hồi tháng 12/2021, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan siết chặt công tác quản lý đối với dịch vụ thẩm mỹ.

TS.BS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội thẩm mỹ TPHCM bức xúc cho rằng: "Nhiều người chỉ học spa ra nhưng lên mạng dạy đủ các kỹ thuật thẩm mỹ. Bác sĩ không phải chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đang đua nhau đi mổ lậu tại các spa và thẩm mỹ viện. Một số bác sĩ có học và được cấp chứng chỉ tạo hình thẩm mỹ chỉ được phép thực hiện các kỹ thuật gây tê tại chỗ nhưng đã làm vượt chức năng".

Những cái chết vì… làm đẹp: Từ lời hứa hẹn

Ảnh minh hoạ

Như trong vụ việc xảy ra tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, đường Hoàng Dư Khương, Q.10, TP Hồ Chí Minh vào năm 2019, chị V.N.A.T., 33 tuổi đã tử vong khi phẫu thuật đặt túi ngực. Ông Đinh Viết Hưng là bác sĩ, người phẫu thuật đặt túi ngực cho khách hàng. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân T. sau phẫu thuật đặt túi nâng ngực bị suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi dẫn đến ngừng tim, rối loạn nhịp tim nặng do block dẫn truyền ở trong tim trên người bệnh có nhịp xoang chậm trước mổ. Sai sót chuyên môn này là bác sĩ chưa khai thác hết tiền sử người bệnh, vì vậy chưa đánh giá hết nguy cơ có thể xảy ra.

Chưa kể, theo điều tra, ông Đinh Viết Hưng có dấu hiệu làm giả quyết định bổ sung phạm vi chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ.

Hay như sự việc xảy ra đối với nạn nhân 24 tuổi tử vong sau khi trị mụn và thâm da tại spa ở đường Độc Lập, (quận Tân Phú, TP.HCM) vào hồi tháng 12/2021.

Khi Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, xác nhận cơ sở spa này thực hiện kỹ thuật laser song chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh theo quy định, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ của các máy laser, thuốc, kem gây tê, mỹ phẩm.

Thanh tra đã yêu cầu cơ sở ngưng các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn liên quan đến y tế.

Hay như vụ việc xảy ra với nạn nhân P.T.D.H. mới đây, trong khi người thực hiện phẫu thuật cho nạn nhân khẳng định có đầy đủ giấy phép, cơ sở này được tiến hành thủ thuật nâng mũi tại nhà thì theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội khẳng định, cơ sở thẩm mỹ Hoàng Minh P. ở ngõ 147A Tân Mai, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai hành nghề không phép.

Những cái chết vì… làm đẹp: Từ lời hứa hẹn

Nạn nhân nguy kịch do phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh minh hoạ

Và mới đây nhất, vào tối 18/3, thêm một trường hợp tử vong nữa do biến chứng thẩm mỹ tại TP.HCM.

Theo lời kể từ gia đình, khoảng 11h30 ngày 18-3, chị N. đến Bệnh viện 1A phẫu thuật nâng ngực theo lịch hẹn. Gần 15h cùng ngày, không thấy chị N., người nhà vào gặng hỏi bác sĩ thì được trả lời "bệnh nhân gây mê, chưa tỉnh". Khi người nhà xin vào nhìn mặt cho yên tâm thì bác sĩ từ chối.

Một lúc sau người nhà tiếp tục vào tìm thì được bác sĩ trả lời "bệnh nhân bị tụt huyết áp" và không cho gặp. Lo sợ sự việc chẳng lành, người nhà bệnh nhân "quậy", tìm kiếm từng phòng và tá hỏa phát hiện chị N. đang nằm trên giường và đã tử vong.

"Trước khi phẫu thuật, sức khỏe của chị tôi hơi yếu, nhưng bác sĩ khám nói vẫn ổn và cho phẫu thuật bình thường. Đến giờ phía bệnh viện chưa có lời giải thích gì với gia đình về nguyên nhân tử vong của chị tôi" - em gái bệnh nhân nói.

Trước những vụ tử vong liên tiếp xảy ra sau phẫu thuật thẩm mỹ trong thời gian qua, để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM vừa ký văn bản yêu cầu các sở ngành, quận huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.

Theo đó, chính quyền các quận huyện phải có trách nhiệm tăng cường rà soát việc cấp phép kinh doanh, đăng ký tên của nhóm đối tượng kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ theo đúng quy định. Các đơn vị liên quan phải tăng cường hậu kiểm để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, tên biển hiệu các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (thêu, phun, xăm trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu... phải đồng nhất với tên cơ sở trong giấy phép đăng ký kinh doanh.

Thành phố yêu cầu khi phát hiện cơ sở vi phạm phải xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không có giấy phép.

Ngoài ra, đối với những trường hợp đã lỡ xảy ra sự cố và có người nhà tử vong trong khi phẫu thuật thẩm mỹ, thì nên tố cáo ra công an, các đơn vị chức năng để xử lý. Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp tử vong do một số bác sĩ hành nghề “chui” hoặc tay ngang chuyển sang cầm dao kéo và gây ra hậu quả đau lòng. Trong những trường hợp như vậy, người gây ra hậu quả cần chịu sự trừng phạt thích đáng về mặt pháp luật.

Những cái chết do làm đẹp đã được cảnh báo từ lâu nhưng nỗi đau, bi thương cho gia đình và xã hội vẫn không hề làm giảm đi động lực làm đẹp của các quý bà, các cô gái, để rồi tai nạn ập tới, họ phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Chish vì vậy, các chị em phụ nữ khi có nhu cầu làm đẹp cần tìm hiểu kỹ lưỡng cũng như lựa chọn cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn để làm đẹp trở nên là nhu cầu là chính đáng và không phải trả cái giá quá đắt như những trường hợp trên.

HẠ VŨ

Tin mới